Đề án bệnh viện vệ tinh tim mạch, ung bướu và y học hạt nhân: Hiệu quả rõ nét
Sau 5 năm triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh tim mạch, ung bướu và y học hạt nhân giai đoạn 2016-2020, chất lượng khám và điều trị bệnh lý tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần hạn chế tình trạng chuyển tuyến.
Đưa kỹ thuật cao vào khám-chữa bệnh tim mạch
Tháng 12-2016, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh tim mạch, ung bướu và y học hạt nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh giai đoạn 2016-2020. Sau đó, Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2018. Theo bác sĩ CKII Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch: Trước đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh không có Khoa Tim mạch cũng như bác sĩ chuyên khoa này. Do vậy, bệnh nhân tim mạch phải nằm điều trị rải rác tại các khoa. Sau khi Đề án được phê duyệt, Khoa Tim mạch được thành lập, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, nhân lực được cử đi đào tạo và tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật cao trong điều trị bệnh.
Hiện Khoa Tim mạch có 10 bác sĩ, 30 điều dưỡng viên và 6 hộ lý. Khoa được giao biên chế 50 giường bệnh nhưng số giường thực kê lên đến 69 giường. Từ năm 2018 đến nay, công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt trên 120%; tỷ lệ chuyển tuyến trước giảm còn khoảng 14%.
Dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Tim Hà Nội, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đào tạo cơ bản và nâng cao trong khám-chữa bệnh tim mạch. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã cử 42 bác sĩ, điều dưỡng viên đến đào tạo tại Bệnh viện Tim Hà Nội về các lĩnh vực như: tim mạch cơ bản; cấp cứu tim mạch; điều dưỡng cấp cứu tim mạch; điều dưỡng nội khoa tim mạch; holter điện tâm đồ; holter huyết áp; siêu âm tim cơ bản; đặt máy tạo nhịp tạm thời; cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn; tim mạch can thiệp cơ bản; can thiệp tim mạch; gây mê trong phẫu thuật tim mạch; hồi sức sau phẫu thuật tim mạch…
Đồng thời, Bệnh viện Tim Hà Nội luôn sẵn sàng cử cán bộ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển giao nhiều kỹ thuật cao như: đặt stent, máy tạo nhịp tạm thời và vĩnh viễn, thuyên tắc động tĩnh mạch, nhồi máu não do huyết khối, các bệnh lý về rối loạn nhịp tim, phẫu thuật tim mạch. “Nhờ tham gia Đề án, chúng tôi đã được chuyển giao nhiều kỹ thuật cao và ứng dụng hiệu quả, nâng cao chất lượng điều trị bệnh lý tim mạch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, người dân được chăm sóc sức khỏe tim mạch tốt hơn ngay tại địa phương, giảm chi phí điều trị cho người bệnh, góp phần giảm tải cho tuyến trên”-bác sĩ Trần Kế Toán cho biết.
Vì sự hài lòng của người bệnh
Trước đây, khi chưa có Khoa Tim mạch tại tỉnh, nhiều bệnh nhân phải vào TP. Hồ Chí Minh hoặc ra Huế, Hà Nội để khám và điều trị. Ngoài chi phí điều trị, các khoản chi phí sinh hoạt khác cũng khá tốn kém. Chị Hồ Thị Hồng Nhung (tổ 5, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) cho biết: “Được điều trị tại chỗ thì đỡ tốn kém chi phí, gia đình cũng thuận lợi trong chăm sóc người bệnh”. Còn ông Mai Văn Thìn (số 520 Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku) thì chia sẻ: “Từ ngày Khoa Tim mạch được thành lập, người bệnh có điều kiện thăm khám, điều trị và không phải vượt tuyến. Trường hợp cần cấp cứu về chuyên khoa tim mạch thì cũng được xử lý nhanh chóng, kịp thời hơn. Thái độ phục vụ của bác sĩ, nhân viên y tế cũng rất nhiệt tình”.
Việc thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh tim mạch giai đoạn 2016-2020 tại tỉnh ta đã đạt được một số mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Mặc dù, các bác sĩ Khoa Tim mạch đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao trong điều trị tim mạch nhưng do thiếu một số máy móc, thiết bị, đặc biệt là hệ thống máy chụp mạch xóa nền (DSA), máy thăm dò điện sinh lý và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng radio, máy đo phân suất dự trữ mạch vành và siêu âm trong lòng mạch… dẫn đến một số kỹ thuật cao chưa thể triển khai.
Bác sĩ Trần Kế Toán cho hay: Gia Lai tham gia đề án muộn hơn so với các địa phương khác. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được gia hạn và có sự hỗ trợ thêm từ Bệnh viện Tim Hà Nội để giúp các bác sĩ nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, trong điều kiện thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật cao như hiện nay thì rất cần chính sách hỗ trợ cán bộ làm việc. Đặt biệt, tỉnh cần đầu tư thêm trang-thiết bị, nhất là hệ thống máy chụp mạch xóa nền (DSA) để thực hiện các kỹ thuật can thiệp tim mạch như: chụp động mạch vành; đặt stent; can thiệp các trường hợp đột quỵ...