Để bộ đội nhận thức đúng ngay từ đầu

Bước vào môi trường quân ngũ, không ít chiến sĩ mới sẽ có nhiều điều thắc mắc, câu hỏi đặt ra về chế độ, nền nếp sinh hoạt, học tập, rèn luyện...

Vì thế, là người trực tiếp quản lý, huấn luyện bộ đội, chúng tôi có trách nhiệm tiếp nhận, giải đáp những thắc mắc đó. Để làm tốt nhiệm vụ này, chúng tôi phải nghiên cứu, nắm chắc điều lệnh quản lý bộ đội, các quy định của Quân đội và đơn vị... đồng thời phải phân tích, giảng giải để bộ đội hiểu rõ, có nhận thức đúng ngay từ những ngày đầu vào quân ngũ. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền, trung đội sẽ tổng hợp, báo cáo chỉ huy đại đội và trả lời chiến sĩ ngay sau khi có ý kiến giải đáp.

Đại đội 3, Tiểu đoàn Huấn luyện chiến sĩ mới (Sư đoàn 377) tổ chức sinh hoạt, phổ biến các quy định cho chiến sĩ mới. Ảnh: XUÂN SANG

Đại đội 3, Tiểu đoàn Huấn luyện chiến sĩ mới (Sư đoàn 377) tổ chức sinh hoạt, phổ biến các quy định cho chiến sĩ mới. Ảnh: XUÂN SANG

Với phương châm sâu sát, tỉ mỉ, tận tình, chúng tôi luôn nhắc nhở bản thân ngoài là người cán bộ quản lý, chỉ huy, phải thực sự trở thành người anh, người bạn, chỗ dựa tin cậy của chiến sĩ mới. Từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp chiến sĩ mới yên tâm học tập, rèn luyện, gắn bó với "ngôi nhà chung".

Trung úy TRẦN QUỐC TÍNH

(Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 4, Tiểu đoàn Huấn luyện chiến sĩ mới, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không-Không quân)

--------

Cán bộ phải luôn gương mẫu

Là cán bộ cấp đại đội trực tiếp quản lý, chỉ huy bộ đội, tôi thấy rằng công tác quản lý bộ đội nói chung, quản lý chiến sĩ mới nói riêng không hề đơn giản. Hơn nữa hiện nay, trình độ văn hóa và nhận thức của chiến sĩ mới ngày càng cao, nếu cán bộ không gương mẫu, chuẩn mực trong từng lời nói và hành động thì khó có thể xây dựng uy tín trong tập thể, do đó rất khó để giáo dục, động viên, thuyết phục bộ đội. Vì thế, tôi luôn phấn đấu rèn luyện cả về phẩm chất, đạo đức lẫn trình độ, thực hiện "miệng nói, tay làm, tai lắng nghe". Trong công việc và cuộc sống luôn sâu sát, gần gũi chiến sĩ, coi chiến sĩ như anh em ruột thịt. Có như vậy, chiến sĩ mới thực sự tin tưởng cán bộ, coi cán bộ là điểm tựa tinh thần vững chắc để yên tâm học tập, rèn luyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trung úy BÙI VĂN TUYÊN

(Chính trị viên Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1)

---------

"Chìa khóa" là sự gần gũi, chân thành

Chiến sĩ mới của đơn vị tôi năm nay tuổi đời còn khá trẻ, đa số mới rời ghế nhà trường, trong đó, nhiều đồng chí là con em đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi...

Cán bộ thuộc Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế trò chuyện với chiến sĩ mới. Ảnh: VÕ TIẾN

Cán bộ thuộc Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế trò chuyện với chiến sĩ mới. Ảnh: VÕ TIẾN

Để chiến sĩ mới-vốn là những thanh niên đang quen sống tự do, được cha mẹ, người thân quan tâm chăm lo mọi mặt-trở thành các quân nhân có đầy đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, ý chí, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao là vấn đề không đơn giản, nhất là với các đồng chí người dân tộc thiểu số. Vì thế, cùng với chuẩn bị chu đáo về mọi mặt nhằm giúp chiến sĩ mới nói chung và chiến sĩ người dân tộc thiểu số nói riêng sớm hòa nhập, thích nghi với môi trường Quân đội, đơn vị yêu cầu đội ngũ cán bộ phải thường xuyên gần gũi, quan tâm, động viên bộ đội. Chỉ khi người chỉ huy gần gũi, chân thành thì chiến sĩ mới mạnh dạn sẻ chia tâm tư, tình cảm...

Ngoài ra, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý, chỉ huy bộ đội còn chủ động tìm hiểu kỹ về phong tục, tập quán của từng địa phương, đồng bào các dân tộc thiểu số để hiểu rõ đặc điểm tâm lý, nắm bắt kịp thời tư tưởng của bộ đội, từ đó đưa ra phương pháp quản lý phù hợp, hiệu quả.

Thiếu tá NGUYỄN TUẤN TÀI

(Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/de-bo-doi-nhan-thuc-dung-ngay-tu-dau-718833