Để cây mì đứng vững

Hiện nay, ngành sản xuất và chế biến khoai mì tại Tây Ninh đối mặt với một số vấn đề khó khăn, như bệnh khảm lá làm giảm năng suất và sự cạnh tranh của các loại cây có giá trị cao hơn.

Giống mì kháng khảm cho năng suất cao

Giống mì kháng khảm cho năng suất cao

Tây Ninh được xem là thủ phủ của cây khoai mì, với diện tích trồng hằng năm thuộc top đầu cả nước (chỉ sau tỉnh Gia Lai); số lượng nhà máy và sản lượng sản xuất, xuất khẩu lớn nhất cả nước, chiếm hơn 35% sản lượng toàn ngành.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành sản xuất và chế biến khoai mì tại Tây Ninh đối mặt với một số vấn đề khó khăn, như bệnh khảm lá làm giảm năng suất và sự cạnh tranh của các loại cây có giá trị cao hơn. Ngoài ra, ngành này vẫn còn hạn chế khi chưa có liên kết trong đầu tư, thu mua nguyên liệu giữa nhà máy chế biến và nông dân.

Giá củ mì tươi tăng cao

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, giá thu mua củ mì tươi tại các nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột mì trên địa bàn tỉnh dao động ở mức 3.400-3.800 đồng/kg. Đây là mức giá tương đối cao so với những năm gần đây, giúp nông dân có lãi sau thu hoạch.

Ông Phan Tấn Hùng, ngụ xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên cho biết, vụ mì năm nay, gia đình ông trồng được hơn 5 ha giống KM94 và 0,5 ha giống HN1. Trong đó, 5 ha mì đã thu hoạch, năng suất gần 30 tấn/ha, giá bán 3.600 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chăm sóc trung bình khoảng 20 triệu đồng/ha, lãi khoảng 30-35 triệu đồng/ha.

Theo ông Hùng, giá mì năm nay được xem là cao so trước đây, cùng với tình hình thời tiết thuận lợi, cây mì sinh trưởng và phát triển tốt, điểm thử chữ bột đạt từ 29 đến 30 độ giúp gia đình ông có thu nhập tốt hơn. Hiện gia đình ông còn khoảng 0,5 ha mì HN1 để nhân giống.

Một nông dân tại xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, các nhà máy trên địa bàn thu mua củ mì tươi với giá ổn định trên 3.200 đồng/kg. Mức giá này bảo đảm nông dân trồng mì có lãi nên nhiều người đổ xô trồng mì, bất chấp việc sử dụng những giống bị khảm lá.

Trong khi đó, theo một số thương lái, đa phần diện tích mì trồng trong tỉnh chưa đến thời điểm thu hoạch. Với giá củ mì nguyên liệu như hiện nay, nông dân trồng mì có lãi rất cao. “Bình quân, với năng suất 30-35 tấn củ/ha, nếu không phải thuê đất trồng, nông dân có lãi khoảng 50-60 triệu đồng/ha. Người nào thuê đất cũng có lãi gần 50 triệu đồng/ha. Đây là lý do mà nhiều nông dân vẫn quyết đeo bám cây mì ngay cả khi dịch bệnh khảm lá hoành hành”- một thương lái cho biết.

Củ mì giống HN3 kháng bệnh khảm lá.

Củ mì giống HN3 kháng bệnh khảm lá.

Nông dân mong chờ giống mì kháng bệnh

Tham gia đoàn khảo sát trước hội thảo đánh giá tổng kết dự án nghiên cứu “Thiết lập các giải pháp xử lý bệnh hại khoai mì khu vực Đông Nam Á” hôm 3.10, ông Lý Văn Trí, ngụ huyện Châu Thành cho biết gia đình đang trồng 3 ha mì giống KM05, bị nhiễm bệnh khảm lá nhẹ, năng suất trung bình từ 2,8 - 3,2 tấn/ công, do giá mì đang ở mức cao nên lợi nhuận sau thu hoạch của gia đình ông đạt khá.

Tuy nhiên, sau khi đi thực tế, ông nhận thấy các giống mới như HN1, HN5… đều có bộ củ lớn, năng suất cao hơn nên rất mong muốn ngành chức năng tỉnh sớm triển khai chuyển giao để nông dân được tiếp cận, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như gia tăng lợi nhuận, cải thiện đời sống.

Ông Huỳnh Phú Quốc, ngụ ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên cho biết, thông qua các kênh thông tin từ báo, đài và mạng xã hội, ông tìm đến ruộng mì của một nông dân ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu mua cây mì giống HN1 về trồng được 0,5 ha, hiện cây phát triển rất tốt, cây cao, tán lá rộng, một số cây nhổ thử có củ to hơn những giống trồng trước đây.

