Đề cao việc chống chủ nghĩa cá nhân
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra biểu hiện của những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết, không lo mình vì mọi người mà chỉ muốn mọi người vì mình
Quy định 37-QĐ/TW (Quy định 37) về những điều đảng viên không được làm vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25-10-2021, thay thế Quy định 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011. Quy định 37 có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn hiện nay trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Cá nhân chủ nghĩa sẽ phạm nhiều sai lầm
Quy định 37 giữ nguyên 19 điều như trước, kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp, bổ sung một số nội dung mới cho phù hợp hơn.
Điểm đặc biệt ở đây là các nội dung sửa đổi, bổ sung đều là những vấn đề cốt lõi, quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng; Hiến pháp năm 2013 và những nội dung mới trong các chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, Nhà nước ban hành thời gian qua.
Điều 3 của Quy định 37 có nội dung "Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng".
Với nội dung nêu trên, chúng ta cần đặc biệt lưu ý tới phần "không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân". Vì trước hết, chúng ta đã biết Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: "Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân".
Khi vào Đảng, tất cả đảng viên đều thề trước cờ Đảng sẽ "tiên phong", sẽ đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân. Thế nhưng, trong thực tế, không phải lúc nào, ở đâu, việc này cũng đều được thực hiện tốt. Đã có những đảng viên không thực hiện nêu gương mà còn sa vào chủ nghĩa cá nhân nên phạm sai lầm, khuyết điểm.
Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất lo lắng về những biểu hiện tiêu cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Một trong những điều Người lo lắng, trăn trở, suy tư là đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, thoái hóa, biến chất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lên án gay gắt một số người luôn đặt quyền lợi của cá nhân lên trên hết, "khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng". Trong bài viết "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" đăng trên Báo Nhân Dân ngày 3-2-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra biểu hiện của những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân là: "Việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo "mình vì mọi người" mà chỉ muốn "mọi người vì mình".
Cũng trong bài viết này, Bác khẳng định những người do cá nhân chủ nghĩa thì "ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm".
Phải luôn tự giác tu dưỡng
Với những điều đảng viên không được làm theo Quy định 37, chúng ta sẽ thấy nếu đảng viên vi phạm thì chắc chắn có phần nguyên nhân quan trọng từ việc sa vào chủ nghĩa cá nhân và không thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của một người đảng viên.
Ban Chấp hành Trung ương đã giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện Quy định 37; giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Ban Chấp hành Trung ương cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy định 37; định kỳ hằng năm báo cáo với cấp ủy cấp trên tình hình thực hiện qua ủy ban kiểm tra của cấp ủy cấp trên...
Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến định là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, đảng viên của Đảng là những thành viên trong tổ chức lãnh đạo. Để lãnh đạo nhân dân, cần có 2 yêu cầu bắt buộc là đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn và bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu để nhân dân noi theo. Vì vậy, mỗi đảng viên cần không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong công việc và trong cuộc sống.
Tuy nhiên, phải thấy rằng quy định của Đảng, luật pháp của nhà nước dẫu có chặt chẽ, nghiêm minh tới đâu thì cũng chỉ nhằm mục đích ngăn ngừa và xử lý các hành vi tiêu cực, sai phạm. Để không mắc vào sai lầm, khuyết điểm thì vấn đề chính là tự thân mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện, chống chủ nghĩa cá nhân và nêu gương về đạo đức.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở chúng ta: "Tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý". Vì thế, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng về nêu gương; thực hiện tốt và thường xuyên phê bình, tự phê bình trong Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng...
Không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị
Để xây dựng tổ chức Đảng cũng như bộ máy chính quyền vững mạnh thì việc phòng chống sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên luôn là vấn đề bức thiết
MAI LỊCH (cựu chiến binh TP Đà Nẵng)
Với bản chất ngoan cố, thù địch, nhiều năm qua, bọn phản động trong nước luôn cấu kết với bọn phản động nước ngoài tìm cách chống phá quyết liệt cách mạng Việt Nam bằng các thủ đoạn tinh vi, thâm độc. Vì vậy, sự bứt phá vượt qua những khó khăn, thách thức, đưa cả nước mạnh mẽ tiến lên theo con đường mà Đảng ta, Hồ Chủ tịch và nhân dân đã lựa chọn, tạo ra thế và lực mới xứng đáng với sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo lòng tin ngày càng lớn đối với bầu bạn quốc tế, vô hình trung càng gây ra sự căm ghét, hậm hực của các thế lực phản động.
Trên các diễn đàn quốc tế, những kẻ phản động luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình cách mạng Việt Nam; nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo; dùng lợi ích vật chất mua chuộc, lôi kéo các phần tử bất mãn chế độ; tìm cách làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên mơ hồ, mất cảnh giác, lối sống ngày càng sa đà về hưởng thụ quá đáng, dần dần tiến tới phai nhạt lý tưởng cách mạng... rồi phản bội, đi ngược lại con đường chân chính mà mình đã phấn đấu cống hiến từ lâu.
Như vậy, để xây dựng tổ chức Đảng cũng như bộ máy chính quyền vững mạnh, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân thì việc phòng chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên phải luôn được xác định là vấn đề hết sức bức thiết cả trước mắt cũng như lâu dài, không ngừng nghỉ.
Trong báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta thẳng thắn chỉ rõ: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước". Chính vì vậy, Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới luôn là vấn đề quan trọng và vẫn rất thời sự trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian gần đây, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm thi đua thực hiện cho bằng được mục tiêu kép - vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trên mặt trận cam go ấy, rất nhiều cán bộ, đảng viên đã chấp nhận gian khổ hy sinh, gương mẫu đối mặt với những khó khăn, thách thức nơi tâm dịch, thể hiện rõ vai trò của người đảng viên cộng sản, được Đảng và quần chúng nhân dân ghi nhận.
Những hành động vô tư, trong sáng, quên mình như trên chắc chắn là hệ quả tất yếu của một quá trình không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nêu cao tinh thần sống hết mình vì mọi người, vì cộng đồng của người đảng viên chân chính; là kết quả của việc nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ly-tuong-song/de-cao-viec-chong-chu-nghia-ca-nhan-20211031184752432.htm