Đề án khuyến công giúp cơ sở hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất
Hoạt động khuyến công những năm gần đây đã và đang phát huy hiệu quả vai trò hỗ trợ sản xuất công nghiệp và ngành nghề nông thôn, giúp các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Với hoạt động tuyên truyền, phổ biến trong năm 2023 đã giúp người dân hiểu rõ thêm về các chính sách và quy trình thủ tục để được hỗ trợ từ các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại. Đề án khuyến công đã hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới công nghệ, từng bước hiện đại hóa trong sản xuất, cải tiến chất lượng và nâng cao năng suất sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Trong nguồn kinh phí hạn chế, được hỗ trợ nguồn kinh phí từ hoạt động khuyến công năm 2023 giúp các đơn vị thực hiện hóa mục tiêu đầu tư. Một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất đã ứng dụng hiệu quả nguồn vốn trong việc hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nguồn nguyên liệu. Năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ 14/17 đề án, trong đó có 02 đề án từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia; 03 đề án ngừng triển khai và không tiếp nhận kinh phí hỗ trợ do các đơn vị thụ hưởng gặp khó khăn về thị trường đầu ra của sản phẩm và không đủ vốn để tiếp tục đầu tư.
Năm 2023, cơ sở sản xuất tương hột Cẩm Hưng của bà Trần Thủy Tiên, Khóm 5, Phường 7, thành phố Trà Vinh đã xác định phải đồng bộ thiết bị tự động và đầu tư nâng cấp các thiết bị máy móc tiên tiến nhằm nâng cao năng suất. Vì thế, trong năm cơ sở đã đầu tư máy in phun tự động VIDEOJET với số tiền 126,5 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng.
Ông Đặng Quốc Sử, con của bà Thủy Tiên cho biết: sản phẩm tương hột được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh trong 02 năm 2018, năm 2020. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của cơ sở có một số công đoạn vẫn theo phương pháp thủ công nên năng suất không cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Cụ thể, khâu đóng date (ngày) của cơ sở vẫn còn đóng bằng tay nên không đều, dễ bong tróc ảnh hưởng đến mỹ quan của sản phẩm. Từ thực tế đó, năm 2023 đầu tư máy in date bằng công nghệ in phun tự động để nâng cao năng suất, giảm chi phí nhân công, hạ giá thành sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Việc ứng dụng máy in phun tự động trong sản xuất tương hột, giúp dây chuyền sản xuất của cơ sở hoàn thiện hơn, đạt chất lượng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm. Sản phẩm làm ra tăng tính thẩm mỹ, nâng cao năng suất, góp phần tăng thêm giá trị sản xuất công nghiệp.
Theo ông Sử, nguyên liệu làm tương hột chủ yếu từ đậu nành, đây là loại nông sản có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao. Hàm lượng dinh dưỡng trong đậu nành cao hơn cả thịt, cá,... Protein trong đậu nành cung cấp đầy đủ axit amin cần thiết cho người tiêu dùng. Không những giàu protein, lipit hạt đậu nành còn là một thực phẩm giàu vitamin và nuôi khoáng. Trung bình cơ sở sản xuất từ 0,7 - 01 tấn tương hột/ngày, giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại, giải quyết việc làm thường xuyên 04 lao động, lợi nhuận đạt 10%. Sau khi sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (năm 2021), sản phẩm tiêu thụ trên thị trường tăng từ 05 - 10% so với trước đây. Khó khăn hiện nay, cơ sở chưa chủ động nguồn nguyên liệu tại địa phương, phần lớn mua nguyên liệu ngoài tỉnh khoảng 20.000 đồng/kg đậu nành, do đó chi phí sản xuất tăng cao, dẫn đến lợi nhuận không cao.
Bên cạnh đó, các hoạt động kết nối, tham gia hội chợ, thương mại điện tử đã đạt được một số hiệu quả nhất định, hoạt động xây dựng App Mobile đã triển khai theo đúng tiến độ; hoạt động kết nối, giao thương với các tỉnh về lĩnh vực xuất khẩu được chú trọng triển khai đã mang lại hướng đi mới cho các doanh nghiệp trong tỉnh có tiềm năng xuất khẩu.
Thông qua các cuộc hội nghị kết nối thị trường, các doanh nghiệp đã định hướng phương thức sản xuất và kinh doanh, ngày càng hoàn thiện về mẫu mã, bao bì sản phẩm. Bước đầu đã cập nhật thông tin của trên 30 cơ sở, doanh nghiệp, giúp cho hoạt động quảng bá, buôn bán, trao đổi hàng hóa và phổ biến thông tin trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh đối với người tiêu dùng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Đồng thời giúp tăng uy tín và thương hiệu của sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh; hình thành môi trường kinh doanh trên internet hiệu quả; giúp tối ưu chi phí marketing và chi phí bán hàng cho doanh nghiệp khi tham gia trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm nông sản đặc trưng của 90 lượt cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các tỉnh: An Giang, Tiền Giang, Hải Dương, Hà Giang, Bến Tre, Bắc Kạn, Bắc Giang đến; hỗ trợ 150 cơ sở, doanh nghiệp tham gia các kỳ hội chợ, hội nghị kết nối tại các tỉnh, thành phố: Cà Mau, Bến Tre, Hậu Giang, Cần Thơ, Phú Thọ, Phú Quốc, Nha Trang, Hồ Chí Minh,...
Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Xuân, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Trà Vinh: chương trình khuyến công thời gian qua đã góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo việc làm ổn định cho lực lượng lao động nông thôn. Thông qua hoạt động khuyến công đã tác động tích cực đến cơ sở chủ động ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị vào sản xuất để tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, giảm nhân công lao động, tiết kiệm nguyên liệu, giảm ô nhiễm môi trường.
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp tăng cường tuyên truyền chính sách khuyến công và xúc tiến thương mại, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn các địa phương, cơ sở, doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện đề án khuyến công. Rà soát các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu để có chính sách hỗ trợ tham gia thị trường phù hợp. Hỗ trợ các đơn vị tham gia bán hàng online và kinh doanh trực tuyến, mở rộng thị trường bán hàng truyền thống sang vào các cửa hàng tiện ích, hiện đại.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN