Để cầu thủ không đi 'sai đường'

Không chỉ đào tạo về chuyên môn, bóng đá Việt Nam lúc này có lẽ sẽ cần những 'lớp học' để cầu thủ tránh đi 'sai đường'.

Ngày 9-5, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên phạt 6 cầu thủ: Lê Bằng Gia Huy (sinh năm 2002), Nguyễn Sơn Hải (1994), Phạm Văn Phong (2004), Nguyễn Quang Huy (2004), Nguyễn Khánh Duy (2003) và Trần Kỳ Anh (2004-hưởng án treo) tổng 38 năm tù vì hành vi bán độ. Trước đó, vào ngày 3-5, Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá thế giới kết luận: Câu lạc bộ Phú Thọ bị loại khỏi Giải bóng đá hạng Nhì quốc gia 2025, phải xuống thi đấu ở hạng thấp hơn do có hành vi dàn xếp kết quả thi đấu.

 Các cầu thủ câu lạc bộ Phú Thọ sẽ phải xuống chơi ở giải hạng Ba mùa tới. Ảnh: PHÚ THỌ FC

Các cầu thủ câu lạc bộ Phú Thọ sẽ phải xuống chơi ở giải hạng Ba mùa tới. Ảnh: PHÚ THỌ FC

Nhìn rộng ra, bóng đá Việt Nam trước đây không thiếu những vụ bán độ rúng động kiểu vậy, thậm chí còn có quy mô lớn hơn. Năm 2014, 13 cầu thủ đá chính và dự bị của câu lạc bộ Ninh Bình thừa nhận hành vi dàn xếp tỷ số trong trận thắng 3-2 trước Kelantan tại vòng bảng AFC Cup.

Bóng đá Việt Nam không thiếu những bài học đắt giá liên quan đến tiêu cực trong thi đấu. Nhưng có vẻ như những bài học này chưa đủ sức răn đe và một số cầu thủ vẫn chưa biết sợ. Thực tế, những vụ bán độ hay dàn xếp tỷ số vẫn đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn, tinh vi và mang tính nguy hiểm hơn.

Vậy tại sao nhiều người biết là phạm pháp và có thể mất luôn sự nghiệp nhưng họ vẫn quyết nhúng chàm? Chia sẻ về vấn đề này, bình luận viên Vũ Quang Huy phân tích: “Đó là những hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Theo tôi quan sát thì có rất nhiều cầu thủ còn quá trẻ nên họ có thể chưa nhận thức được việc làm của mình nghiêm trọng thế nào. Có thể những thứ vật chất họ nhận lại sau mỗi vụ bán độ là không cao, nhưng đây sẽ là khởi đầu cho những sai lầm nối tiếp phía sau. Một khi đã nhúng chàm thì khó có thể dừng lại được”.

Sau những câu chuyện đáng buồn ấy, có lẽ đã đến lúc những nhà quản lý của bóng đá Việt Nam cần nhìn nhận lại và tìm ra phương án giải quyết tận gốc rễ của vấn đề. Người xưa có câu “dạy con từ thuở còn thơ” và cho đến nay điều này vẫn luôn đúng. Áp dụng vào bóng đá Việt Nam, đi kèm với công tác đào tạo chuyên môn, các nhà quản lý cũng cần tìm ra giải pháp mang tính răn đe các cầu thủ trẻ về hành vi cá độ, bán độ.

Ông Ngô Quang Tùng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thể thao Viettel cho rằng, những án phạt nặng chỉ xử lý được các cá nhân trực tiếp phạm tội. Thay vào đó, những người quản lý bóng đá Việt Nam, các câu lạc bộ, huấn luyện viên trực tiếp làm việc với cầu thủ mỗi ngày cần phải rèn giũa, nhắc nhở, giáo dục để họ tránh đi "sai đường" và đây mới thực sự là phương án giải quyết tận gốc rễ vấn đề.

DUY ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/de-cau-thu-khong-di-sai-duong-828674