Để Ban đại diện cha mẹ học sinh là 'sợi dây' kết nối nhà trường, gia đình
Ban đại diện cha mẹ học sinh rất quan trọng trong hoạt động giáo dục của trường, của lớp. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề cần lưu ý để tổ chức này hoạt động thực chất, hiệu quả.
Hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết
Nhiều năm làm công tác giáo viên chủ nhiệm và có con nhỏ đi học, cô Trần Thị Thảo, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Ngữ Văn, Trường THCS Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội), được trải nghiệm, nhìn nhận Ban đại diện cha mẹ học sinh, từ góc độ phụ huynh trường ngoài công lập và góc độ nhà trường.
Với câu hỏi “Ban đại diện cha mẹ học sinh có thực sự cần thiết không, hoạt động có hiệu quả không? Câu trả lời của cô Thảo là: “Vai trò Ban đại diện cha mẹ học sinh rất quan trọng trong hoạt động giáo dục của trường, của lớp”.
Từ trải nghiệm của một phụ huynh, cô Trần Thị Thảo chia sẻ: Trường con tôi, giáo viên chủ nhiệm không phải thu các khoản phí của nhà trường. Về tài chính, cha mẹ học sinh làm việc độc lập và trực tiếp với kế toán trường nên khá minh bạch. Thậm chí, mỗi kì học hoặc đầu năm học, khi nhà trường đưa ra khoản thu nào/tăng học phí không hợp lí, đại diện ban phụ huynh lớp lắng nghe, tổng hợp ý kiến cha mẹ học sinh để trao đổi và làm việc với nhà trường…
Trong quá trình học sinh học tập và ăn ngủ bán trú tại trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp trao đổi với nhà trường về các vấn đề an toàn trường học và vệ sinh thực phẩm.
Trong mỗi hoạt động của các con như sinh nhật, trung thu, sơ kết, tổng kết lớp… Ban đại diện cha mẹ học sinh đều đại diện phụ huynh cùng giáo viên chủ nhiệm tổ chức hoạt động cho các con; đồng thời thay mặt cha mẹ học sinh lớp chúc mừng thầy cô dịp lễ tết, thăm hỏi động viên học sinh ốm đau…
“Trên góc độ này, bản thân tôi thấy cần có Ban đại diện cha mẹ học sinh, vì đó là cầu nối thông tin hai chiều giữa nhà trường với cha mẹ học sinh; là tổ chức đồng hành cùng thầy cô và nhà trường trong các hoạt động giáo dục và giúp đỡ các cha mẹ học sinh khác khi không có điều kiện tham gia cùng.” - cô Trần Thị Thảo cho biết.
Ở vai trò người đã hơn 10 năm đảm nhiệm công tác giáo viên chủ nhiệm ở trường ngoài công lập, cô Trần Thị Thảo cũng đánh giá cao vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc đồng hành cùng thầy cô, nhà trường.
Nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh được bầu lên là những cá nhân tích cực, có tinh thần xây dựng và nhiệt tình với các hoạt động của lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ được hỗ trợ nhiều. Ngược lại, Ban đại diện cha mẹ học sinh bầu lên chỉ cho có, giáo viên chủ nhiệm rất vất vả trong việc tổ chức hoạt động cho học sinh (góc độ giáo viên chủ nhiệm trường ngoài công lập, có nhiều hoạt động trong năm học).
Nếu có Ban đại diện cha mẹ học sinh mạnh/tốt, giáo viên chủ nhiệm dễ dàng triển khai các hoạt động và nhận được sự đồng thuận/góp ý trên tinh thần xây dựng. Từ đó, việc phối hợp giáo dục học sinh thuận lợi hơn.
Đối với trường ngoài công lập, Ban đại diện cha mẹ học sinh tập hợp ý kiến, đối thoại với nhà trường về các vấn đề chưa thống nhất/chưa phù hợp…(ảnh hưởng đến học sinh) để đi đến sự thống nhất hài hòa giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, cô Thảo cũng chia sẻ, ở một số trường ngoài công lập, ở một số Ban đại diện cha mẹ học sinh, hoạt động dân chủ này đôi khi đi quá giới hạn, diễn ra trong thời gian dài… làm ảnh hưởng đến tinh thần chung của lớp, ảnh hưởng đến học sinh và giáo viên….
