Đề cao tinh thần trách nhiệm

'Trách nhiệm' là một thành tố được thành phố Hà Nội xác định trong chủ đề công tác năm 2021: 'Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển', nhằm thực hiện thắng lợi 'mục tiêu kép', vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp ngay từ năm đầu.

Tinh thần trách nhiệm là một phần trong ý thức trách nhiệm và dựa trên sự nhận thức đúng đắn về lý tưởng, niềm tin, bản lĩnh chính trị; năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức, chức trách, nhiệm vụ; phương pháp, tác phong công tác. Tinh thần trách nhiệm là kết quả từ quá trình học tập, nhận thức và rèn luyện trong thực tiễn công tác của mỗi cá nhân, được thể hiện qua chất lượng lãnh đạo, quản lý và phục vụ nhân dân.

Sinh thời, trong bài viết “Tinh thần trách nhiệm” đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 13-12-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm tới nơi, tới chốn, vượt qua mọi khó khăn làm cho thành công”. Người cũng chỉ rõ những biểu hiện của thiếu tinh thần trách nhiệm: “Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy... là không có tinh thần trách nhiệm”.

Có thể nói, thiếu trách nhiệm sẽ “giết chết” tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, gây mất niềm tin trong nhân dân. Thiếu trách nhiệm khiến tổ chức Đảng mất sức chiến đấu, pháp luật, kỷ cương bị bẻ cong, gây ra tình trạng bất bình đẳng và mất đoàn kết nội bộ. Thiếu trách nhiệm cũng còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở mỗi cá nhân, tập thể như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra.

Năm 2020, Hà Nội là địa phương thuộc tốp đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế và phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Nhân dân ghi nhận cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố đã đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, cải cách hành chính, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển… Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu năm 2021, Hà Nội đã không để dịch lan rộng ra cộng đồng, nhưng cũng không “ngăn sông, cấm chợ”, thể hiện rõ trách nhiệm “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Nhiều cán bộ, đảng viên ở tổ dân phố đã không kể thời gian, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, điều tra dịch tễ, đưa các đối tượng thuộc diện lây nhiễm đi cách ly. Kết quả ấy cho thấy tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô đã cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, khi nhìn vào những công việc cụ thể, nhận thấy ở đâu đó vẫn còn những cá nhân, tập thể chưa phát huy tốt tinh thần trách nhiệm. Xin đưa ra một vài sự việc để chứng minh: Năm 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ sau 2 tháng về nhận công tác tại Thủ đô đã trực tiếp nhận 606 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, cho thấy vai trò, trách nhiệm chưa tròn của tổ chức Đảng, chính quyền liên quan đến những đơn thư nói trên. Hoặc như qua kiểm tra công vụ năm 2020, Sở Nội vụ phát hiện cán bộ UBND xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) làm việc riêng trong giờ hành chính; Chủ tịch UBND phường Nam Đồng (quận Đống Đa) chưa kịp thời thực hiện các biện pháp cách ly, phòng, chống dịch Covid-19...

Để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị của Hà Nội phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, không còn tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, trước hết, cần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục tuyên truyền; làm tốt hơn nữa việc kiểm tra, giám sát theo vị trí việc làm; coi trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm những người thiếu trách nhiệm, gây hậu quả trong thực thi công vụ.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc mở rộng dân chủ để phát huy vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Trong đó, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, như quản lý đất đai, tài chính, ngân sách; giải quyết thủ tục hành chính…

Tiếp đó là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ quan, đơn vị, địa phương với những biện pháp tổng thể, trong đó đề cao sự dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, tự phê bình và phê bình là cách thiết thực ngăn chặn những việc làm thiếu tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Kịp thời khen thưởng, động viên những cán bộ, đảng viên có thành tích đột xuất trong xử lý việc khó, việc mới.

Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong xây dựng tổ chức, trong thực thi công vụ là rất quan trọng bởi chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố có hiệu quả hay không phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Còn nhớ ngay từ mùng 5 Tết Nguyên đán Tân Sửu, trước sự lo ngại về việc một người Nhật Bản tử vong liệu có phải mắc Covid-19 tại Hà Nội hay không, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ - người đứng đầu Đảng bộ Thủ đô, đã trực tiếp có mặt tại nơi xảy ra sự việc để chỉ đạo khẩn cấp truy vết, và “đề nghị các đồng chí phải chạy đua với thời gian để trả lời câu hỏi này”. Sự xông pha, đi đầu với tinh thần trách nhiệm rất cao, “làm tới nơi, tới chốn” như lời dạy của Bác Hồ đã tạo nên chuyển động mạnh mẽ cho cả hệ thống chính trị của Hà Nội trong thực hiện nhiệm vụ.

Thế nên, việc đề cao tinh thần trách nhiệm trong chủ đề công tác năm 2021 của thành phố Hà Nội là đúng đắn, kịp thời. Đây sẽ là động lực để Hà Nội vượt qua khó khăn, gặt hái nhiều thành công trong năm 2021, tạo đà phát triển mạnh mẽ cho những năm tiếp theo.

Đức Tâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/992913/de-cao-tinh-than-trach-nhiem