Đê biển Tây Nam kêu cứu!
Ngày 6-8, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cùng lãnh đạo các ban, ngành liên quan khảo sát tuyến đê biển Tây. Nhìn những đợt sóng như 'nuốt chửng' bờ kè, tràn qua mặt đê, vẻ mặt các thành viên trong đoàn công tác rất lo âu.
NGỒI CANH CON NƯỚC
Đoàn đến "điểm nóng" sạt lở đê biển Tây tại khu vực vàm Tiểu Dừa. Đoạn đê dài khoảng 700m ở xã Vân Khánh Tây (H.An Minh, Kiên Giang) giáp tỉnh Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng vào ngày 2-8-2020. Chứng kiến cảnh sạt lở kinh hoàng, người dân địa phương không giấu nỗi sợ hãi.
Ngay khi ảnh hưởng cơn bão số 2, những cơn sóng cao bất thường ập vào đê. Trong phút chốc, phần lớn mặt đê này bị sóng, gió cuốn trôi, nước biển tràn qua.
Các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang phối hợp với huyện An Minh huy động lực lượng ứng cứu đê, sử dụng cừ tràm đóng xuống, đắp đất gia cố thân đê, nhưng vẫn không trụ nổi trước sóng to, gió lớn đánh mạnh vào bờ. Toàn bộ đất gia cố thân đê tiếp tục bị cuốn trôi ra biển, cừ tràm dạt ra, xiêu vẹo.
Chính quyền địa phương cảnh báo: Nhiều ao, đầm nuôi thủy sản, nhà ở, cây trồng, vật nuôi... của người dân ở đây bị uy hiếp do đê vỡ, nước mặn tràn vào, triều cường dâng, sóng to, gió lớn có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Trước tình hình khẩn cấp, UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố tình trạng sạt lở đê biển nghiêm trọng cần khắc phục khẩn cấp ứng cứu đê, đảm bảo an toàn cho đời sống và sản xuất của người dân trong khu vực sạt lở. Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng cùng địa phương tuyên truyền, phổ biến tình trạng nguy hiểm tại khu vực sạt lở đê biển để chủ động phòng tránh, vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn.
Khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân. Các đơn vị chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện hỗ trợ nhân dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, trước mắt tỉnh thực hiện phương án sử dụng rọ đá để khắc phục sạt lở tại đoạn đê này, với tổng kinh phí ước tính gần 10 tỷ đồng. Dự kiến thi công xây dựng trong vài ngày tới, nhằm ngăn triều cường, sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và sản xuất của nhân dân trong khu vực sạt lở.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang cho biết: Bãi bồi ven biển không ổn định, thay đổi theo từng năm. Hiện tượng bồi, lở bờ biển theo mùa và theo điều kiện diễn biến của thời tiết, xói lở, sạt lở nhiều hơn là bồi tụ. Hiện nay, bờ biển tỉnh này từ Mũi Nai (TP.Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (H.An Minh) dài khoảng 200km, có hàng chục điểm trong tình trạng bị sạt lở, với tổng chiều dài các đoạn hơn 90km.
Ông Sáu Liệu (70 tuổi, ngụ khu vực vàm Tiểu Dừa) than thở: "Cứ đến mùa mưa là tui ngồi canh con nước. Không phải mình ên tui đâu, mà người dân vùng này nín thở mỗi khi nhận thông báo ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng bão. Nước tràn qua đê, ngập nhà cửa...".
Chứng kiến cảnh các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đang tập hợp vật tư, chuẩn bị khắc phục đoạn đê sạt lở, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng, mùa mưa bão năm nay thời tiết hết sức bất thường. Đê biển Tây thuộc địa phận Cà Mau dài khoảng 108km, chạy qua các huyện Trần Văn Thời, Phú Tân và U Minh.
Ngoài vị trí chiến lược trong quốc phòng, an ninh, tuyến đê trên còn có nhiệm vụ ngăn mặn để bảo vệ vùng ngọt hóa hơn 100 ngàn héc-ta đất sản xuất phía bắc của tỉnh Cà Mau và hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ.
Thế nhưng tình hình sạt lở đê biển Tây hết sức phức tạp. Chiều 3-8, sóng lớn kết hợp với mưa giông kèm giông lốc và triều cường dâng cao, làm nước biển tràn qua toàn tuyến đê tại cống Đá Bạc, gây sạt lở đặc biệt nguy hiểm cho tuyến đê biển Tây với chiều dài 2.165m, sạt lở nguy hiểm với chiều dài 5.447m.
Ông Tô Quốc Nam (Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau) cảnh báo, những đoạn sạt lở này có thể gây vỡ đê bất cứ lúc nào và ảnh hưởng đến hơn 26.000 hộ dân sinh sống ven biển, hơn 90.000 héc-ta đất trồng lúa.
