Đề án hỗ trợ khởi nghiệp đặt mục tiêu 100 startup gọi được vốn

Sau 4 năm triển khai, Đề án 844 - Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạ đã hỗ trợ 110 doanh nghiệp với kinh phí hơn 100 tỉ đồng.

Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025" (Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/05/2016 giao Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì thực hiện.

Mục tiêu của Đề án 844 là tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ các công ty khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ, việc đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam với nền tảng là các doanh nghiệp tư nhân có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới đã trở thành hướng đi đúng đắn.

Ông Sơn dẫn chứng: "Thời gian qua, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ngày càng tăng, cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm một số quỹ đầu tư mạo hiểm của các tập đoàn tư nhân.".

Sau 4 năm triển khai, đề án đã hỗ trợ 110 doanh nghiệp với kinh phí hơn 100 tỉ đồng. Trong thời gian tới, đề án tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua các hoạt động nâng cao năng lực, hỗ trợ và liên kết, cơ sở pháp lí, truyền thông, hỗ trợ hoạt động.

Với mục đích tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đề án muốn một sự phát triển "thần tốc" trong 5 năm còn lại.

Cụ thể, đề án 884 đặt ra mục tiêu hỗ trợ 2.000 dự án khởi nghiệp600 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Con số 2.600 doanh nghiệp nhận sự hỗ trợ là rất lớn, gấp hơn 23 lần số doanh nghiệp nhận sự hỗ trợ trong 4 năm đầu tiên triển khai dự án.

Ngoài ra, đề án cũng mong muốn giúp đỡ 100 startup gọi được vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm, hoặc thông qua mua bán và sáp nhập. Theo dự kiến, tổng giá trị ước tính của những đợt hỗ trợ và giúp đỡ gọi vốn sẽ lên đến 2.000 tỉ đồng.

Việc nở rộ các startup tại Việt Nam cũng đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước. Theo thống kê, trong 3 năm trở lại đây vốn đầu tư cho các startup Việt Nam tăng nhanh. Năm 2018 vốn đầu tư cho startup là 889 triệu USD, gấp 3 lần năm 2017 và 5 lần so với năm 2016.

Dù ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, nhưng theo các chuyên gia, nguồn vốn luôn là rào cản lớn nhất với hệ sinh thái Việt Nam trong cả thập kỉ qua. Đặc biệt, trong gian đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nguồn vốn dành cho các startup nội địa lại càng khan hiếm.

Theo Techinasia, vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ ở Châu Á nói chung trong những tháng đầu năm 2020 đã giảm 52% so với cùng kì. Trung Quốc là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ xu hướng này khi đầu tư chỉ bằng 30% so với một năm trước.

Tương tự, Đông Nam Á bao gồm hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng khi Singapore và Indonesia không lọt vào nhóm 5 quốc gia được đầu tư nhiều nhất.

Các chuyên gia đánh giá, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp cao nhưng kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp thì còn yếu và thiếu. Có những doanh nghiệp năng lực tài chính tốt nhưng vẫn có thể đóng cửa vì năng lực quản trị tài chính lại không tốt. Cùng với đó, doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu tư duy về thị trường.

Một nguyên nhân khách quan khác là môi trường kinh doanh của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong bối cảnh hội nhập, hàng hóa từ nước ngoài tràn vào Việt Nam với số lượng lớn, chất lượng tại tốt hơn, trong khi khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Việt lại yếu. Điều này dẫn đến hàng hóa không tiêu thụ được, thị phần hàng hóa của Việt Nam bị sản phẩm nước ngoài lấn át, cạnh tranh gay gắt…

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/de-an-ho-tro-khoi-nghiep-dat-muc-tieu-100-startup-goi-duoc-von-1594616955919.htm