Để chính sách không bó buộc HTX phát triển

Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế hợp tác là con đường tất yếu. Tuy nhiên, những rào cản về chính sách đang cản trở không ít HTX bứt phá và chuyển đổi thích ứng với thị trường.

Nghị quyết số 13-NQ/TW đã khẳng định kinh tế tập thể, HTX là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển.

Khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn

Cùng với Nghị quyết 13, Luật HTX 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng cho kinh tế tập thể phát triển. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2021, cả nước đã có hơn 27.400 HTX, tăng 41% so với năm 2013, tạo việc làm thường xuyên cho 1.000.000 lao động. Riêng giai đoạn triển khai Luật HTX 2012-2021, mỗi năm có 2.600 HTX được thành lập mới, gấp hơn 2 lần so với bình quân 10 năm trước đó. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm.

Cụ thể là năm 2020, doanh thu của HTX đạt bình quân 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tương ứng tăng 61% và 88% so với 2013. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX vào năm 2013 là 43 triệu đồng/người/năm nay đã tăng lên là 53 triệu đồng/người/năm.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 và 10 năm thực hiện Luật HTX 2012, có thể thấy, mô hình HTX đã có sự phát triển đáng kể cả về chất và lượng. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển, mô hình kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX vẫn chưa phát huy được hết các giá trị và chưa tận dụng được các tiềm năng.

Chia sẻ tại Tọa đàm Tạo đột phá cho kinh tế tập thể vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, mô hình HTX đã phủ kín các lĩnh vực kinh tế và đặc biệt là góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bởi một trong những yếu tố để phát triển nông nghiệp chính là tổ chức lại sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, tạo nên tư duy hợp tác của những người nông dân.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hiện vẫn còn nhiều bất cập trong phát triển kinh tế tập thể. Mà cụ thể là tâm lý ngộ nhận về giá trị, tính pháp lý của mô hình HTX, đặc biệt là chưa xác định được rõ vị trí, vai trò của mô hình HTX trong nền kinh tế quốc gia nên chưa đưa mô hình này phát triển linh hoạt, hiệu quả.

Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp cho biết do bị cản trở bởi nhiều yếu tố nên mô hình HTX hiện nay rơi vào cảnh khó tứ bề. Nguyên nhân là vì các chính sách về phát triển kinh tế tập thể, HTX đã có nhiều nhưng không sát thực tiễn, thậm chí là "dẫm đạp" lên nhau. Cụ thể nhất là chính sách về đất đai chưa tạo điều kiện cho HTX phát triển.

Theo ông Nguyễn Minh, Giám đốc HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Hà Nội), hiện chưa có cơ chế giao đất cho HTX, mà HTX muốn có đất sản xuất, xây dựng nhà xưởng, cơ sở chế biến phải thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên, khó khăn là Nghị định 57 và 98 của Chính phủ ra đời đã được 5 năm nhưng thông tư hướng dẫn triển khai chưa có khiến HTX khó áp dụng chính sách vào thực tiễn.

Để phát triển theo hướng hàng hóa, các HTX đều có nhu cầu mở rộng diện tích sản xuất hoặc đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, nhà xưởng.

Để phát triển theo hướng hàng hóa, các HTX đều có nhu cầu mở rộng diện tích sản xuất hoặc đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, nhà xưởng.

“Dù là HTX cung cấp số lượng lớn rau an toàn cho TP Hà Nội nhưng đến nay, từ phòng họp đến khu vực sơ chế…, HTX đều phải mượn của UBND xã hoặc liên liên kết với tư nhân”, ông Minh chia sẻ.

Cũng khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để phát triển sản xuất kinh doanh, ông Hoàng Ngọc Sơn, Giám đốc HTX Vạn Xuân Trường (Nam Đinh) cho biết HTX mong muốn có mặt bằng để xây dựng cửa hàng nông sản sạch nhưng rất khó vì theo quy định hiện nay, HTX không được giao đất mà chỉ được thuê đất. Đặc biệt, những văn bản hướng dẫn cụ thể để cho HTX thực hiện thuê đất cũng chưa có.

“Dù Nam Định là địa phương tiên phong trong hỗ trợ phát triển HTX, nhưng các quy định pháp luật hiện rất bó buộc khiến HTX không thể thực hiện được”, ông Sơn nói.

Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, đất đai, đối với các HTX hiện nay, nguồn nhân lực cũng là bài toán khó. Thành viên HTX cơ bản là các chủ hộ của mô hình HTX kiểu cũ, những người quản lý, điều hành HTX cũng đã trên dưới 60 tuổi nên gặp khó khăn trong hoạch định chiến lược sản xuất và quản lý.

Thiếu đất sản xuất, nguồn nhân lực chủ yếu là người lớn tuổi là những nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển của HTX. Điều này cũng cho thấy, giữa chính sách và thực tiễn đang có khoảng cách khá lớn.

Vì lẽ đó nên đóng góp của kinh tế tập thể vào GDP cả nước cũng giảm qua các năm, cụ thể là từ 4% vào năm 2013 xuống còn 3,62% vào 2020. Số lượng HTX tăng nhanh nhưng số lượng thành viên lại giảm mạnh khiến quy mô HTX ngày càng nhỏ dần, từ đó khó cạnh tranh và phát triển theo các chuỗi giá trị bền vững.

