Để bệnh nhân ung thư không phải chiến đấu một mình
'Bệnh nhân ung thư không cần sự thương hại, họ cần sự đồng cảm, để có thể chia sẻ và cùng nhau vượt qua khó khăn', chị Nguyễn Hiền Mi, Chủ tịch Tổ chức Sáng kiến ung thư Muối (SCI), cho biết.
Năm 2016, Sáng kiến ung thư Muối - Salt Cancer Initiative (SCI) do một bệnh nhân ung thư là chị Trương Thanh Thủy cho ra mắt với sứ mệnh đồng hành và hỗ trợ cộng đồng bệnh nhân ung thư tại Việt Nam. Năm 2020, chị Thủy đã qua đời nhưng dự án do các cộng sự của chị kế thừa đã tiếp tục thực hiện và phát triển một cách bền vững với châm ngôn "Bạn không phải chiến đấu với ung thư một mình!".
Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Hiền Mi, Chủ tịch Tổ chức Sáng kiến ung thư Muối (SCI).
PV: Nhân duyên nào đưa chị đến với SCI và đồng hành cùng tổ chức trong suốt những năm qua?
Chị Nguyễn Hiền Mi: Giữa năm 2018, khi đang làm marketing trong một công ty startup về công nghệ nhưng tôi cảm giác vẫn muốn làm trong các tổ chức hay hoạt động cộng đồng nhiều hơn. Tình cờ tôi thấy bài chị Thủy – Cựu Chủ tịch SCI đang tìm một bạn quản lý vận hành tại Việt Nam. Từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu chị Thủy là ai, những câu chuyện truyền cảm hứng của chị, hay SCI hoạt động như thế nào, liệu tôi có thể hỗ trợ được gì... Sau quá trình làm bài kiểm tra cũng như phỏng vấn, tôi được lựa chọn vào SCI. Sau đó, tôi cũng là người đặt nền móng pháp lý đầu tiên cho tổ chức tại Việt Nam và cùng với đội ngũ phát triển nó đến ngày hôm nay.
PV: Xin chị cho biết SCI đã có những hoạt động cụ thể nào để đồng hành cùng người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân nữ?
Chị Nguyễn Hiền Mi: SCI là một tổ chức hỗ trợ cộng đồng bệnh nhân ung thư Việt Nam với 2 mục tiêu chính, thứ nhất là cung cấp các thông tin y khoa chính xác; thứ hai là tạo cộng đồng bệnh nhân ung thư, nơi mà ở đó ở các bệnh nhân cũng như gia đình có thể chia sẻ và truyền cảm hứng cho nhau. Từ đó tới nay chúng tôi có hơn 11 dự án, được hoạt động theo tuần, theo tháng hoặc là các sự kiện lớn hằng năm. Ví dụ như các lớp yoga miễn phí dành cho bệnh nhân tại 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế và Thái Bình; hay lớp vẽ, lớp trị liệu nghệ thuật, các buổi chiếu phim, hội thảo giữa bác sĩ và bệnh nhân, thư viện online…
Hàng năm, chúng tôi tổ chức các sự kiện lớn như: Ngày hội đi bộ dành cho bệnh nhân ung thư, Diễn đàn bệnh nhân ung thư Việt Nam (2017, 2018, 2023) - nơi chúng tôi mời các chuyên gia bác sĩ nước ngoài, cùng với các bác sĩ chuyên gia trong nước, tổ chức những buổi hội thảo mang tới thông tin, phương pháp chữa trị mới nhất cho bệnh nhân ung thư Việt Nam... Các diễn đàn về các vấn đề như: "Điều trị và phòng chống ung thư vú & buồng trứng", "Liệu pháp phòng ngừa & phát hiện sớm ung thư cổ tử cung", "Những tiến bộ trong điều trị ung thư buồng trứng"…, thường được nhiều bệnh nhân nữ quan tâm.
Trong các hoạt động của SCI thì hơn 80% người tham dự là các chị em phụ nữ. Điều này thì cũng dễ hiểu, bởi tôi nghĩ rằng thường phụ nữ sẽ có nhiều nhu cầu được chia sẻ và kết nối hơn, từ đó cũng sẽ mang lại cho họ nhiều nguồn năng lượng tích cực hơn trong hành trình chữa bệnh của mình.