Theo ông Quốc, do là giống mới, kháng được bệnh khảm lá, cho năng suất cao nên giá cây mì giống khá cao, lúc ông mua là 300.000 đồng/bó, hiện có giảm nhưng vẫn còn khoảng 270.000 đồng/bó. Vì vậy, ông chỉ mua một ít về trồng nhân giống.

Để cây khoai mì phát triển

Tháng 6.2017, bệnh khảm lá trên cây khoai mì lần đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Tây Ninh, sau đó nhanh chóng lây lan nhanh ra nhiều tỉnh khác, làm sụt giảm khoảng 15% sản lượng củ tươi, tương đương 1,5 triệu tấn, khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.

Từ năm 2019 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, Viện Di truyền nông nghiệp khảo nghiệm và đánh giá một số giống mì tiềm năng đạt năng suất, hàm lượng tinh bột cao, có khả năng kháng bệnh phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Kết quả bước đầu của dự án chọn tạo được 6 giống mì kháng bệnh khảm lá, gồm: HN1, HN3, HN5, HN36, HN80, HN97.

Hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đưa một số giống mì có khả năng kháng bệnh khảm lá là HN3, HN5 và HN1 hỗ trợ nông dân nhân giống trực tiếp trên đồng ruộng, phát triển khá tốt, là nguồn giống chất lượng để cung cấp cho địa phương.

Đoàn chuyên gia khảo sát bệnh khảm lá trên cây mì

Đoàn chuyên gia khảo sát bệnh khảm lá trên cây mì

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, những năm qua, diện tích trồng mì của tỉnh liên tục tăng, tập trung tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và Dương Minh Châu. Năng suất trung bình từ 33-35 tấn/ha (cao gấp 1,7 lần năng suất trung bình của cả nước), chiếm 10% diện tích và 20% tổng sản lượng, đóng góp 50% vào tổng thu nhập quốc gia, giá mì tươi được mua tại nhà máy khá ổn định, dao động ở mức 3.500 đồng đến gần 4.000 đồng/kg.

Năm 2023, tổng diện tích mì trên toàn tỉnh đạt hơn 62.000 ha. Cả tỉnh có 65 nhà máy chế biến tinh bột mì, tổng công suất thiết kế khoảng 5.772 tấn sản phẩm/ngày (173.000 tấn sản phẩm/tháng), trong đó có 18 công ty, doanh nghiệp có công suất từ 50 - 300 tấn bột/ngày và 47 cơ sở với công suất dưới 50 tấn bột/ngày.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, trong những năm tới, mì vẫn là cây công nghiệp truyền thống của tỉnh, khoai mì là một trong những nguồn nguyên liệu sản xuất của nhiều ngành công nghiệp, thực phẩm và sản xuất Ethanol phục vụ tạo ra xăng sinh học E5 RON 92 thay thế xăng khoáng RON 92 đang được lưu hành trên thị trường xăng dầu.

Phụ phẩm từ chế biến khoai mì được sấy hoặc phơi khô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; khí gas từ hệ thống biogas được sử dụng làm năng lượng cho quá trình sấy, phát nhiệt điện, bảo đảm tự cung cấp năng lượng, giảm chi phí điện năng và tăng giá trị gia tăng của sản phẩm chế biến.

Vì vậy, Tây Ninh sẽ tiếp tục duy trì và phát triển diện tích sản xuất vào khoảng 55.000 - 65.000 ha, nâng cao năng suất và hướng đến kiểm soát bệnh khảm lá bằng các giống mì kháng khảm, cho năng suất cao được Bộ NN&PTNT cấp phép lưu hành. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển dây chuyền, đổi mới công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm sau tinh bột, tận dụng phụ phẩm sau chế biến, nâng cao giá trị cho chuỗi sản xuất mì trên địa bàn tỉnh.

Theo Hiệp hội Sắn (mì) Việt Nam, mục tiêu giai đoạn năm 2023-2028, Việt Nam có diện tích trồng mì ổn định khoảng 530 ngàn héc-ta, năng suất trung bình đạt 20-22 tấn/ha, tỷ lệ chế biến sau tinh bột đạt 15%, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD/năm. Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, Hiệp hội Sắn Việt Nam sẽ kết hợp với Cục Trồng trọt tiến hành xây dựng đề án phát triển bền vững ngành mì đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.

Minh Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/de-cay-mi-dung-vung-a164700.html