Đề án thí điểm phục hồi các dòng sông: Đề xuất thành lập 5 Ủy ban lưu vực sông

Bộ TN&MT đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thành lập 5 Ủy ban lưu vực sông (sông Hồng - Thái Bình, sông Bắc Trung Bộ, sông Nam Trung Bộ, sông Đông Nam Bộ và sông Me Kong) để gắn trách nhiệm chung của các tỉnh và các Bộ, ngành.

Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng, nếu có đủ nguồn lực thì trong 5 - 7 năm sẽ giải quyết được ô nhiễm ở nhiều dòng sông. (Ảnh: Thu Cúc/baochinhphu.vn)

Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng, nếu có đủ nguồn lực thì trong 5 - 7 năm sẽ giải quyết được ô nhiễm ở nhiều dòng sông. (Ảnh: Thu Cúc/baochinhphu.vn)

Thông tin về công tác quản lý tài nguyên nước, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, ông Châu Trần Vĩnh cho biết, Cục đang trình Bộ TN&MT đề án thí điểm phục hồi các dòng sông, bao gồm thu gom, xử lý nước thải. Đề án dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2025.

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, đề án sẽ có hai phương án. Nếu được thông qua và có đủ nguồn lực thì trong vòng khoảng 5 - 7 năm sẽ giải quyết được ô nhiễm ở nhiều dòng sông.

Cụ thể, phương án thứ nhất là thí điểm ngay vào kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải đang bị ô nhiễm, sau đó triển khai mở rộng ra sông Nhuệ, Đáy và các sông nội đô Hà Nội. Phương án thứ hai là triển khai chương trình tổng thể trên toàn quốc, đó là rà soát, thống kê, lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt sau đó trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, một giải pháp khác để phục hồi các dòng sông "chết" là việc quản lý các dòng sông phải theo lưu vực, thay vì quản lý theo địa bàn hành chính.

Theo đó, Bộ TN&MT đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thành lập 5 Ủy ban lưu vực sông (sông Hồng - Thái Bình, sông Bắc Trung Bộ, sông Nam Trung Bộ, sông Đông Nam Bộ và sông Me Kong để gắn trách nhiệm chung của các tỉnh và các Bộ, ngành).

Mỗi ủy ban sẽ phụ trách một số lưu vực sông chính, trong đó sông nhánh như sông Nhuệ - sông Đáy sẽ là tiểu ban nằm trong Ủy ban lưu vực sông.

Thời gian tới, Cục cũng tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong giám sát việc vận hành các hồ theo 11 quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông; duy trì vận hành hệ thống giám sát trực tuyến khai thác sử dụng nước với khoảng 850 công trình đã được Bộ cấp phép; chủ trì và phối hợp các địa phương tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra với các công trình khai thác sử dụng nước.

Cục cũng tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia ven sông Me Kong trong trao đổi, chia sẻ thông tin về quy hoạch, chiến lược phát triển lưu vực sông Me Kong và chia sẻ thông tin về xây dựng và vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước; thực hiện hiệu quả các Tuyên bố chung về các biện pháp giảm thiểu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Me Kong.

Ông Vĩnh cho hay, về công tác quy hoạch tài nguyên nước, đến nay, ở cấp Trung ương đã có quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; 8/13 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh. Đang xây dựng và hoàn thiện 5 quy hoạch lưu vực sông.

Các đơn vị lĩnh vực tài nguyên nước cũng đôn đốc, hướng dẫn thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; kiểm kê tài nguyên nước; lập hành lang bảo vệ nguồn nước; ao hồ không san lấp; hạn chế khai thác nước dưới đất; quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng nước; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vận hành điều tiết các hồ chứa, liên hồ chứa bảo đảm cấp nước hạ du…

Ông Vĩnh cho hay, các đơn vị tiếp tục tập trung nguồn lực để triển khai Luật Tài nguyên nước 2023, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, tuyên truyền phổ biến. Trong đó, xây dựng, trình ban hành 1 Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; 5 Thông tư của Bộ trưởng TN&MT; trình ban hành 5 Quyết định của Thủ tướng quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông: Cả, Ba, Trà Khúc, Vu Gia - Thu Bồn, Côn - Hà Thanh để hoàn thiện hệ thống quy hoạch và đôn đốc việc thực hiện quy hoạch.

Thực hiện xây dựng dự thảo kịch bản nguồn nước để đầu năm 2025 trình Bộ công bố 8/13 lưu vực sông đã có quy hoạch (Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Hương, Sê San, Srepok, Đồng Nai, Cửu Long) để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nước; xây dựng đề án, lấy ý kiến và trình Thủ tướng thành lập 4 tổ chức lưu vực sông (Hồng - Thái Bình, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ) và kiện toàn Ủy ban sông Me Kong Việt Nam.

Tổ chức triển khai 3 đề án, dự án quan trọng: Đề án "Đánh giá tổng thể tác động và giải pháp ứng phó đối với việc các nước phát triển thủy điện trên dòng chính, chuyển nước sông Me Kong"; đề án "Điều tra, đánh giá và đề xuất phương án thí điểm phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm các sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ - Đáy, Ngũ Huyện Khê"; đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, các dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Văn Sơn

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/de-an-thi-diem-phuc-hoi-cac-dong-song-de-xuat-thanh-lap-5-uy-ban-luu-vuc-song-post522778.html