Tại huyện U Minh, sạt lở đê biển Tây xảy ra tại 4 đoạn, với tổng chiều dài là 451m. Các đoạn bị sạt lở có vị trí cách kênh Giồng Cát lần lượt là: 400m, 1.800m, 2.600m, 3.340m về hướng kênh Tiểu Dừa. Mức độ sạt lở từ 40 - 316m. Nghiêm trọng hơn, đai rừng phòng hộ tại đoạn đê bị sạt lở số 1 và số 2 còn rất mỏng, chỉ từ 10 - 20m.
Tại đoạn đê bị sạt lở số 3 và số 4 thậm chí không còn đai rừng phòng hộ. Đoạn đê biển Tây từ Rạch Dinh đến Lung Ranh dài khoảng 1.700m đang rất thấp, có khả năng bị tràn nếu triều cường tiếp tục dâng cao.
"ĐIÊP KHÚC" THIẾU VỐN
Theo các cơ quan chức năng, để cứu đê biển Tây cần nguồn vốn tương đối lớn. Tuy nhiên, thời gian qua các địa phương nhận được vốn một cách "nhỏ giọt". Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, kinh phí khắc phục sạt lở, xói lở khoảng 2.165 tỷ đồng. Hiện đã có nguồn và dự kiến số vốn thực hiện tổng chiều dài hơn 25km là gần 550 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Long Hoai (Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau) cho biết, công tác xử lý khẩn cấp các đoạn sụp lún và có nguy cơ sụp lún từ khu vực Đá Bạc đến kênh Mới được triển khai kịp thời. Tùy khu vực mà lựa chọn giải pháp công trình phù hợp.
Cụ thể, xử lý hộ đê khẩn cấp bằng giải pháp thảm đá bọc PVC và xếp rọ đá phía biển, chiều dài 4.780m, với kinh phí 50 tỷ đồng. Xử lý sạt lở bảo vệ đai rừng phòng hộ đê biển Tây bằng giải pháp thả rọ đá, chiều dài 1.960m, kinh phí 8,5 tỷ đồng. Xử lý tạo phản áp khắc phục sạt lở, sụt lún đê bằng giải pháp bơm đất vào kênh mương đê, chiều dài 3.500m, kinh phí 15 tỷ đồng. Các hạng mục công trình này cơ bản đã hoàn thành trên 80% khối lượng. Các công trình còn lại đã tập kết đầy đủ vật tư, lực lượng nhân công tiếp tục thực hiện.
Do thường xuyên chịu tác động bất lợi từ thiên nhiên nên nhiều năm liên tục, tỉnh Cà Mau phải ban bố tình huống hộ đê khẩn cấp. Hiện tại, tuyến đê trên đang được triển khai rất nhiều công trình: bơm cát, bơm bùn; hộ đê khẩn cấp đoạn 356m không còn cây rừng khu vực cống kênh Mới; hộ đê khẩn cấp đoạn giữa cống Đá Bạc - kênh Mới với chiều dài 850m, trữ đất để đắp mái đê, tập kết đá hộc, gia công phên tràm...
Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cũng đang xử lý chống thấm bản đáy của cống kênh Mới cùng 6 gói thầu thi công kè biển bên ngoài đê biển Tây, tổng chiều dài khoảng 9.700m. Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau sẽ đề xuất UBND tỉnh Cà Mau xin chủ trương xử lý, khắc phục từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai đối với một số điểm sạt lở, sụp lún trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, cơ sở hạ tầng giao thông huyết mạch. Tiếp tục rà soát, báo cáo, đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí xử lý khắc phục các công trình sạt lở, sụp lún đất trên địa bàn tỉnh này.
Ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:
Năm nay, dự báo tình hình thời tiết có diễn biến hết sức bất thường. Sạt lở đê biển liên tiếp xảy ra, đê bao sẽ bị uy hiếp. Sau khi kiểm tra, tỉnh yêu cầu các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đê, kè, cũng như xử lý, khắc phục ngay các vị trí sạt lở. Đây là những công trình, phần việc mang tính khẩn cấp, cấp bách, bảo vệ đời sống và sản xuất cũng như hệ sinh thái rộng lớn phía trong đê.
Đối với những khu vực sạt lở nằm sát chân đê, nhưng đai rừng còn mỏng, thậm chí không còn đai rừng phòng hộ và phía bên ngoài chưa có triển khai các giải pháp công trình, tỉnh sẽ yêu cầu Sở NN&PTNT tổng hợp, đề xuất các phương án về vốn, để sắp tới có giải pháp bảo vệ khẩn cấp. Tuyệt đối không để sạt lở gây vỡ đê, góp phần bảo vệ kịp thời tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/de-bien-tay-nam-keu-cuu_97280.html