Để cây hồ tiêu phát triển hiệu quả và bền vững. Bài 1: Nhiều diện tích cây hồ tiêu chết rụi, người dân lao đao

Sau các đợt mưa lũ liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2020, nhiều diện tích cây hồ tiêu ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Ngành chức năng đã tích cực hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp khắc phục nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trên cây hồ tiêu. Tuy nhiên đến nay, có khoảng 30 ha cây hồ tiêu bị chết rụi hoàn toàn, không thể phục hồi. Thực tế này đặt ra vấn đề rất cấp bách, đó là để cây hồ tiêu phát huy giá trị kinh tế thì cần phải quy hoạch vùng trồng tiêu cũng như triển khai các mô hình trồng tiêu bền vững đối với các địa phương trong tỉnh.

 Người dân thôn Mai Trung, xã Cam Chính, Cam Lộ gỡ bỏ những thân cây tiêu chết ra khỏi gốc trụ - Ảnh: T.T

Người dân thôn Mai Trung, xã Cam Chính, Cam Lộ gỡ bỏ những thân cây tiêu chết ra khỏi gốc trụ - Ảnh: T.T

Chúng tôi ghé thăm đúng lúc gia đình bà Nguyễn Thị Dung, ở thôn Đốc Kỉnh, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ đang thu dọn vườn để bán số gốc cây vốn cách đây không lâu dùng để làm trụ (choái) trồng tiêu. Gần cả trăm choái tiêu được bán cho thương lái thu mua về làm nguyên liệu giấy với giá chưa đầy một triệu đồng. Bà Dung ngậm ngùi nói: “Khi tôi mua choái trồng tiêu cũng tốn khá nhiều tiền, nay rẻ cũng phải bán vì tiêu chết hết rồi, để choái trong vườn làm gì. Với tình hình này, gia đình tôi chưa biết đến bao giờ mới trồng tiêu lại được nên đành dọn dẹp sạch sẽ hết”. Gia đình bà Dung trồng 150 gốc tiêu từ mười lăm năm nay. Đến kỳ thu hoạch, vườn tiêu cho sản lượng mỗi năm từ 2-3 tạ tiêu khô. Ở thời điểm hồ tiêu được giá, mỗi cân hạt tiêu khô có giá bán từ 230.000 - 250.000 đồng. Những năm gần đây hồ tiêu liên tục rớt giá, còn khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg nhưng gia đình bà Dung vẫn cố gắng chăm vườn để có thêm nguồn thu nhập. Nay nguồn thu này đã không còn, bà Dung tiếc vườn cây tiêu 15 năm tuổi và thêm nỗi lo không biết sắp tới sẽ thay thế bằng loại cây gì để có đồng ra đồng vào.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trần Minh Tuấn cho biết, ngay sau khi phát hiện tình trạng tiêu bị ngập úng ở các địa phương, chi cục đã phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiến hành hỗ trợ các loại thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học, chỉ đạo cán bộ cơ sở tập huấn kỹ thuật để giúp phục hồi vườn hồ tiêu với diện tích 50 ha tại 2 xã Cam Nghĩa và Cam Chính (huyện Cam Lộ). Đồng thời, để hỗ trợ người dân khôi phục vườn hồ tiêu, chi cục đã tăng cường cán bộ kỹ thuật về cơ sở để trực tiếp hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây tiêu. Tập trung vệ sinh vườn tiêu, buộc lại các dây tiêu bị tuột, thoát nước đọng trong vườn và chăm sóc, xử lý bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật để hạn chế thấp nhất thiệt hại do nấm bệnh gây ra. Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp, đến nay toàn tỉnh chỉ còn khoảng 30 ha cây hồ tiêu bị ảnh hưởng không thể phục hồi được, trong đó Cam Lộ 13 ha, các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh có khoảng 16 ha.

Qua quá trình tìm hiểu thực tế cũng như phản ánh của các địa phương, chúng tôi nhận thấy phần lớn diện tích hồ tiêu bị ảnh hưởng là của các hộ dân trồng lâu năm ở trong vườn, quy mô nhỏ lẻ. Đối với 2 mô hình trồng tiêu bền vững do tổ chức Roots of Pace hỗ trợ tập trung ở khu vực Cồn Trữa, xã Cam Chính (Cam Lộ), mưa lũ không làm ảnh hưởng đến chất lượng của vườn. Chủ tịch UBND xã Cam Chính Nguyễn Văn Hà cho biết: “Toàn xã có khoảng 160 ha trồng tiêu, trong đó có hai mô hình trồng tiêu bền vững với diện tích 7,5 ha và 4 ha, còn lại là trồng nhỏ lẻ trong các hộ dân. Đây là lần đầu tiên, các hộ trồng tiêu trên địa bàn xã Cam Chính lâm vào tình cảnh vườn tiêu bị ảnh hưởng nặng nề do ngâm nước dài ngày sau mưa lũ, trong đó nhiều vườn tiêu chết rụi hoàn toàn. Hai vườn tiêu mô hình được triển khai trồng ở khu vực có địa hình cao ráo, quy mô tập trung, có hệ thống tiêu úng đúng quy chuẩn, áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật nên không bị ảnh hưởng do thiên tai, sâu bệnh”.

