Đề cao trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên
Vấn đề nêu gương, gương mẫu của cán bộ, đảng viên luôn được Đảng quan tâm; là một trong những biện pháp quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Đảng luôn khơi dậy mạnh mẽ ý thức, trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, thời gian qua, ở một số cơ quan, địa phương vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền...
Đề cao trách nhiệm nêu gương
Tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên không tự nhiên mà có, mà phải thông qua quá trình tự phấn đấu, tự tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng về trách nhiệm nêu gương, như: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên...”.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định về nêu gương có tác động tích cực đến việc nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung và của cấp ủy, người đứng đầu các cấp nói riêng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại, công tác thi đua khen thưởng hằng năm; công tác chỉ đạo, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vi phạm kỷ luật, kỷ cương thời gian qua đã làm thay đổi thái độ và ý thức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Qua đó, cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên các cấp nhận thức sâu sắc và có chuyển biến tích cực trong việc nêu gương. Quan tâm xây dựng kế hoạch, tự rèn luyện, phấn đấu, gương mẫu trong cuộc sống, học tập, công tác, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh chính trị; khắc phục, chấn chỉnh tình trạng tham nhũng vặt trong cán bộ, đảng viên.
Với chủ đề năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”; Ban Thường vụ Đảng ủy Khối chỉ đạo các tổ chức đảng phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc đăng ký nêu gương của cán bộ, đảng viên, đồng thời triển khai sâu rộng thực hiện mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ bốn tốt”... Qua đó, nhằm nâng cao chức trách, nhiệm vụ được giao của từng cán bộ, đảng viên.
Tăng cường tính tự giác, ý thức trách nhiệm cho cán bộ
Một trong những nhiệm vụ của đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng là không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là một tiêu chí cơ bản, đầu tiên để đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm của các chi bộ, đảng bộ. Để hoàn thành tốt mọi công việc, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần và ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn một cách hiệu quả và chất lượng nhất.
Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận cán bộ có tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám quyết định những nội dung công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của mình đã ảnh hưởng, cản trở sự phát triển chung của tỉnh.
Một số cấp ủy, lãnh đạo, người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ, chưa quyết tâm và có biện pháp đủ mạnh để chấn chỉnh, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức ở một số cơ quan, đơn vị chưa được coi trọng đúng mức, thiếu biện pháp thúc đẩy, tạo động lực cho cán bộ, công chức làm việc, cống hiến.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp tổ chức thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính ở một số ngành, địa phương còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Còn xảy ra chậm trễ, đùn đẩy trong thực hiện chủ trương kết luận chỉ đạo của cấp trên và nhiệm vụ được giao ảnh hưởng nhất định đến công việc, quản lý, điều hành.
Người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo chấn chỉnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa đề cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong thực thi công vụ; chất lượng tham mưu, hiệu quả triển khai thực hiện nhiệm vụ và trình độ, năng lực có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra...
Để xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì trước hết cần nâng cao tính tự giác, ý thức trách nhiệm, gương mẫu, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện trong công tác và cuộc sống cho cán bộ.
Đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu cần hình thành tác phong làm việc sâu sát cơ sở, gần gũi, lắng nghe, tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong mọi lĩnh vực công tác, trước tiên là thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là yêu cầu cần thiết.
Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 -2025 và nhiều sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh...
Bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, thì những khó khăn, thách thức cũng rất lớn đòi hỏi các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tiếp tục nỗ lực và hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, quyết tâm chính trị đã đề ra.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phat-huy-su-nang-dong-cua-can-bo-dang-vien-185046.htm