Để Ấn Độ trở thành nền kinh tế 5000 tỷ USD năm 2024
Chiều 26/2, tại Hà Nội, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức buổi hội thảo với chủ đề 'Hợp tác kinh tế Ấn Độ-Việt Nam: Khảo sát kinh tế và Ngân sách tài chính của Ấn Độ 2020'.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma tại buổi hội thảo. (Ảnh: G.T)
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho rằng, năm 2019, trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến động, kinh tế toàn cầu giảm sút, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ đạt 5,0%. Giới phân tích tài chính đã nhận định, đây là kết quả tương đối lạc quan của Ấn Độ trong một năm dthế giới đầy biến động.
Theo Đại sứ Pranay Verma, từ năm 2014-2019, Ấn Độ đã có bước nhảy vọt đáng kể trong bảng xếp hạng quốc tế về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Năm 2014, Ấn Độ đứng thứ 142, năm 2019 quốc gia này đã xuống vị trí thứ 63. World Bank cho rằng, Ấn Độ là một trong 10 nước cải thiện môi trường tốt nhất trong 3 năm liên tiếp. Cũng trong giai đoạn này, thu hút vốn FDI của Ấn Độ lên tới 219 tỷ USD, trung bình 1 năm quốc gia này thu hút được 65 tỷ USD. Điều này thể hiện hiệu quả của chính sách cải cách của chính phủ cũng như niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài ngày ngày càng tăng.
Đại sứ Pranay Verma cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đặt mục tiêu, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD năm 2024. Mục tiêu này không chỉ đơn thuần là GDP nước ngày sẽ đạt 5.000 tỷ mà còn là sự phát triển đồng đều, bền vững, trong đó chú trọng sự phát triển đời sống, nâng cao năng lực và tạo công ăn việc làm ổn định cho nhân dân.
Để đạt được mục tiêu này, New Delhi dự kiến sẽ đầu tư 1.500 tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung vào đường bộ, đường sắt, hàng không, vận tải, viễn thông, dầu khí, năng lượng, khai thác và bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng, lên kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia (NIP) tạo điều kiện cho các dự án cơ sở hạ tầng chuẩn bị kỹ lưỡng, giúp tăng trưởng toàn diện hơn; tạo thêm việc làm, cải thiện cuộc sống và giúp tất cả người dân tiếp cận bình đẳng các dịch vụ nhà nước…
New Delhi dự kiến sẽ đầu tư 1.500 tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát triển cơ sở hạ tầng. (Nguồn: Nikkei Asian Review)
Tại Hội thảo, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Rajesh Uike cho biết, về vấn đề việc làm, hiện tại, Ấn Độ có cơ hội lớn để tạo ra một quỹ đạo xuất khẩu giống Trung Quốc với nguồn lao động dồi dào. Bằng cách đưa sáng kiến “Assemble in India for the world” (Lắp ráp tại Ấn Độ cho thế giới) vào chính sách "Make in India", Ấn Độ có thể tăng thị phần xuất khẩu lên 3.5% vào 2025 và 6% vào 2030, tạo 40 triệu công việc trả lương tốt vào 2025 và 80 triệu vào 2030, việc xuất khẩu sản phẩm mạng có thể tăng 25% giá trị gia tăng cần thiết để đưa Ấn Độ thành nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD.
Như vậy, quốc gia này cần chuyên môn hóa quy mô lớn trong các ngành nhiều nhân công, tập trung vào công việc lắp ráp quy mô lớn, xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường có lợi nhuận cao, coi chính sách thương mại là động lực thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng.
Về môi trường đầu tư kinh doanh, Ấn Độ cần cải thiện vấn đề phá sản và giải thể doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, hoạt động thương mại biên giới, đăng ký tài sản, nộp thuế, điện, và bắt đầu hoạt động kinh doanh; điều phối giữa các cơ quan logistic, thuế, hải quan, vận tải và cảng; tập trung tiếp cận ngành công nghiệp đơn lẻ như du lịch và sản xuất.
Về thu hút FDI, Chính phủ Ấn Độ cần xem xét kêu gọi vốn FDI trong lĩnh vực hàng không, truyền thông và bảo hiểm sau khi tham khảo ý kiến với tất cả các bên liên quan. Cho phép 100% vốn FDI cho các đơn vị trung gian bảo hiểm và các chỉ tiêu tìm nguồn cung ứng tại địa phương sẽ được nới lỏng, tạo điều kiện cho FDI trong lĩnh vực bán lẻ độc quyền.
Ông Rajesh Uike khẳng định, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế Ấn Độ là "mạnh tay" với cải cách cơ cấu, bao gồm tăng trưởng và kiểm soát chặt chẽ lạm phát. Vì vậy, để lộ trình trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD vào năm 2024 của Ấn Độ trở nên dễ dàng, quốc gia này cần phải tập trung mạnh vào phục hồi tăng trưởng trong Ngân sách 2020; giải quyết các tồn tại của các ngân hàng nhà nước; tái cấp vốn, tạo điều kiện cho các công ty hoàn tất thủ tục phá sản thông qua Luật Phá sản (IBC); nâng cao phúc lợi xã hội; chú trọng các biên pháp khuyến khích đầu tư; tập trung vào Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet Vạn vật (IoT), in 3D, máy bay không người lái, lưu trữ dữ liệu ADN, điện toán lượng tử...
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/de-an-do-tro-thanh-nen-kinh-te-5000-ty-usd-nam-2024-110366.html