Đề cao cảnh giác trong tháng... 'củ mật'!

Trước, trong và sau Tết Nguyên đán (tháng củ mật) luôn là thời điểm các loại tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản gia tăng hoạt động. Để đảm bảo an toàn, ngoài các biện pháp tăng cường đảm bảo an ninh trật tự của lực lượng công an, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác chủ động phòng chống các loại tội phạm này.

Trong quá trình tuần tra, lực lượng Công an sẽ nhắc nhở người dân bảo quản tài sản, tránh sơ hở tạo cơ hội cho các đối tượng xấu gây án

Trong quá trình tuần tra, lực lượng Công an sẽ nhắc nhở người dân bảo quản tài sản, tránh sơ hở tạo cơ hội cho các đối tượng xấu gây án

Nhằm giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, lực lượng công an thành phố Hà Nội đã chỉ ra phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm. Cụ thể, đối với phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp giật tài sản, các đối tượng thường sử dụng xe mô tô phân khối lớn đi từ hai đối tượng trở lên, đi lại nhiều lần trên các tuyến đường vào những khoảng thời gian vắng người (đầu giờ sáng, buổi trưa, cuối buổi chiều); khi thấy người tham gia giao thông (phụ nữ, người già) mang theo tài sản gọn nhẹ, có giá trị, dễ tiêu thụ như: Điện thoại di động, nữ trang, túi xách,… các đối tượng sẽ đeo bám, đến địa điểm vắng người rồi áp sát, đối tượng ngồi sau giật lấy tài sản và nhanh chóng tẩu thoát; nếu bị phát hiện thì có xe của đối tượng trong nhóm chạy phía sau cản trở, gây khó khăn cho người truy đuổi.

Đối với phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp tài sản tại các trụ sở cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, trường học thường có từ một đến hai đối tượng lợi dụng đêm tối, khi cơ quan vắng người, bảo vệ lơ là mất cảnh giác, chỉ tập trung ở khu vực cổng, các đối tượng dùng kìm cộng lực, máy khò cắt khóa cửa, két sắt, hàng rào, bãi giữ xe của cơ quan doanh nghiệp, trường học,… để đột nhập trộm cắp tài sản.

Còn đối với phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp nhà dân, trộm cắp xe máy thì các đối tượng lợi dụng lúc đêm tối, giờ nghỉ trưa, lợi dụng sự chủ quan, thiếu cảnh giác trong bảo vệ tài sản của người dân như không đóng cửa ban công, cửa tum hoặc khóa cửa không chắc chắn, để xe máy không khóa cổ, khóa càng, không có người trông coi tạo sơ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn với tội phạm cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, lực lượng công an khuyến cáo: Mọi người dân cần chủ động kiểm tra, khóa các cửa ra vào, cửa tum cẩn thận trước khi đi ngủ; cảnh giác đối với người lạ khi cho vào nhà; xác minh rõ nhân thân, lai lịch người giúp việc; khi vắng nhà nhiều ngày phải nhờ người trông coi; không nên đi một mình trên các tuyến đường vắng, nơi ngõ tối và đêm khuya, nếu có việc cần thiết ra ngoài thì phải có người đi cùng; không sử dụng điện thoại di động khi đang đi xe máy.

Phụ nữ, người già đi bộ, tập thể dục trên đường phố hoặc ở nơi công cộng, đông người không nên đeo đồ trang sức; các đôi nam, nữ không nên hẹn hò, tâm sự tại những nơi vắng vẻ, ít người qua lại và không nên mang theo tài sản có giá trị lớn; để xe máy đúng nơi quy định, có khóa cổ, khóa càng, có người trong coi.

Riêng đối với người hành nghề lái xe ôm, taxi phải cảnh giác tự bảo vệ mình, không chở khách quá số người quy định, vào thời gian quá khuya hoặc điểm đến là những nơi vắng người. Hỏi rõ địa điểm đến để xác định hành khách có nhu cầu đi lại hay không; nếu phải chở khách đi xa, phải thông báo cho người quản lý hoặc gia đình biết (nên để hành khách nghe được cuộc trao đổi đó).

