Để cán bộ, chiến sĩ Biên phòng yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
BĐBP giữ vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Do địa bàn công tác của cán bộ, chiến sĩ BĐBP gắn liền với khu vực biên giới, biển đảo, nên quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, hiện nay, chế độ, chính sách dành cho BĐBP còn nhiều bất cập, hạn chế.
Đề cập đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung các chế độ, chính sách nhằm bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS), cũng như xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh, phù hợp với yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Bà Lê Thị Mai Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế: Huyện A Lưới có 12 xã biên giới, với 89km đường biên giới, tiếp giáp với hai tỉnh Sê Kông và Salavan của nước bạn Lào. Trong thời gian qua, lực lượng BĐBP luôn gần dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an toàn, an ninh vùng biên giới, qua đó, đã xây dựng được thế trận lòng dân, thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc. Có nhiều dịp tiếp xúc, phối hợp công tác với CBCS BÐBP, chúng tôi hiểu rõ những khó khăn, vất vả và những cống hiến, hy sinh thầm lặng của họ. Do tính chất đặc thù, CBCS BĐBP thường xuyên công tác tại khu vực biên giới, việc thực hiện nhiệm vụ của BĐBP rất gian nan, luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.
Tuy nhiên, chế độ, chính sách đãi ngộ dành cho BĐBP trong thời gian qua vẫn còn hạn chế. Vì vậy, để lực lượng BĐBP yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cần bổ sung những chính sách như: Chế độ độc hại vì phải làm việc ở môi trường khắc nghiệt; nhà ở, đất ở để CBCS BĐBP có điều kiện đảm bảo đời sống cho bản thân và gia đình. Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo tốt điều kiện sinh hoạt cho các đồn, trạm và xây dựng đường tuần tra biên giới... để CBCS BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
Ông Lò Văn Khan, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Na Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên: BĐBP là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ biên giới, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tuần tra biên giới. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới, CBCS BĐBP còn chủ động, tích cực tham gia phát triển hệ thống giáo dục, y tế, thực hiện mô hình kết hợp quân dân y, tăng cường cán bộ BĐBP tham gia cấp ủy cấp xã, huyện biên giới giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo... Để CBCS BĐBP yên tâm công tác ở biên giới, vùng sâu, vùng xa, Đảng và Nhà nước cần có chế độ tiền lương phù hợp cho CBCS, đồng thời, tăng thêm chế độ, kinh phí cho CBCS BĐBP khi đi tuần tra, bảo vệ biên giới; tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ CBCS trong quá trình làm nhiệm vụ ở biên giới.
Mặt khác, hầu hết CBCS BĐBP đều công tác xa nhà, do đó, Đảng và Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho vợ, con các đồng chí, bố trí đất ở cho gia đình CBCS đóng quân ở khu vực biên giới; tạo điều kiện hỗ trợ làm nhà cửa, hỗ trợ phát triển kinh tế cho gia đình CBSC để CBCS yên tâm công tác.
Ông Tẩn Chin Lùng, Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu: Mồ Sì San là xã biên giới thuộc diện khó khăn của tỉnh Lai Châu, khí hậu quanh năm khắc nghiệt, địa hình rừng núi hiểm trở, đa phần là vách đá dựng đứng nên việc tuần tra, bảo vệ biên giới của BĐBP gặp rất nhiều khó khăn. Mồ Sì San có cột mốc 79, được mệnh danh là “nóc nhà biên giới phía Bắc”, BĐBP mỗi lần đi tuần tra phải mất cả tuần, ăn, ngủ, sinh hoạt tại các lán trại tạm bợ trong rừng, luôn đối diện với hiểm nguy. Do địa bàn công tác của BĐBP rất khó khăn nên theo tôi, Đảng và Nhà nước cần chú trọng đầu tư trang thiết bị cho BĐBP.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, tiến hành xây dựng những chốt kiên cố dọc đường tuần tra biên giới để trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, CBCS BĐBP có thể dừng chân ngủ, nghỉ, sinh hoạt, đảm bảo an toàn, không phải ngủ trong lều tạm bợ. Tôi mong rằng, Đảng, Nhà nước cần quan tâm và có nhiều chính sách phù hợp cho BĐBP, đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc.
Ông Hoàng Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn: Là xã biên giới có đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn, qua tiếp xúc, làm việc, chúng tôi thấy còn nhiều CBCS BĐBP có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà ở, phải đi thuê nhà, đời sống gia đình còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, Đảng, Nhà nước,?Quân đội cần quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách cho CBCS BĐBP.
Bên cạnh đó, cần quan tâm tới chính sách đất ở, phụ cấp đặc thù cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng để đảm bảo đời sống, giúp cho CBCS yên tâm công tác, cống hiến. Vấn đề cấp thiết hiện nay là cơ sở hạ tầng ở các địa bàn biên giới nói chung và các đồn Biên phòng nói riêng cần được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn để lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả tốt nhất.
Ông Lò Văn Nghiệp, ở bản Chiềng Khương, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La:
Tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều với CBCS BĐBP. Tôi thấy, ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới, BĐBP còn tham gia nhiều nhiệm vụ khác như tham gia dạy xóa mù chữ, khám chữa bệnh cho dân, lao động giúp dân, giúp đỡ bà con từ việc nhỏ đến việc lớn... Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, BĐBP thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện rất vất vả, thiếu thốn, phải ngủ ở lán trại, ở đường mòn, trong khi đó, không có điện, không có nước sinh hoạt. CBCS BĐBP phải xách từng can nước để về nấu ăn.
Do vậy, Đảng và Nhà nước cần bổ sung các chính sách đặc thù như ưu tiên cấp đất, nhà ở xã hội, bố trí công tác thuận lợi cho vợ những người lính đang làm nhiệm vụ ở biên giới để bảo đảm đời sống cho CBCS và gia đình. Có như vậy, CBCS BĐBP mới yên tâm công tác, gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Thanh Thuận - Kim Nhượng (thực hiện)