Tại vườn tiêu hơn 100 gốc của gia đình bà Hoàng Thị Thoại, ở thôn Mai Trung, xã Cam Chính, nhiều thân cây tiêu to hơn ba ngón tay chụm lại vẫn không trụ được sau nhiều ngày bị ngâm nước, chết rụi từ nhiều tháng nay. Bà Thoại cho biết, từ năm 2002 khi bắt đầu trồng tiêu, gia đình bà cũng tuân thủ hướng dẫn của cán bộ phụ trách nông nghiệp là đào hệ thống hào tiêu úng xung quanh vườn. Tuy nhiên, mười mấy năm nay trên địa bàn xã chưa bao giờ trải qua các đợt mưa lũ nào lớn như cuối năm 2020, không có tình trạng ngập úng dài ngày, do đó hệ thống hào tiêu úng cỏ dại mọc đầy, đất cát bồi lấp, không còn phát huy tác dụng.

Đối với phần lớn các hộ trồng tiêu khác trên địa bàn, tình trạng bê tông hóa tường rào phổ biến như hiện nay đã làm cho việc thoát nước trong vườn trồng tiêu bị ảnh hưởng. Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh ví von các vườn tiêu hộ gia đình bị bao quanh bởi tường rào bê tông cũng giống như “ruộng trên cao”, nước mưa khó thoát nên việc ngập úng cục bộ dài ngày khi có mưa lớn là khó tránh khỏi. Ông Thanh cho rằng, tình trạng nhiều diện tích hồ tiêu chết rụi sau ảnh hưởng của các đợt mưa lũ liên tiếp trong năm 2020 có một phần nguyên nhân là do hệ thống tiêu úng, thoát nước ở các vườn tiêu kém, dẫn đến vườn cây bị ngâm nước lâu ngày, rễ bị hư tổn.

Trên địa bàn xã Gio An (huyện Gio Linh) có khoảng 85 ha hồ tiêu, là địa phương có diện tích trồng tiêu tương đối lớn của huyện, người dân chủ yếu canh tác với quy mô nhỏ lẻ trong vườn nhà. Sau ảnh hưởng của các đợt mưa lũ, đến nay có khoảng 20 ha hồ tiêu bị chết rụi hoàn toàn. Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết, ở thôn Bình Sơn, xã Gio An có hơn 200 gốc tiêu trồng từ năm 1999, đến nay vườn chỉ còn trơ choái. Chị Tuyết cho biết, nhiều hộ dân trồng tiêu quanh vùng cũng lâm vào tình trạng tương tự mà không biết nguyên nhân vì sao. “Vườn tiêu của gia đình tôi có hệ thống rãnh thoát nước, không bị ngập úng sau các trận mưa lũ của năm 2020, tuy nhiên sau thiên tai, toàn bộ vườn tiêu bị vàng lá dần, nấm bệnh nhưng cũng không rõ bệnh gì. Đến nay các hộ trồng tiêu ở khu vực này cũng chỉ biết không có khả năng phục hồi diện tích hồ tiêu bị chết chứ không rõ nguyên nhân gây nấm bệnh khiến tiêu bị chết”, chị Tuyết nói.

Những năm gần đây, giá tiêu xuống thấp nên khó phát triển thêm diện tích trồng tiêu. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không bỏ vườn, tiếp tục chăm sóc cây hồ tiêu bởi đây là một trong những loại cây chủ lực của địa phương, cho giá trị kinh tế cao hơn so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Tuy nhiên, để phát triển cây hồ tiêu bền vững, hiệu quả thì cần những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ vườn cây trước thiên tai, dịch bệnh, thay đổi tư duy sản xuất của người dân để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây hồ tiêu trong thời gian tới.

Thanh Trúc - Lâm Thanh

Bài 2: Chú trọng quy hoạch vùng và sản xuất hữu cơ để nâng cao chất lượng hồ tiêu Quảng Trị

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=156867&title=de-cay-ho-tieu-phat-trien-hieu-qua-va-ben-vung-bai-1-nhieu-dien-tich-cay-ho-tieu-chet-rui-nguoi-dan-lao-dao