Đề án xây dựng nâng cấp, mở rộng trường học ở Đà Nẵng chậm tiến độ
Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, qua giám sát nhận thấy việc triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng trường học chưa kịp tiến độ.
Kiến nghị thu hồi đất để xây trường học
Nêu ý kiến thảo luận tại kỳ họp thứ 15 khóa 10 HĐND TP Đà Nẵng, về kết quả thực hiện đề án xây dựng, nâng cấp mở rộng trường lớp giai đoạn 2021-2025, ông Lê Văn Nghĩa – Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, tính đến 11/2023 có 140 công trình xây dựng trường học đã phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 2.844 tỷ đồng. 6 công trình đang hoàn thiện hồ sơ với tổng mức đầu tư là 2,6 tỷ đồng.
Để triển khai các dự án này, TP Đà Nẵng giao cho 7 quận huyện và 4 Ban quản lý dự án thuộc thành phố thực hiện. Việc triển khai dự án nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn, đảm bảo học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đáp ứng Chương trình GDPT 2018.
“Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy việc triển khai các dự án chưa kịp tiến độ. Để thực hiện đảm bảo kế hoạch nâng cấp mở rộng trường lớp giai đoạn 2021-2025, đề nghị HĐND chỉ đạo UBND TP chỉ đạo các quận huyện, các Ban quản lý kịp thời giải phóng mặt bằng, đồng thời chuẩn bị công tác đầu tư vì việc chuẩn bị công tác đầu tư rất mất thời gian”, ông Nghĩa kiến nghị.
Đại biểu Lê Văn Nghĩa cũng dẫn chứng, học sinh tiểu học trên địa bàn quận Cẩm Lệ và quận Liên Chiểu chưa được học 2 buổi/ngày. Vì vậy kiến nghị thu hồi các lô đất công cho mượn để xây dựng trường học.
Ngoài ra, ưu tiên vốn cho các công trình đã có quyết định chủ trương đầu tư, quyết liệt chỉ đạo các quận, huyện đề nghị đầu tư công. “Chúng tôi đi kiểm tra tại khu đô thị Hòa Xuân có 12 công trình xây dựng các trường học nhưng đến nay vẫn không đầu tư. Khu đô thị Golden Hills cũng tương tự như vậy”, Đại biểu Lê Văn Nghĩa cho hay.
Bà Lê Thị Anh Thi – Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, qua báo cáo chúng ta thấy đề án chậm triển khai so với kế hoạch đề ra, chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn, đặc biệt là các quận có tỉ lệ tăng dân số cơ học như Cẩm Lệ, Liên Chiểu. Có một số tồn tại vướng mắc, trong đó có công tác quy hoạch, địa điểm.
Chủ đầu tư phải thực hiện công trình giáo dục như cam kết
Thông tin về việc này, bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho rằng, ngày 27/11 vừa qua, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở GD&ĐT TP chủ trì phối hợp với UBND quận, huyện và các Ban quản lý tiếp tục rà soát tổng hợp số liệu cụ thể các công trình đầu tư trong thời gian đến để báo cáo TP trong tháng 1/2024.
Theo bà Thuận, đến hiện nay thì đề án được 62 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, 29 công trình đang xây dựng, 54 công trình đang triển khai các bước đầu tư, 62 công trình đang hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị đầu tư. Trước mắt đáp ứng được cơ sở vật chất, phục vụ chương trình dạy học, phổ cập mầm non…
Hiện tại các địa phương đang tiến hành song song vừa triển khai dự án, vừa dạy học, sắp xếp công việc cho phù hợp đảm bảo chất lượng dạy học. Tuy nhiên, một số quận vẫn còn gặp khó khăn do bố trí đất xây dựng trường Tiểu học, THCS. Cụ thể, Liên Chiểu và Cẩm Lệ, UBND TP Đà Nẵng đang bố trí rà soát quỹ đất liên quan đến xây dựng trường học.
“Nhằm đảm bảo yêu cầu Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT đề nghị các chủ đầu tư, các khu đô thị có kế hoạch triển khai xây dựng trường học theo đúng dự án phê duyệt. Cam kết tiến độ triển khai, đặc biệt các dự án đã được lấp đầy 50% để đảm bảo tổ chức dạy học, theo như kế hoạch ban đầu mà chủ đầu tư dự án đô thị đã báo cáo thành phố”, bà Thuận chia sẻ.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, vấn đề đầu tư trường lớp được thành phố rất quan tâm. Đề án chậm do thành phố tăng cường nguồn lực đầu tư từ 4.300 tỷ đồng lên gần 8.000 tỷ đồng.
“Đúng là đã thiếu trường học cục bộ ở một số địa phương, như phường Hòa Xuân quận Cẩm Lệ dân số tăng rất nhanh. Ngoài ra, các dự án, chủ đầu tư cam kết xây dựng trường học nhưng không đúng tiến độ. Vì thế dẫn đến tình trạng ở phường này nhưng chở đi học ở nơi khác”, ông Triết nói.
Lãnh đạo HĐND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các chủ dự án phải thực hiện cam kết của mình trong việc đầu tư các công trình giáo dục liên quan trên địa bàn các dự án tổ chức triển khai. Đồng thời, các đơn vị chức năng tiếp tục giám sát việc thực hiện của các chủ đầu tư.
Liên quan đến việc biên chế giáo viên, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch tịch HĐND TP Đà Nẵng cho hay, Trung ương hỗ trợ thêm cho Đà Nẵng 188 biên chế. Vì thế UBND TP bố trí số lượng biên chế này vào ngành giáo dục để phù hợp.