Đối với các hộ kinh doanh lớn, các tiệm vàng nên lắp máy quay camera ghi hình, hệ thống báo động, két sắt, kính 3 lớp chống trộm; đề ra nội quy khi vào cửa hàng (không được đội mũ bảo hiểm, không bịt mặt, đeo khẩu trang); hạn chế kinh doanh giao dịch vào thời điểm trưa hoặc sau 18 giờ. Còn đối với các cơ quan doanh nghiệp, trường học phải có biện pháp quản lý chặt chẽ cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, khách ra vào cơ quan giao dịch công tác. Cán bộ công nhân viên, giáo viên các cơ quan đơn vị hết giờ làm việc phải kiểm tra khóa toàn bộ cửa phòng, kho, phân xưởng cẩn thận trước khi về.

Kịp thời thay, sửa khóa cửa, tủ, két khi bị hư hỏng; lắp đặt hệ thống camera trong và ngoài cơ quan đảm bảo quan sát toàn bộ lối đi, trong thang máy, cầu thang bộ, khu vực để xe và xung quanh cơ quan, doanh nghiệp; bố trí đủ lực lượng bảo vệ, trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ để phục vụ công tác đảm bảo an toàn cho đơn vị.

Trong trường hợp không may bị các đối tượng khống chế để cướp tài sản, phải giữ bình tĩnh, xử lý linh hoạt tránh thương vong cho bản thân, đồng thời chú ý quan sát về đặc điểm nhận dạng của đối tượng như: Vóc dáng, giọng nói, đặc điểm dễ nhận biết, phương tiện sử dụng,…; điều kiện thuận lợi có thể hô hoán quần chúng nhân dân xung quanh giúp sức truy bắt đối tượng; giữ nguyên hiện trường và báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời giải quyết.

Cũng theo lực lượng công an, hiện nay, có nhiều đối tượng sử dụng các “chiêu, trò” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân qua mạng xã hội hoặc điện thoại. Theo sự phản ánh của rất nhiều quần chúng nhân dân và công tác nắm tình hình tại địa bàn khu dân cư những “chiêu, trò” thông báo trúng thưởng; nhận quà tặng từ nước ngoài; nộp tiền để xóa tên liên quan đến vụ án buôn bán ma túy; hoạt động từ thiện, nhân đạo,… tuy không mới, nhưng nhiều người vẫn “sập bẫy”,...

Hiện nay, tình trạng tội phạm này tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều đối tượng am hiểu về công nghệ thông tin còn xâm nhập vào các máy chủ, chiếm đoạt tài khoản email, admin của doanh nghiệp. Sau đó, theo dõi các hợp đồng giao dịch kinh doanh rồi lựa chọn thời điểm phù hợp để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Một số đối tượng còn mạo danh chủ tài khoản để liên lạc với bạn bè, người thân vay mượn tiền hoặc yêu cầu gửi mã thẻ nạp điện thoại.

Tình trạng làm giả thẻ thanh toán dịch vụ tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng chủ yếu sinh sống ở nước ngoài mang theo thẻ giả, thiết bị chuyên dụng làm thẻ tín dụng giả nhập cảnh vào Việt Nam và móc nối với các đối tượng trong nước, nhằm thực hiện các giao dịch khống qua POS để chiếm đoạt trái phép hàng chục tỷ đồng. Tinh vi hơn, nhiều đối tượng còn sử dụng bàn phím giả lắp đè lên bàn phím thật của máy ATM để ghi lại mã PIN,…

Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng có dấu hiệu trẻ hóa, hầu hết là những thanh niên nghỉ học sớm, lười lao động, muốn hưởng thụ,... thường tụ tập tại các quán internet hoặc lập nhóm kín để hướng dẫn nhau cách lừa đảo qua mạng. Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động cho thuê máy chủ của các doanh nghiệp còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ,… Đây là những kẽ hở làm nảy sinh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.

Theo lực lượng công an, cần tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại các trường học, khu dân cư để mọi người dân hiểu được những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao, hướng dẫn người dân biết cách cảnh giác tự phòng ngừa.

Công an thành phố Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và nhân dân khi phát hiện tội phạm báo ngay cho lực lượng công an nơi gần nhất để bắt giữ, xử lý, góp phần giữ vững bình yên và hạnh phúc cho mọi người mọi nhà.

H. Phong

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-cao-canh-giac-trong-thang-cu-mat-100816.html