Đề cao tinh thần nêu gương
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm, coi trọng việc nêu gương. Cả cuộc đời của Người luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực, tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm.
(baophutho.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm, coi trọng việc nêu gương. Cả cuộc đời của Người luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực, tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nêu gương có vai trò to lớn và là một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, bởi như Người nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”...
Làm theo Bác là thực hiện đồng thời việc nêu gương của những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên. Người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân nhìn vào, noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy được hết sức trí tuệ tập thể. Trước hết, để cán bộ, đảng viên nêu gương hiệu quả trong mọi mặt công tác, các cấp ủy cơ quan, đơn vị cần chuẩn hóa, lượng hóa các quy định phương pháp, tác phong của cán bộ, đảng viên trong công tác, tiếp xúc, làm việc với cá nhân, tổ chức... Bên cạnh việc công khai các nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên còn cần phải công khai về định mức, thời gian, kinh phí thực hiện để nhân dân giám sát chặt chẽ. Đồng thời, tổ chức tốt hơn nữa việc phê bình và tự phê bình trong cấp ủy, chi bộ theo định kỳ và đột xuất. Lâu nay, việc này qua theo dõi, mạn đàm nhận thấy còn có nơi, có lúc chưa hiệu quả vì không lượng hóa, không bám sát vào công việc cụ thể mà cán bộ, đảng viên được giao phụ trách, dẫn đến đánh giá chung chung, “dĩ hòa vi quý”, sợ mất lòng. Hậu quả là, tình trạng tổ chức phê bình kiểm điểm vẫn còn hình thức, nửa vời, cứ tái đi diễn lại nhưng hiệu quả công tác của cá nhân và tập thể thì bình bình, thậm chí có lúc “giậm chân tại chỗ”. Để khuyến khích tinh thần nêu gương, sáng tạo trong cán bộ, đảng viên, cần nhất phải kịp thời phát hiện, biểu dương những cá nhân, tập thể có việc làm tốt, có lợi cho dân, cho Đảng. Đặc biệt, việc nêu gương chỉ trở thành nếp sống, phong cách khi mỗi cán bộ, đảng viên tự mình phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, vượt lên sự cám dỗ của lợi ích vật chất bằng tinh thần cống hiến, hy sinh, hết mình vì việc chung.Nêu gương, gương mẫu là cách để mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tiến bộ, tránh rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; là cách thiết thực góp phần xây dựng Đảng ta luôn thực sự “là đạo đức, là văn minh” như lời Bác Hồ đã dạy. Với đội ngũ cán bộ, đảng viên thì học tập càng nhiều tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được tôi luyện bản thân để trưởng thành. Đảng ta sẽ ngày càng tăng cường sức mạnh, sức chiến đấu và sự trong sáng, xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân. Nêu gương chính là việc làm theo Bác trong từng lời nói, hành động và việc làm nhỏ nhất. Đó mới thực sự là điều mà quần chúng nhân dân mong muốn, nhìn vào và đánh giá mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay.