Để buýt Hà Nội hút khách: Tăng xe, thêm điểm chờ, kết nối với metro
Theo các chuyên gia, nếu không có giải pháp kết nối đồng bộ xe buýt với các loại hình khác, mục tiêu hút hành khách rất khó thành công.
Các chuyên gia cho rằng, xe buýt Hà Nội muốn tăng sức hấp dẫn cần có sự đồng hành của các loại hình vận tải công cộng sức chứa lớn. Ảnh: Tạ Hải
Tăng phương tiện, thêm hàng nghìn điểm chờ
Khẳng định quyết tâm “kéo” người dân đi xe buýt, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, ngay quý I/2021, Hà Nội sẽ đưa vào hoạt động thêm 14 - 15 tuyến buýt (đang tổ chức đấu thầu), mở mới 30 tuyến.
Cũng trong năm 2021, mạng lưới xe buýt thành phố sẽ được đầu tư theo hướng chất lượng cao, sử dụng nhiên liệu sạch với khoảng 400 xe, trong đó có khoảng 150 xe buýt điện.
Xác định việc tiếp cận điểm dừng là một trong hai yếu tố tiên quyết thu hút hành khách đi xe (cùng với tính đúng giờ), giai đoạn tới, Trung tâm sẽ đề xuất thành phố nghiên cứu bổ sung khoảng 2.500 - 2.700 điểm dừng xe buýt.
Bố trí lại các điểm dừng tiếp cận gần với các khu dân cư để khoảng 80% người dân có thể tiếp cận xe buýt trong phạm vi đi bộ hợp lý với cự ly dưới 500m.
Các điểm dừng xe buýt sẽ được bố trí theo nguyên tắc tiếp cận gần các nhà ga đường sắt đô thị, các điểm trông giữ phương tiện cá nhân, bảo đảm cự ly trung chuyển giữa các loại hình dưới 200m (thời gian đi bộ trung chuyển dưới 5 phút).
Trung tâm cũng sẽ nghiên cứu và tham mưu thành phố phát triển thêm 15 điểm trung chuyển xe buýt, nâng tổng số điểm trung chuyển lên 21.
Trong đó 5 điểm trung chuyển kết nối trực tiếp xe buýt với các nhà ga lớn của đường sắt đô thị; 10 điểm trung chuyển phục vụ kết nối nội mạng tại các vị trí thuận lợi; tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng tại các điểm trung chuyển xe buýt để hành khách có thể tiếp cận các khu vực nằm trong các phố, ngõ nhỏ.
Dành làn đường riêng cho xe buýt
Xe buýt Hà Nội hiện chưa thu hút được nhiều khách đi
Theo GS. TS. Từ Sỹ Sùa, Cố vấn cao cấp Trường Đại học GTVT, hiện nay các tuyến đường sắt đô thị chưa xác định thời gian vận hành, hệ thống xe buýt nhanh chỉ có một tuyến. Vì vậy, giai đoạn năm 2021 - 2025, xe buýt vẫn là loại hình vận tải công cộng chủ lực tại Hà Nội.
Nếu Hà Nội không tìm được phương án tăng tốc tiến độ các dự án vận tải công cộng sức chứa lớn, xe buýt phải “đơn độc” như hiện nay, mục tiêu đặt ra sẽ rất khó đạt được.
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức (Đại học Việt Đức) cũng cho rằng, hiện mỗi ngày xe buýt Hà Nội chuyên chở hơn 1 triệu hành khách, đảm nhận khoảng 7 - 8% nhu cầu đi lại. Với tốc độ mỗi năm mở 30 - 40 tuyến mới như hiện nay thì 10 năm sau (năm 2030), số tuyến buýt được nhân lên gấp 2 - 3 lần, việc đảm nhận nhu cầu đi lại khi ấy cũng chỉ khoảng 15 - 16%.