“Dù ở góc độ phụ huynh hay giáo viên chủ nhiệm, tôi vẫn mong muốn duy trì hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trên tinh thần: Ban đại diện cha mẹ học sinh nắm rõ điều lệ hoạt động của thông tư để thực hiện đúng vai trò và nhiệm vụ. Mục tiêu lớn nhất đồng hành với nhà trường, thầy cô trong quá trình giáo dục và tổ chức hoạt động giáo dục đối với học sinh.” - cô Trần Thị Thảo cho hay.
Vai trò quan trọng của người đứng đầu nhà trường
Ở góc nhìn trường công lập, cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) cũng nhận định Ban đại diện cha mẹ học sinh có ý nghĩa thiết thực trong việc kết nối giữa nhà trường và gia đình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học.
Ban đại diện cha mẹ học sinh nói lên tiếng nói, nguyện vọng của cha mẹ học sinh toàn trường, đảm bảo quyền lợi cho học sinh, phụ huynh học sinh, thống nhất các hoạt động giữa nhà trường và gia đình; phát huy được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, công tác xã hội hóa của một số nhà trường.
Ban đại diện cha mẹ học sinh còn góp phần quan trọng trong việc thực hiện, phối hợp với nhà trường các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống và nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó nâng cao trách nhiệm của gia đình trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh.
Để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả hơn nữa, cô Vũ Thị Anh cho rằng, mỗi cha mẹ học sinh luôn có ý thức trách nhiệm đối với gia đình, nhà trường. Đồng thời, tăng cường quản lý, giờ giấc học tập, vui chơi và sinh hoạt cá nhân của con em, kịp thời phát hiện những thay đổi về tâm sinh lý để có giải pháp giáo dục phù hợp. Phối hợp thường xuyên để liên lạc với nhà trường nắm bắt được tình hình học tập, hoạt động giáo dục của nhà trường.
Ngoài hình thức hoạt động qua các cuộc họp định kỳ giữa cha mẹ học sinh với giáo viên chủ nhiệm, cần có những kênh, hoạt động khác để khuyến khích sự tham gia của cha mẹ học sinh như: Mời cha mẹ học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, hoạt động “Lễ trưởng thành khi tôi 18”,…
Thu - chi luôn là vấn đề “nhạy cảm” ở các nhà trường, vì vậy để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả thì vấn đề thu - chi cần công khai, minh bạch, đúng quy định và có sự thống nhất giữa nhà trường và Hội cha mẹ học sinh. Hội cha mẹ học sinh phát huy tối đa vai trò huy động các nguồn lực vật chất để phục vụ tốt cho công tác giáo dục trong nhà trường. Sự kiên quyết, nghiêm túc thực hiện theo đúng các quy định của người đứng đầu nhà trường cũng vô cùng quan trọng, giúp vấn đề thu - chi công khai, minh bạch.
Cho biết hiện nhà trường đang triển khai tốt Thông tư về Điều lệ Ban đại diện Cha mẹ học sinh và không có vướng mắc, theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), điều tối quan trọng làm nên hiệu quả hoạt động của Ban đại diện là cha mẹ học sinh phải có thời gian, tâm huyết; cùng với đó, Hiệu trưởng nhà trường kiên quyết thực hiện nghiêm túc các quy định.
“Ở Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Ban đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường thống nhất các nội dung thu chi theo quy định đầu năm, gần như không có thêm khoản thu nào khác. Còn các khoản vận động xã hội hóa, nhà trường thực hiện hồ sơ theo quy định mà không giao Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, nhà trường cũng hạn chế tối đa việc này do gia đình học sinh hầu hết còn khó khăn.” - thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho hay.
Chia sẻ thực tế phụ huynh đa phần không muốn vào Ban đại diện cha mẹ học sinh bởi nhiều công việc “vác tù và hàng tổng” và vì ngại phiền. Giải pháp cô Trần Thị Thảo đưa ra là vẫn có Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp từ 3-5 người, nhưng có vai trò leader, phân việc theo sự kiện và chia nhóm cha mẹ học sinh khác tham gia theo từng sự kiện. Nếu được, Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh có thể bổ sung thêm quy định như thế nào đó để khích lệ, động viên được nhiều cha mẹ học sinh tham gia hơn.
Ở góc độ nhà trường, theo cô Thảo, các khoản thu về tài chính nên tách khỏi hoạt động của cha mẹ học sinh để tránh tâm lý đi họp chỉ để đóng tiền.