Những bước đi đột phá

Hiện, Việt Nam có 5,7 triệu người tham gia HTX, chiếm chưa đến 6% dân số, trong khi đó tại Nhật Bản là 51%, tỷ lệ người dân tham gia HTX ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Đức, Phần Lan, Anh, Pháp… cũng chiếm từ 25-40% dân số. Tỷ lệ người dân tham gia HTX ở các nền kinh tế trên thế giới cao hơn nhiều so với Việt Nam và chất lượng HTX là điều đáng để bàn.

Điều kiện cần và đủ để phát triển HTX hiệu quả, bền vững: “Hợp tác, liên kết, phát triển thị trường" để "giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến”- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Rõ ràng so với thế giới, mô hình HTX Việt Nam đang có những cách biệt nhất định và cũng cho thấy những khó khăn trong vận hành sản xuất kinh doanh. Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho rằng, chất lượng của mô hình HTX là mang tính bao trùm, tức là mô hình này vừa làm tăng thu nhập thành viên, giúp nguồn vốn tài sản được bổ sung, và giúp sản xuất kinh doanh minh bạch. Đặc biệt, trong lúc các HTX nông nghiệp ở Việt Nam đang loay hoay tìm đầu ra nông sản thì người dân ở các vùng thành thị chủ yếu dùng các nông sản nhập khẩu từ các HTX trên thế giới với trị giá hàng tỷ USD/năm.

Chính vì vậy, theo ông Thủy, muốn nâng chất lượng mô hình HTX cần phải liên minh các HTX nhỏ với nhau hoặc bổ sung thành viên là các doanh nghiệp để hỗ trợ nhau cùng sản xuất, hướng đến đa dạng hóa thành viên và từng bước đồng đẳng hóa với doanh nghiệp.

Một thực tế hiện nay là số HTX ở nước ta đang tăng nhưng số lượng thành viên tham gia HTX lại giảm. Điều này trái ngược với hướng phát triển của thế giới là giảm số lượng HTX nhưng tăng số lượng người tham gia. Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, phát triển HTX không phải là chỉ tập trung vào số lượng, quan trọng là chất lượng. Không phải tham gia HTX "cho đủ 1.000, 2.000 người" mà phải là những lợi ích đem lại cho thành viên. Muốn vậy phải liên minh HTX nhỏ với nhau để hỗ trợ nhau cùng phát triển và giảm bớt rủi ro.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thực tế đã có một số địa phương đang tạo điều kiện thuận lợi để mô hình HTX phát triển. Chẳng hạn như Sơn La, Bắc Giang, Hưng Yên… đã hỗ trợ HTX tìm đầu ra, liên kết với doanh nghiệp. Đặc biệt là khi đến các vụ thu hoạch, các địa phương hỗ trợ HTX đầu tư máy sấy, sấy nông sản để nâng cao giá trị. Hay như ở An Giang, các HTX được hỗ trợ tập trung đất để sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn và liên kết với Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo đạt tiêu chuẩn của các thị trường "khó tính" trên thế giới.

“Điều này cho thấy, ở nơi nào chính quyền địa phương quan tâm đến kinh tế tập thể thì phần nào tháo gỡ được khó khăn cho các HTX, nhất là về các cơ chế chính sách”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết hiện đã có chính sách thu hút cán bộ trẻ về làm việc tại HTX nhưng phải làm sao để có môi trường phù hợp và những người trẻ nhận được sự chia sẻ của thành viên HTX. Bởi một bên là tư duy táo bạo, một bên tư duy mùa vụ. Nếu không có sự đồng nhất về tư duy thì các cán bộ trẻ sẽ rất khó gắn bó lâu dài.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng gợi mở, các địa phương vốn đang có sẵn nguồn cán bộ khuyến nông và có thể tiếp cận luôn nguồn nhân lực này. Và một cán bộ khuyến nông có thể làm cho nhiều HTX để tiết kiệm kinh phí. Bên cạnh đó, cần “Hợp tác, liên kết, phát triển thị trường" để "giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến”. Đây cũng là điều kiện cần và đủ để phát triển HTX hiệu quả, bền vững.

Việt Nam có 9 triệu hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông lâm thủy sản, nhưng 70% số hộ có quy mô sản xuất nhỏ, dưới 0,5ha đất. Nhóm có quy mô canh tác từ 2ha trở lên chỉ chiếm 6%. Bởi thế, để giải quyết được 2 mâu thuẫn căn bản trong sản xuất nông nghiệp là sản xuất nhỏ nhưng thị trường lớn, đầu tư thấp nhưng rủi ro cao thì liên kết theo mô hình HTX là con đường tất yếu phải đi.

Đặc biệt, trong nền kinh tế 4.0 như hiện nay, nếu còn người dân sản xuất đơn lẻ thì còn đe dọa đến sự phát triển của các ngành hàng. Chính vì vậy, việc sửa đổi chính sách về phát triển kinh tế tập thể là điều vô cùng cần thiết để giúp người dân nhận thức đúng về mô hình HTX và tham gia tự nguyện. Bên cạnh đó, cần xác định được rõ vị trí, vai trò của mô hình HTX trong nền kinh tế quốc gia để có những chính sách phù hợp thực tiễn, thực sự là tiền đề để HTX phát triển.

Ngoài sự thay đổi về cơ chế chính sách, các HTX cũng không nên chờ đợi mà thay vào đó cần xem lại mình đã làm gì, chưa làm gì và mạnh dạn liên kết với nhau thành mô hình lớn, phát triển linh hoạt.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/de-chinh-sach-khong-bo-buoc-htx-phat-trien-1084286.html