Đề án truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước: Khoanh định vùng hạn chế, vùng phải đăng ký khai thác tài nguyên nước

Ngày 12-8-2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 291 phê duyệt danh mục vùng hạn chế, vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là biện pháp quan trọng để bảo vệ nguồn tài nguyên nước trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng.

Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tuyên Quang là một trong những đơn vị được cấp phép khai thác
tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hải Hương

Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh được đánh giá là tương đối dồi dào, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay việc tăng trưởng nhanh nền kinh tế - xã hội cùng với việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư, các khu đô thị mới… đã kéo theo nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất ngày càng tăng.

Do hệ thống cấp nước tập trung chủ yếu đáp ứng cho sinh hoạt, dịch vụ khu vực đô thị, nên tại một số khu vực đã có hiện tượng một số cá nhân, tổ chức khai thác nguồn nước ngầm thông qua hệ thống giếng khoan khai thác nước dưới đất hoặc sử dụng nước dưới đất xuất lộ để tự cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của mình. Cảnh báo của Sở Tài nguyên và Môi trường, khai thác nước tập trung quy mô lớn sẽ dẫn đến tình trạng hạ thấp mực nước sâu, sụt lún bề mặt đất…

Trước nguy cơ này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 291 lập danh mục vùng hạn chế, vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất là các khu vực đã từng xảy ra sụt lún, biến dạng địa hình; khu vực có bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng và bảo vệ môi trường; khu vực có giếng khai thác nước dưới đất bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và sinh vật mà chưa có công nghệ xử lý để bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt; khu vực có nghĩa trang tập trung hoặc các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất. Diện tích khoanh định vùng hạn chế khai thác là 5.129,23 ha. Trong đó, khu vực thành phố Tuyên Quang khoanh vùng 1.541,7 ha, Chiêm Hóa khoanh vùng 500,49 ha, Sơn Dương khoanh vùng 629,23 ha, Yên Sơn khoanh vùng 1.461,04 ha, Hàm Yên khoanh vùng 659,15 ha, Na Hang 249,81 ha, Lâm Bình 87,81 ha.

Vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất là các khu vực được phép khai thác nước dưới đất, nhưng phải đăng ký theo quy định của pháp luật và thuộc một trong số các khu vực như: khu vực có mực nước dưới đất có nguy cơ bị hạ thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép; khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm 3 năm liên tục và có nguy cơ hạ thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép; khu vực có nguy cơ sụt lún, biến dạng công trình do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn nằm trong vùng có đá vôi hoặc nằm trong vùng có cấu trúc nền đất yếu; khu vực bị ô nhiễm hoặc gia tăng ô nhiễm do khai thác nước gây ra; khu vực nằm trong phạm vi khoảng cách nhỏ hơn 1 km tới bãi rác tập trung, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang và các nguồn thải nguy hại khác và khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung, bảo đảm cung cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng. Theo đó, diện tích khoanh vùng đăng ký khai thác nước dưới đất là 8.408,86 ha, cụ thể: Thành phố Tuyên Quang 1.762,72 ha, Chiêm Hóa 662,73 ha, Sơn Dương 1.273,55 ha, Yên Sơn 3.100,95 ha, Hàm Yên 768,27 ha, Na Hang 187,4 ha, Lâm Bình 653,24 ha.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Quyết định 291 có hiệu lực ngay sau ngày ký. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất phải thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất trong các khu vực thuộc danh mục vùng hạn chế khai thác. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm, giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học nằm trong các khu vực đã khoanh vùng và có chiều sâu lớn hơn 20 m thì phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất.

Quyết định 291 là cơ sở để thiết lập các quy định nhằm ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm, giảm nguy cơ gây suy thoái nguồn nước dưới đất và phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước. Qua đó góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/de-an-truyen-thong-nang-cao-nhan-thuc-cong-dong-ve-tai-nguyen-nuoc-khoanh-dinh-vung-han-che-vung-phai-dang-ky-khai-thac-tai-nguyen-nuoc-121591.html