Để bớt đi những nỗi đau

Số liệu của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho thấy, 6 tháng đầu năm, tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu ở cả 3 tiêu chí: Số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. TNGT cũng giảm mạnh qua từng năm. Đặc biệt, những người lái xe đã dần hình thành thói quen, văn hóa khi tham gia giao thông an toàn. Đây là một thông tin vui và đáng chú ý, bởi nếu so sánh trong mối tương quan, khi mà số lượng phương tiện tăng nhanh, TNGT lại giảm mạnh thì đó là một thành công.

Hậu quả vô cùng lớn của TNGT khiến cả hệ thống chính trị phải hành động khẩn trương, với quyết tâm chính trị để kéo giảm tình trạng này. Từ năm 2019, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó nâng chế tài xử phạt, nhất là vi phạm quy định về nồng độ cồn... 100% địa phương đồng loạt ra quân xử lý vi phạm giao thông. Các phương tiện truyền thông rầm rộ tuyên truyền với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về ATGT. Từng năm, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ATGT tiếp tục được hoàn chỉnh, bổ sung và thực thi.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Trong quản trị xã hội, ít có chủ trương nào khi đưa ra và thực hiện lại nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội như chủ trương quyết liệt các biện pháp nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn TNGT. Vì sao dư luận lại đồng thuận rất cao với chủ trương này? Đó là bởi với mỗi người, mỗi ngày ra đường là nơm nớp nỗi lo cho mình, cho người thân. Chỉ khi nào cả gia đình trở về tới nhà, nỗi lo ấy mới vơi bớt. TNGT những năm qua thực sự là nỗi đau lớn, khôn nguôi với mỗi gia đình có người thân gặp nạn. Biết bao gia đình đã khánh kiệt về kinh tế. Ai oán nhất là những người thân của mình mãi mãi không bao giờ còn được trở về, còn được nhìn thấy họ bằng da bằng thịt.

“Trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, cùng với sự ủng hộ rất cao của nhân dân, chủ trương này còn có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã hội. Chính những quyết định rất có sức nặng của các cơ quan có thẩm quyền như: Coi đây là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị-xã hội; không cho phép bất cứ ai can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông; thông báo về cơ quan, đơn vị người vi phạm nồng độ cồn để xử lý trách nhiệm cán bộ... là một sự răn đe và cũng tác động lớn đến lòng tự trọng, sự nêu gương của mỗi công chức.

Sự chuyển biến trong chấp hành ATGT là không thể phủ nhận. Nếu vài năm trước, chuyện người điều khiển phương tiện “coi trời bằng vung”, sử dụng rượu, bia nhưng vẫn tham gia giao thông là bình thường, thì nay, điều này bắt đầu dần trở thành cá biệt. Những “anh hùng hảo hán” mặt đỏ phừng phừng đòi ăn thua với lực lượng chức năng đã dần vắng bóng. Người lái xe phần vì đã biết sợ bởi mức phạt rất cao, đánh thẳng vào đồng tiền bát gạo; phần vì họ đã biết lo cho chính mình và người thân để rồi tự hình thành thói quen tự giác. Dù vậy, tất cả vẫn chỉ mới được xem là kết quả bước đầu. Chỉ khi nào mỗi người dân và cả xã hội xây dựng được văn hóa giao thông an toàn, khi ấy sẽ bớt đi nhiều nỗi đau ai oán.

NGUYỄN HÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/de-bot-di-nhung-noi-dau-734689