Để cây chanh leo phát triển bền vững

Từ năm 2018 đến nay, huyện Hướng Hóa thực hiện hình thức liên kết, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình trồng cây chanh leo trên địa bàn. Hiện cây chanh leo đang trở thành loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân trong huyện.

 Cây chanh leo mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân xã A Xing, huyện Hướng Hóa

Cây chanh leo mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân xã A Xing, huyện Hướng Hóa

Với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, năm 2018 Sở Nông nghiệp và PTNT đã nghiên cứu, kết nối với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc để phát triển cây chanh leo ở huyện Hướng Hóa. Ngày 3/5/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT kí Biên bản ghi nhớ số 09/BBGN-QT&Nafoods về hợp tác trồng và thu mua chanh leo giữa Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Hướng Hóa với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc. Theo đó, công ty cho các nhóm hộ ứng trước 50% giá giống và thanh toán vào cuối vụ thông qua khấu trừ sản phẩm bán chanh leo; cam kết thu mua 100% sản phẩm quả chanh leo do nông dân trồng và chăm sóc trên diện tích hai bên thống nhất; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật, theo dõi, giám sát mô hình… Trên cơ sở đó, tháng 10/2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai xây dựng dự án phát triển cây chanh leo với quy mô 12 ha tại 3 xã Hướng Phùng, Tân Liên và Tân Lập với 18 hộ gia đình tham gia. Đến nay, trên diện tích 12 ha (trồng từ tháng 9/2018) cho tỉ lệ đậu quả đạt 80-90%, năng suất bình quân 15 tấn/ ha. Bên cạnh đó, tại địa bàn xã A Túc, A Xing, Công ty TNHH Thảo dược Huế Đà - TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư 2 mô hình trồng chanh leo với diện tích 4 ha. Theo đánh giá của các địa phương có các hộ dân tham gia mô hình thì cây chanh leo sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương, bước đầu mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân tham gia mô hình trồng cây chanh leo.

Hướng tới, huyện Hướng Hóa tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cây chanh leo theo chuỗi liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, mở hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân. Huyện cũng đã có nhiều giải pháp như thông tin đến người dân về hiệu quả kinh tế bước đầu của mô hình trồng cây chanh leo để người dân đăng kí trồng, chăm sóc cây chanh leo, đồng thời khuyến cáo người dân không phát triển ồ ạt. Trên cơ sở diện tích các hộ dân đăng kí trồng, chăm sóc cây chanh leo, UBND xã, thị trấn tiến hành rà soát, đánh giá xem có phù hợp với việc trồng cây chanh leo hay không để hướng dẫn cho người dân, không để thiệt hại xảy ra khi trồng cây chanh leo trên diện tích không phù hợp. Tổng hợp lại số hộ dân đủ điều kiện trồng cây chanh leo, diện tích cụ thể để tổ chức thành lập nhóm hộ, HTX, tổ liên kết trồng chanh leo nhằm có đủ điều kiện hợp tác với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Tuyên truyền, vận động các hộ, nhóm hộ, tổ hợp tác thực hiện theo đúng hợp đồng đã kí kết với doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm trong liên doanh, liên kết. Kịp thời nắm bắt, quản lí, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp khi vào địa bàn huyện khảo sát, triển khai trồng cây chanh leo.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, hằng năm UBND các xã, thị trấn cân đối nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình giảm nghèo bền vững để hỗ trợ người dân trồng cây chanh leo. Chú trọng quy trình xử lí đất, từ việc chọn đất, vị trí đất đảm bảo phù hợp với yêu cầu kĩ thuật của việc trồng, chăm sóc và thu hoạch cây chanh leo. Quan tâm hướng dẫn quy trình trồng trọt, chăm sóc cây chanh leo cho các hộ dân tham gia mô hình trên địa bàn huyện. Lập phương án hỗ trợ người dân trong nguồn vốn phát triển sản xuất được phân bổ hằng năm. Thực hiện tốt công tác hướng dẫn chọn hộ, rà soát diện tích và đối với diện tích được hỗ trợ theo nguồn vốn của tỉnh, tiến hành phân bổ đảm bảo khách quan, tránh tình trạng tập trung vào một vài xã. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chủ động phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tham mưu UBND huyện xây dựng đề án trồng cây chanh leo đến năm 2020 - 2025 (dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2019) để trình HĐND huyện vào kì họp cuối năm 2019. Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, thị trấn tham mưu UBND huyện rà soát lại diện tích có khả năng trồng cây chanh leo; chú trọng việc hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập HTX, tổ hợp tác để liên doanh, liên kết trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn… Ngoài ra, huyện Hướng Hóa cũng đề nghị các doanh nghiệp hướng dẫn kĩ thuật trồng, chăm sóc và phát triển cây chanh leo; thường xuyên kiểm tra để hỗ trợ các địa phương trong phòng ngừa sâu bệnh, đảm bảo hiệu quả trong lộ trình phát triển cây chanh leo…

Với các giải pháp thiết thực, hiệu quả, tin rằng cây chanh leo sẽ mang lại kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới cho nông dân trong việc lựa chọn cây trồng mới đảm bảo việc phát triển kinh tế bền vững.

A.P

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=141109