Để cái tốt bừng lên và cái xấu phải co lại
'Hãy làm nhiều việc tốt hơn nữa để cái tốt bừng lên, để cái xấu phải co lại. Hãy làm nghìn việc tốt, cùng trừ việc xấu, cộng nhân thương, chia niềm thông cảm để những điều tốt đẹp mãi vang xa', đó là những chia sẻ của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn – một trong điển hình tiên tiến về học tập và làm theo Bác.
Thi đua để cái tốt bừng lên
Vào đội thanh niên du kích Đình Bảng từ năm 11 tuổi, cậu bé Nguyễn Đức Thìn (Từ Sơn - Bắc Ninh) đã say mê với lơi bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Thực hiện lời Bác Hồ dạy “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, từ năm 1963, ông đã cùng học trò đi trồng cây.
Sau đó, ông Thìn phát động ở địa phương phong trào “Làm nghìn việc tốt”. Phong trào tiếp tục lan tỏa ra thiếu nhi miền Bắc, rồi thiếu nhi miền Nam.
“Tôi học ở những tấm gương người tốt, việc tốt quanh mình, học từ những người được sách, báo nêu, kể cả tiểu thuyết dựng lên hình tượng. Tôi thi đua với chính tôi. Hôm nay làm việc này đã tốt, ngày mai tôi phải làm tốt hơn”, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn chia sẻ.
Với tinh thần, nhiệt huyết ấy nên dù không may mắc căn bệnh phong ở tuổi 30, ông vừa điều trị vừa học tập. Ông Thìn còn tổ chức lớp học tình thương để dạy cho các em học sinh và viết tập thơ: “Mong sống đẹp tôi là thi sĩ/Là anh hùng chiến thắng chính tôi”.
“Hãy làm nhiều việc tốt hơn nữa để cái tốt bừng lên, để cái xấu phải co lại. Hãy làm nghìn việc tốt, cùng trừ việc xấu, cộng nhân thương, chia niềm thông cảm để những điều tốt đẹp mãi vang xa”, Nhà giáo Nguyễn Đức Thìn chia sẻ.
Với những đóng góp, cống hiến đối với sự nghiệp giáo dục và phong trào thi đua ái quốc, ông đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985); danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 1988) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Làm giàu để lấy tiền giúp đỡ người nghèo
Xuất thân trong một gia đình nghèo, đi tứ xứ kiếm sống bằng nghề làm thuê làm mướn, nhưng Tám Đậu (ông Ngô Văn Đậu, ở xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) luôn có tấm lòng, nhân hậu, bao dung. Khi mới chỉ vừa đủ ăn đủ mặc, ông đã nghĩ đến chuyện giúp đỡ người nghèo, bà con lối xóm gặp cảnh ốm đau, hoạn nạn…
Năm 2009, khi kinh tế gia đình có chút dư giả, ông bàn bạc với 2 người anh của mình, góp tiền mua chiếc xe chuyển bệnh nhân miễn phí đầu tiên cho xã Phú Thành trị giá 540 triệu đồng.
Đến năm 2017, ông tiếp tục tích lũy mua thêm chiếc xe chuyển bệnh nhân trị giá 700 triệu đồng, để phục vụ bà con trong xã. Có những khi cả hai xe chuyển bệnh nhân đều bận, ông sẵn lòng dùng chiếc xe ô tô 7 chỗ của gia đình để giúp chuyển bệnh nhân miễn phí cho bà con.
“Tôi luôn tâm niệm ba điều mà mình phải thực hiện: Làm việc có tiền để giúp người nghèo, mua xe chuyển bệnh nhân miễn phí và làm nghĩa trang cho người nghèo khi nằm xuống có chỗ yên nghỉ. Lo làm công việc xã hội, dốc sức mình để làm không không nghĩ tới bản thân mình”, ông Tám Đậu chia sẻ
Năm 2011, ông Tám Đậu gom tiền mua 4ha đất ruộng trồng lúa để cho thuê, lấy tiền làm “quỹ từ thiện”. Đến năm 2017, ông mua thêm 5ha nữa để cho thuê, mỗi năm thu được khoảng 300 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đều được ông sử dụng vào công tác từ thiện xã hội. Mới đây, ông cũng đã hiến hơn 1.000 m2 đất và 500 triệu đồng để nâng cấp nghĩa trang của địa phương.
Với những đóng góp cho cộng đồng, ông Tám Đậu đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và là một trong tấm gương điển hình tham gia Chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019.