Để chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa

Nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và thói quen sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần của các tiểu thương, người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường, Tỉnh đoàn Bắc Giang đã triển khai 93 mô hình 'Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa' ở các huyện, TP.

Hằng ngày đi chợ, chị Lê Thị Thanh ở tổ dân phố Tân, thị trấn Kép (Lạng Giang) cũng như nhiều phụ nữ khác dùng rất nhiều túi nilon đựng thực phẩm, rau quả... Bất cứ thứ gì cũng cho vào túi bóng treo lủng liểng ở móc xe mang về nhà vì nó tiện. Đã từng được nghe đến tác hại của túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, cốc nhựa, hộp xốp, nước đóng chai nhựa… khi thải ra môi trường là khó phân hủy, chứ chị Thanh chưa biết những đồ dùng này chủ yếu được tái chế từ sản phẩm nhựa đã qua sử dụng.

 Thay vì để vào túi nilon, bánh rán được chị Trần Thị Thu Hương gói cho khách vào giấy.

Thay vì để vào túi nilon, bánh rán được chị Trần Thị Thu Hương gói cho khách vào giấy.

Khi đựng thực phẩm, hóa chất có trong đó sẽ thôi nhiễm vào thức ăn, tích tụ vào cơ thể lâu ngày có thể gây ung thư và nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe. Chỉ đến khi được nghe đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thị trấn tuyên truyền tại chợ Kép hồi đầu tháng, chị mới vỡ lẽ. Chị cho biết: “Đúng là tiện nhưng không hề lợi. Dùng đồ nhựa, túi nilon vô tội vạ như vậy quả là tác hại”.

Sau khi được phát 1 chiếc làn nhựa, chị dần tạo cho mình thói quen sử dụng làn đi chợ, hạn chế tối đa dùng túi nilon đựng thực phẩm. Quan sát tại phiên chợ Kép, thấy nhiều phụ nữ mang theo làn; hàng quán đã có những hộ thay vì đựng hàng vào túi nilon thì lác đác đã gói xôi bằng lá chuối, giấy báo; sử dụng cốc giấy, ống hút.

Ông Vũ Văn Hùng, Giám đốc HTX dịch vụ thị trấn Kép thông tin: HTX có 15 công nhân, trung bình mỗi ngày thu gom 10 tấn rác thải trong đó có không ít rác thải khó phân hủy. Kể từ khi triển khai mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”, người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Hành động ấy bắt đầu từ những việc nhỏ như thay đổi thói quen mua hàng không sử dụng túi nilon, phân loại rác tại nhà. Theo Bí thư Đoàn thị trấn Kép Đặng Văn Phú, mô hình mới chỉ bước đầu làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân, cần phải kiên trì tuyên truyền, vận động lâu dài.

Tại huyện Tân Yên, mô hình được Huyện đoàn triển khai từ năm 2019 tại chợ Hòa Bình, xã Liên Chung và mở rộng ra tại chợ Rào, xã Quế Nham; chợ Vồng, xã Song Vân. Thực hiện mô hình, Huyện đoàn Tân Yên đã treo các pano, khẩu hiệu tuyên truyền, phát tờ rơi cho bà con và các tiểu thương đến buôn bán, mua sắm tại chợ.

Trưng bày, giới thiệu và tuyên truyền cho bà con sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như: Cốc giấy, túi giấy, ống hút giấy thay vì sử dụng các sản phẩm nhựa. Tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa, hướng dẫn cách phân loại, đổ rác đúng quy định; tổ chức điểm đổi phế liệu tái chế lấy cây xanh, xà phòng; tặng làn nhựa miễn phí và túi sử dụng nhiều lần cho bà con đi chợ để hạn chế sử dụng túi nilon một lần.

Tính từ khi triển khai đến nay, toàn tỉnh đã có 93 mô hình chợ được thực hiện, thu hút hơn 2.500 lượt ĐVTN tham gia tuyên truyền. Tại đây, ĐVTN lắp đặt hệ thống tuyên truyền trực quan, xây dựng bài phát thanh về giảm thiểu rác thải nhựa phát tại khu vực chợ, khu dân cư trên địa bàn thị trấn và các xã lân cận. Tổ chức đổi rác thải nhựa tái chế lấy cây xanh, khẩu trang, xà phòng...

Anh Vũ Tuấn Anh, Trưởng Ban phong trào thanh niên (Tỉnh đoàn) cho biết: Mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai đầu tiên tại chợ trung tâm huyện Hiệp Hòa dịp tháng 6/2020.

Chọn đây là điểm đầu tiên xây dựng mô hình vì chợ có truyền thống lâu đời, nằm ở trung tâm huyện, tập trung dân cư đông đúc, diện tích chợ lớn, hàng hóa đa dạng, phục vụ nhu cầu cho đa số người dân khu vực huyện Hiệp Hòa và một số vùng lân cận.

Thông qua các hoạt động từ chợ trung tâm, có thể gây hiệu ứng tích cực, lan rộng thêm mô hình đến các chợ khu vực xung quanh trên địa bàn huyện và các huyện khác. Tính từ khi triển khai đến nay, toàn tỉnh đã có 93 mô hình chợ được thực hiện, thu hút hơn 2.500 lượt ĐVTN tham gia tuyên truyền.

Tại đây, ĐVTN lắp đặt hệ thống tuyên truyền trực quan, xây dựng bài phát thanh về giảm thiểu rác thải nhựa phát tại khu vực chợ, khu dân cư. Tổ chức đổi rác thải nhựa tái chế lấy cây xanh, khẩu trang, xà phòng...

Cùng đó, các thanh niên tình nguyện tuyên truyền, vận động người bán hằng ngày sử dụng các sản phẩm thay thế nhựa dùng 1 lần (chai nhựa, ống hút nhựa, cốc nhựa thay thế bằng chai thủy tinh, ống hút bằng tre, cốc thủy tinh) và gói hàng bằng túi giấy, báo, lá chuối, lá sen hoặc các sản phẩm thân thiện với môi trường. Người đi mua hàng tự cầm đồ đi đựng (làn nhựa, túi cói, túi vải và các sản phẩm sử dụng cho những lần sau).

Thông qua mô hình đã có 650 lượt buổi tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi nilon; tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho hơn 16 nghìn tiểu thương tại các chợ; treo 550 pano, áp phích, băng rôn; tặng hơn 3.200 làn nhựa, túi vải, 25 nghìn túi giấy... cho các tiểu thương và nhân dân. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh, 25 nghìn khẩu trang được ĐVTN phát tặng cho bà con tại chợ. Kinh phí chủ yếu vận động xã hội hóa của tổ chức Đoàn các cấp.

Với tinh thần xung kích của thanh niên, cùng mạng lưới rộng khắp của tổ chức đoàn, thông qua mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”, mỗi ĐVTN có ý thức hơn, đi đầu trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, gương mẫu thực hiện việc tái sử dụng các sản phẩm nhựa và thực hiện phân loại rác tại nguồn. Từ đó, mỗi ĐVTN là một tuyên truyền viên tích cực, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường sống cho nhân dân về chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống...

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/doi-song/381221/de-cho-dan-sinh-giam-thieu-rac-thai-nhua.html