Đề án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1: Nỗ lực giải phóng mặt bằng trong năm 2025

Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 (phường An Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) được hình thành từ năm 1963 và là KCN đầu tiên của cả nước, có diện tích gần 340ha. Sau thời gian dài hoạt động, hệ thống hạ tầng cơ sở đã xuống cấp nghiêm trọng và không còn phù hợp với quy hoạch phát triển mới nên địa phương đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để chuyển đổi công năng xây dựng khu đô thị - thương mại - dịch vụ.

Chậm di dời

Tháng 2-2024, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. KCN có 78 doanh nghiệp phải di dời, trong đó có 14 doanh nghiệp di dời trước tháng 12-2024 và hoàn thành đối với các doanh nghiệp còn lại trước tháng 12-2025. Tính đến ngày 13-6, qua công tác kiểm tra tại 58/78 doanh nghiệp, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh ghi nhận việc di dời của các công ty còn chậm. Hiện có 43 doanh nghiệp ngưng hoạt động sản xuất; 15 doanh nghiệp đang tập trung nguồn lực để di dời các dây chuyền sản xuất.

Nhà máy Hóa chất Đồng Nai sản xuất thực phẩm và sản xuất sản phẩm gốc Photphat, Clo hiện cùng với Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam di dời dây chuyền sản xuất về KCN Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch). Trong khi đó, Chi nhánh Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Nhà máy sữa Dielac phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai đo đạc, kiểm đếm đất đai và tài sản phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Để triển khai đề án, Đồng Nai thực hiện thu hồi đất của 335 hộ dân, cá nhân, hiện 100 trường hợp đã nhận tiền bồi thường, tháo dỡ di dời tài sản; 130 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng chấp nhận di dời và 125 trường hợp chưa đồng ý tháo dỡ, di dời tài sản.

Anh Nguyễn An Thắng (người dân phường An Bình) cho biết, khu vực giải tỏa có nhiều hộ dân xây nhà trên đất “mua giấy tay” nên không được xem xét tái định cư tại chỗ. Bà con không còn nhà, đất ở nơi nào khác và mong muốn được UBND TP Biên Hòa hỗ trợ mua suất tái định cư hoặc nhà ở xã hội.

 Một góc khu công nghiệp Biên Hòa 1

Một góc khu công nghiệp Biên Hòa 1

Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, phường An Bình không có khu tái định cư để bố trí cho các trường hợp bị giải tỏa thuộc dự án chỉnh trang KCN Biên Hòa 1. UBND TP Biên Hòa dự kiến bố tái định cư tại khu tái định cư Tân Phong, khu đất tái định cư tại đường Điểu Xiển và khu tái định cư phục vụ dự án đầu tư quốc lộ 1A - đoạn tránh qua TP Biên Hòa để các hộ dân đủ điều kiện tái định cư vào ở, sớm ổn định cuộc sống.

Chính sách hỗ trợ đảm bảo quyền lợi người dân

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, từ đầu năm 2025 đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với UBND phường An Bình, 3 đoàn vận động của Ban Thường vụ Thành ủy TP Biên Hòa và các ban ngành đoàn thể vận động các doanh nghiệp, người dân được bố trí tái định cư di dời ra ngoài KCN Biên Hòa 1.

Trong đó, Xí nghiệp Hơi kỹ nghệ Biên Hòa - chi nhánh Công ty cổ phần Hơi kỹ nghệ que hàn cam kết di dời trong thời gian sớm nhất theo chủ trương sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ của địa phương, còn Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Thái ngưng hoạt động lò nấu nhôm để tránh phát sinh chất thải. Đồng thời, KCN có 30/34 đơn vị thuê nhà xưởng để hoạt động sản xuất và làm kho chứa hàng hóa thanh lý hợp đồng và cam kết hoàn thành di dời trong tháng 7-2025.

Ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (chuyên đúc gang xám, gang cầu và sản phẩm cơ khí), thông tin, những công ty có dây chuyền sản xuất quy mô lớn với nhiều máy móc, phương tiện, thiết bị hiện đại sẽ khó khăn hơn vì tốn nhiều thời gian, công sức di dời. Doanh nghiệp quốc doanh nên tiên phong tạo tiền đề cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp nước ngoài làm theo.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà, ngành chức năng địa phương và UBND TP Biên Hòa đang đẩy nhanh tiến độ tháo dỡ, di dời tài sản của người dân, doanh nghiệp tại KCN Biên Hòa 1 để có mặt bằng triển khai đề án chuyển đổi công năng. Đồng Nai cũng quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ, bồi thường để đảm bảo quyền lợi cho người dân và phấn đấu hoàn thành mục tiêu di dời các doanh nghiệp ra ngoài KCN Biên Hòa 1 trong năm 2025.

Đề án di dời các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt với tổng chi phí hỗ trợ bồi thường cho doanh nghiệp để giải phóng mặt bằng là hơn 7.500 tỷ đồng (chi phí này có thể thay đổi theo từng giai đoạn) và 1.270 tỷ đồng hỗ trợ chi phí ổn định đời sống cho người lao động, chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp sau khi di dời.

HOÀNG BẮC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-an-chuyen-doi-cong-nang-kcn-bien-hoa-1-no-luc-giai-phong-mat-bang-trong-nam-2025-post802213.html