'Để bầu trời mãi xanh': Hành trình đặc biệt của ký ức
Sáng ngày 23/11, tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đã khai mạc trưng bày 'Để bầu trời mãi xanh' tái hiện một phần ký ức miền Bắc trong hai đợt chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ giai đoạn 1964 - 1972.
Tại buổi lễ khai mạc, khách mời là một số nhân chứng lịch sử của lực lượng không quân Việt Nam đã kể lại những kỷ niệm trong giai đoạn chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ, giai đoạn 1964 - 1972.
Các cựu chiến binh là những người nhiều mất mát trong cuộc chiến, họ cũng là những người dũng cảm, có trách nhiệm trong việc nối lại quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh. Từ những người đối đầu, nay họ đã cùng nhau bắt tay hướng tới tương lại tốt đẹp.
Không gian trưng bày tái hiện với chủ đề “Giữ vững biển trời” là những bức ảnh kể lại những câu chuyện về bản lĩnh trí tuệ của quân dân miền Bắc trong hai đợt chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ.
Trong phần trưng bày này có nhiều bức ảnh cùng với lời kể của những nhân chứng tái hiện hậu quả nặng nề mà những trận mưa bom bão đạn quân đội Mỹ đã dội xuống miền Bắc giúp cho người xem có thể thấy rõ được về sự tàn khốc mà bom đạn gây ra. Bên cạnh sự tàn phá khốc liệt là những bức ảnh ghi lại thời khắc niềm vui chiến thắng mà các chiến sĩ không quân của ta bắn hạ máy bay địch.
Điển hình là bức ảnh chụp được thời khắc của anh hùng Phạm Tuân - phi công đầu tiên của Không quân Việt Nam trước khi xuất kích, chính ông là người đầu tiên đã sử dụng máy bay MIG-21 bắn rơi máy bay B52 và trở về an toàn đêm ngày 27/12/1972. Cùng với đó là những bức ảnh chụp lại các mảnh vỡ máy bay B52 bị bắn rơi vào ngày 27/12/1972 trên đường phố Hà Nội.
Nói về bức ảnh này, Trung tướng Phạm Tuân cho biết: “Tôi nhớ là gần mười ngày đầu chúng ta không đánh được mà địch đánh tan nát sân bay của chúng ta, thậm chí phi công của chúng ta phải nhảy dù. Ngày 27/12/1972, tôi là người đầu tiên xuất kích và bắn rơi máy bay B52. Đây là chiến công chung của Không quân nhân dân Việt Nam và thể hiện không quân nhân dân Việt Nam đã bắn rơi được máy bay hiện đại nhất của Mỹ chứ không phải cá nhân tôi”.
“Mỗi lần được nhìn lại những bức ảnh, những thước phim về chiến tranh ngày xưa trong tôi lại hiện lên cuộc chiến tranh gian khổ nhưng rất hào hùng của dân tộc. Tôi cảm thấy may mắn khi được tham gia vào chiến dịch đó, càng nhớ lại bao nhiêu thì càng thấy được tinh thần dân tộc của mỗi con người Việt Nam trong chiến tranh khói lửa, tạo nên một khối thống nhất và đó là sức mạnh của chúng ta. Khi nhìn lại cái cũ, tôi rất tự hào và nghĩ rằng ngày đó mình làm được như vậy thì chắc chắn thời nay con cháu của chúng ta sẽ làm được và làm tốt hơn những người đi trước nếu Tổ quốc cần đến”- Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ thêm.
Ở giai đoạn sau chiến tranh “Nối hai bờ đại dương” trưng bày những bức ảnh về những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đã chung tay góp sức hàn gắn viết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau mà chiến tranh để lại.
Trong hành trình đặc biệt ấy có sự góp sức không nhỏ của các cựu chiến binh, các tổ chức, cá nhân yêu chuộng hòa bình.