Với bản Hiến pháp hòa bình, Nhật Bản đã xây dựng lực lượng vũ trang với phương châm "tự vệ", nhưng cũng có đầy đủ các quân chủng lục quân, không quân và hải quân và đủ hết các binh chủng chiến đấu, cũng như binh chủng bảo đảm.
Để phát triển mạnh mẽ lực lượng được gọi là "tự vệ", chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản luôn ở mức cao, đạt 5,1 nghìn tỷ Yên (tương đương 46 tỷ USD) vào năm 2017, đứng thứ 5 trên thế giới về chi tiêu quân sự.
Theo quy định của Hiến pháp Nhật Bản, số lượng người phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là hạn chế, vì vậy Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản luôn khẳng định “chất lượng hơn số lượng” và “ưu tiên trên biển và trên không”. Ảnh: Máy bay chiến đấu hạng nặng F-15J của Không quân Nhật Bản - Nguồn: Wikipedia.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có tổng số khoảng 250.000 người, bao gồm 158.000 trên bộ, 45.000 trên biển và 47.000 trên không. Tổng quân số đứng thứ 21 trên thế giới.
Mặc dù quân số ít, nhưng Nhật Bản rất coi trọng việc đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan và những lực lượng nòng cốt khác; tỷ lệ hạ sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội rất cao.
Mặt khác Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được tổ chức rất chặt chẽ, lực lượng dự bị động viên được bố trí rộng khắp, có chất lượng tốt và thường xuyên được luyện tập; trong những trường hợp đặc biệt, có thể nhanh chóng bổ sung cho lực lượng thường trực hoặc huy động khẩn cấp.
Về trang thiết bị vũ khí, Nhật Bản ở trình độ tiên tiến trên thế giới. Lực lượng Phòng vệ Mặt đất có 400 xe tăng Type 90 và Type 10, đây là những loại xe tăng do Nhật Bản tự nghiên cứu, phát triển và hàng nghìn xe bọc thép và pháo tự hành. Ảnh: Xe tăng Type-10 của Nhật Bản - Nguồn: Wikipedia.
Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản có hơn 150 tàu chiến, tổng trọng tải 451.000 tấn, hơn 340 máy bay, có khả năng hoạt động hộ tống cũng như chống tàu ngầm mạnh mẽ và có khả năng hoạt động biển xanh, xa căn cứ.
Khả năng chống ngầm và rà phá bom mìn của Nhật Bản được xếp vào hàng đầu trên thế giới. Với hơn một trăm máy bay tuần tra chống ngầm hiệu suất cao P-3C và Kawasaki P-1, đã tạo thành mạng lưới chống ngầm dày đặc nhất Đông Á, thực sự là cơn ác mộng với lực lượng tàu ngầm Trung Quốc, Triều Tiên và cả Nga. Ảnh: Máy bay tuần tra hàng hải Kawasaki P-1 do Nhật Bản tự chế tạo - Nguồn: Wikipedia.
Theo những hạn chế của Hiến pháp, Nhật Bản không thể sở hữu các tàu tấn công như tàu sân bay, nhưng Nhật Bản đã đóng hai tàu hộ tống đa chức năng cỡ lớn lớp Izumo và tàu khu trục cỡ lớn lớp Hyuga. Ảnh: Tàu JS Izumo (DDH-183) - Nguồn: Wikipedia.
Về không quân, Nhật Bản là lực lượng đứng đầu khu vực đông bắc Á; ngoài số máy bay chiến đấu F-15J và F-2 (phiên bản F-16 do Nhật Bản chế tạo); Nhật Bản còn các loại máy bay cảnh báo sớm trên không E-2 Hawkeye E2, E-3 Sentry. Ảnh: Máy bay chiến đấu F-15J của Nhật Bản - Nguồn: Wikipedia.
Để đối phó với các mối đe dọa mới trong khu vực, nhất là sau khi Trung Quốc đưa vào biên chế máy bay chiến đấu tàng hình J-20, gần đây Nhật Bản đã ký hợp đồng mua 147 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ Mỹ, trong đó 45 chiếc F-35B có thể trực tiếp cất và hạ cánh thẳng đứng trên các tàu đổ bộ lớp Izumo, biến chúng thành tàu sân bay hạng nhẹ. Ảnh: Nhật Bản nhận máy bay F-35. Nguồn: Wikipedia.
Để đối phó với các tàu khu trục lớp Type 055 của Trung Quốc, Nhật Bản đã hạ thủy tàu khu trục lớp Maya, được mệnh danh là "khu trục hạm phòng không mạnh nhất châu Á", sức mạnh tổng thể vượt xa tàu khu trục Type 055 có lương giãn nước trên 10.000 tấn của Trung Quốc. Ảnh: Khu trục hạm JS Maya (DDG-179). Nguồn: Jane's Defense Weekly.
Ưu điểm lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là các tàu chiến và tàu ngầm của họ được nâng cấp rất nhanh, thông thường các tàu chiến hiện đại sẽ ở trong biên chế chiến đấu khoảng 20-30 năm, thậm chí là 40 năm; tuy nhiên, thời gian phục vụ trung bình của tàu chiến hải quân Nhật Bản, đều không vượt quá 15 năm. Ảnh: Tàu khu trục JDS Chokai (DDG-176) - Nguồn: Jane's Defense Weekly.
Nhật Bản thực hiện chính sách thay thế các tàu cũ bằng tàu mới để phục vụ, các tàu chiến cũ không thanh lý mà đưa vào niêm phong; một khi chiến tranh nổ ra, các tàu niêm phong này, có thể nhành chóng đưa vào sử dụng với số lượng lớn. Ảnh: Tàu khu trục JDS Kongō (DDG-173) của Nhật Bản - Nguồn: Wikipedia.
Mặc dù tiềm lực quân sự của quốc gia Mặt trời mọc rất mạnh mẽ, nhưng việc nghiên cứu và phát triển độc lập các công nghệ quốc phòng như phòng thủ tên lửa, hay máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm của Nhật Bản đều bị Mỹ hạn chế rất nhiều. Ảnh: Mẫu thử nghiệm máy bay tàng hình thế hệ 5 X-2 Shinshin của Nhật Bản đã bị đóng băng vì thiếu công nghệ - Nguồn: Military-today.
Video Tàu Hộ vệ tên lửa Gepard của Hải quân Việt Nam thăm Nhật Bản - Nguồn: QPVN
Tiến Minh