Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
Đảng ta luôn đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, những năm gần đây, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên được Đảng đặt ra với những quy định rất cụ thể, mạnh mẽ và quyết liệt.
* Từ những quy định của Đảng
Năm 2011, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, trong đó quy định rất chi tiết, cụ thể 19 điều cấm đảng viên không được làm. Ngay sau đó, ngày 7-6-2012 Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục ban hành Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, trong đó quy định rất rõ, rất cụ thể 7 nội dung cần nêu gương. Tiếp đến là Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016, Bộ Chính trị đã nghiêm cấm một số việc và yêu cầu cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm một số việc, nhằm tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, giữ gìn hình ảnh, uy tín của Đảng.
Không lâu sau đó là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết lần này đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Và gần đây nhất là Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương ban hành một quy định, trong đó đề cập cụ thể trách nhiệm nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng. Điều này thể hiện ý chí, quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
* Kết quả thực hiện tại Đồng Nai
Qua thời gian thực hiện những chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã giúp cho công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực: ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ; góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của đảng bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng bộ.
Các cấp ủy Đảng cần hết sức coi trọng giáo dục tinh thần nêu gương trong đội ngũ đảng viên của tổ chức mình. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những biểu hiện của sự suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên để ngăn chặn kịp thời từ lúc mới manh nha.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Cụ thể như công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan tỏa lớn. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít. Có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trước tình hình trên, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ đòi hòi phải thực hiện thực chất hơn, phải trở thành việc làm thường xuyên, là nét văn hóa của cán bộ, đảng viên, đồng thời là trách nhiệm, bổn phận của cán bộ, đảng viên nhất là những người đứng đầu địa phương, đơn vị. Vì vậy, ngày 5-7-2019, Ban TVTU đã ban hành Quy định số 30-QĐi/TU về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Ban TVTU, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Để nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, có hiệu quả, Quy định 30-QĐi/TU đã nêu 7 điểm cụ thể mà cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện, thể hiện trách nhiệm của mình đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với cơ quan, đơn vị và với chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời quy định rõ 8 điểm mà các đồng chí Ủy viên Ban TVTU, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phải gương mẫu thực hiện và 8 điểm phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống những biểu hiện đó ở ngoài xã hội.
Có thể thấy, Quy định 30 lần này quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt rất rõ ràng, cụ thể, sát với thực tiễn địa phương. Đặc biệt, quy định có một số điểm rất mới so với các nghị quyết, quy định trước đây. Đó là việc yêu cầu những cán bộ lãnh đạo chủ chốt khi: thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công, đổ lỗi. Sẵn sàng nhận khuyết điểm và trách nhiệm khi có khuyết điểm hoặc cơ quan, đơn vị, lĩnh vực do mình phụ trách có khuyết điểm, phải chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ. Quy định này mở ra cơ chế làm sâu sắc thêm việc thực hiện dân chủ trong Đảng. Qua đó, mở đường cho cấp ủy có giải pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm những cán bộ lãnh đạo không đủ uy tín, năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn chưa hết nhiệm kỳ bổ nhiệm, bầu cử.
Quy định số 30-QĐi/TU, ngày 05/7/2019 của Ban TVTU là một bước tiến mang tính đột phá về siết chặt kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên nói chung và đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nói riêng. Quy định ra đời thực sự trở thành công cụ hữu hiệu trong việc khắc phục triệt để tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, nêu gương không chỉ là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo chủ chốt mà còn là bổn phận, trách nhiệm mà mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc và nỗ lực thực hiện.
Quy định 30-QĐi/TU nhấn mạnh đến trách nhiệm nêu gương đối với mọi cán bộ, đảng viên buộc phải thực hiện, chứ không dừng lại ở việc kêu gọi tinh thần tự giác, được chăng hay chớ. Hiệu quả của việc thực hiện Quy định 30 sẽ vô cùng to lớn, bởi nó có sức lan tỏa sâu rộng, có khả năng hiệu triệu quần chúng nhân dân bằng sức mạnh của niềm tin vào Đảng và cán bộ, đảng viên.