PV: Là chương trình hoạt động phi lợi nhuận, chị đã gặp phải những khó khăn nào trong suốt thời gian điều hành? Những khó khăn đó có trở thành rào cản trong các hoạt động của SCI không?
Chị Nguyễn Hiền Mi: Tất nhiên sẽ có những khó khăn nhất định. Là tổ chức phi lợi nhuận, làm sao xây dựng đội ngũ nhân sự cứng để hoạt động tổ chức một cách bài bản, có sự chuyên nghiệp nhất định không phải dễ dàng. Đặc biệt, phải duy trì nguồn lực tài chính để duy trì các dự án cũ và phát triển các dự án mới trong thời điểm các doanh nghiệp đều gặp khó khăn và cắt giảm chi tiêu, tài trợ. Cùng với đó, việc truyền thông làm sao để có thể đưa thông tin tới nhiều bệnh nhân hơn nữa để mọi người có thể tham gia các hoạt động của SCI, do ko phải ai cũng dùng mạng xã hội, nhất là các cô chú lớn tuổi.
Tôi coi mỗi khó khăn là một bài toán mình cần giải. Nếu là vấn đề thì sẽ có cách giải quyết, bằng cách này hay cách khác, nếu chưa đúng thì đó là một bài học. Suốt 6 năm qua, ban điều hành của SCI đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng với tâm huyết với cộng đồng, tôi mong ngọn lửa của chị Thủy vẫn tiếp tục được gìn giữ, vì đó là niềm tin của cả một tập thể.
PV: Cá nhân chị đánh giá mình và các cộng sự "được" những điều gì khi tham gia chương trình này?
Chị Nguyễn Hiền Mi: Tôi hay nói vui trong những buổi chia sẻ của mình là "Làm cộng đồng không giàu vì tiền, nhưng chắc chắn giàu tình cảm, tình nghĩa - những điều chưa chắc đã mua được bằng tiền". Thật vậy, có cô giáo yoga của SCI từng nói với tôi rằng: "Chị nghĩ chị đi dạy lớp bệnh nhân ung thư là mình hỗ trợ mọi người, nhưng khi tới lớp, thấy ai cũng vui vẻ, chị thấy có khi mình còn được truyền năng lượng tích cực ngược lại từ các cô chú!".
Bệnh nhân ung thư không cần sự thương hại, họ cần sự đồng cảm, để có thể chia sẻ và cùng nhau vượt qua khó khăn. Đến với SCI, gặp gỡ và nghe câu chuyện của mọi người, tôi thấy mình biết… nhạy cảm hơn với cuộc sống, chúng tôi được làm những điều nhỏ bé nhưng ý nghĩa với đời. Còn trong công việc, tôi được gặp gỡ những anh chị, những đối tác cũng có chung "sở thích" làm cộng đồng, được kết nối, lan tỏa và chia sẻ những điều tích cực cùng nhau.
Với các cộng sự tại SCI, thực ra mỗi người một ngành nghề, nếu không vì SCI, chúng tôi có lẽ sẽ chẳng bao giờ gặp nhau. Tôi coi mỗi cuộc gặp đều là cái duyên, và SCI mang lại cho tôi quá nhiều cái duyên đáng trân trọng.
PV: Trong năm 2024 này, SCI sẽ tiếp tục có những hoạt động cụ thể gì để đồng hành cùng những bệnh nhân ung thư?
Chị Nguyễn Hiền Mi: SCI vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động hiện tại và có kế hoạch mở rộng các dự án mới để nâng cao nhân thức về ung thư dành cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Trong đó, chúng tôi đang tích cực thực hiện các khâu tiền kỳ cho một triển lãm cộng đồng tập trung vào nâng cao nhận thức về ung thư phụ khoa. Đây là căn bệnh rất phổ biến ở nữ giới và tỉ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khá cao. Hiện nay y học đã có nhiều biện pháp phòng tránh và điều trị sớm nhưng chưa nhiều người biết tới. Vì vậy chúng tôi hy vọng những dự án tuy nhỏ nhưng sẽ góp sức vào công cuộc phòng ngừa và chiến thắng bệnh tật của mọi người, đặc biệt là phụ nữ.