“Để đạt được mục tiêu đảm nhận 25% nhu cầu đi lại của người dân, đến năm 2030, Hà Nội cần có 3 tuyến đường sắt đô thị với khả năng chuyên chở khoảng 300.000 hành khách/tuyến/ngày để đóng góp thêm khoảng 4 - 5% nhu cầu đi lại. Kèm theo đó là các biện pháp hạn chế xe máy đi ở các tuyến đường đã có metro và mạng lưới xe buýt phát triển”, ông Tuấn phân tích.
Cũng theo ông Tuấn, nghiên cứu cho thấy, trên một làn đường rộng 3,5m (một chiều), nếu đi bằng ô tô chỉ chở được 1.000 - 1.200 người/giờ/hướng thì với xe buýt, con số này lên đến 4.000 - 5.000 người/giờ/hướng.
Với kết quả đó, trước mắt, Hà Nội cần sớm hình thành làn đường ưu tiên cho xe buýt để phương tiện này rút ngắn thời gian di chuyển, đáp ứng được yêu cầu về sự đúng giờ của người dân.
Liên quan đến đề xuất làn đường riêng, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội cho biết, hiện tại, với việc lưu thông trên làn hỗn hợp, tốc độ của xe buýt thường chỉ đạt khoảng 14km/h, thấp hơn tốc độ bình quân của xe máy (khoảng 17km/h). “Trên cơ sở đó, cần mở làn đường riêng cho xe buýt, trước mắt là 14 tuyến đường đã được đưa vào nghiên cứu”, ông Thông nói.
Liên kết đồng bộ với đường sắt đô thị
Để phục vụ cho sự liên thông, liên kết giữa xe buýt với Đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động, Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo thành phố phương án kết nối trung chuyển bằng xe buýt với tuyến Đường sắt đô thị số 2A và đã được chấp thuận.
Theo đó, phương án đã lên 3 kịch bản: Với kịch bản thứ nhất (15 ngày đầu chạy miễn phí) sẽ tổ chức khai thác các tuyến buýt theo như phương án hiện hữu, để đảm bảo việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn. Kịch bản thứ hai, sau thời gian chạy miễn phí (Đường sắt đô thị số 2A hoạt động với 10 đoàn tàu), Hà Nội sẽ điều chỉnh có lộ trình 4 tuyến buýt (02,21,27,33) trùng lộ trình với tuyến Đường sắt đô thị 2A. Đồng thời, điều chỉnh thời gian hoạt động của tuyến buýt số 01 (BX Gia Lâm - BX Yên Nghĩa) từ 21h00 - 22h00 với tổng số lượt xe trong ngày từ 190 lượt lên 200 lượt xe/ngày (tăng 10 lượt).
Cũng theo ông Thái Hồ Phương, cùng với thay đổi cách thức hoạt động của một số tuyến buýt, Hà Nội đã lên phương án điều chỉnh các tuyến buýt tăng cường kết nối tại các ga đầu cuối của tuyến Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
“Kịch bản thứ ba là Hà Nội đưa ra những phương án xử lý khi đoàn tàu gặp sự cố sau thời gian đưa vào vận hành khai thác thương mại”, ông Phương nói và kỳ vọng với định hướng đưa ra, sự liên thông trong mạng lưới vận tải hành khách công cộng được nâng cao, người dân sẽ dần chuyển phương tiện cá nhân sang đi xe buýt.
Tích hợp vé điện tử dùng cho cả xe buýt, metro
Tại Kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn năm 2021 - 2030, UBND TP Hà Nội đề ra một số giải pháp trọng tâm như: Xây dựng bộ tiêu chí quy định về chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà ga, nhà chờ để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng; nghiên cứu tổ chức các tuyến buýt có sức chứa nhỏ để tăng khả năng tiếp cận; triển khai hệ thống vé điện tử trên toàn bộ các tuyến xe buýt, tích hợp với các tuyến đường sắt đô thị và các loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn…