Để chuỗi cung ứng hàng hóa, nông sản không bị đứt gãy

Tình trạng ách tắc trong vận chuyển hàng hóa cơ bản đã được tháo gỡ khi Chính phủ yêu cầu không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch với các xe có mã QR Code còn thời hạn của Bộ Giao thông Vận tải. Song, chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là với các mặt hàng nông sản, vẫn có nguy cơ bị đứt gãy bởi quy định hàng hóa thiết yếu cũng như những khó khăn trong đi lại thu hoạch, mua bán.

 Đi lại thu hoạch lúa hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do vướng quy định phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Trung Chánh

Đi lại thu hoạch lúa hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do vướng quy định phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Trung Chánh

Tại diễn đàn trực tuyến “Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện Covid-19” diễn ra hôm 29-7, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết sản lượng gạo, trái cây, rau củ ở các tỉnh phía Nam trong tháng 8 và 9-2021 là khá dồi dào.

Trong tháng 8, tổng sản lượng quy gạo được thu hoạch ở khu vực này sẽ đạt trên 2 triệu tấn, trong đó có 1,12 triệu tấn gạo hàng hóa; tháng 9 tiếp tục có trên 2,5 triệu tấn gạo, trong đó có 1,6 triệu tấn gạo hàng hóa.

Còn sản lượng trái cây của các tỉnh phía Nam trong tháng 8 và 9 là 1,28 triệu tấn. Trong đó, tháng 8 sẽ có 40.000 tấn xoài, 109.000 tấn chuối, 170.000 tấn thanh long, 75.000 tấn sầu riêng, bưởi và cam mỗi loại là 40.000 tấn, nhãn, khóm, mít lần lượt là. 37.000, 30.000 và 10.000 tấn; tháng 9 có 35.000 tấn xoài, 109.000 tấn chuối, 120.000 tấn thanh long, 75.000 tấn sầu riêng, 50.000 tấn bưởi, 55.000 tấn cam và nhãn, khóm, mít lần lượt đạt 36.000, 26.000 và 30.000 tấn. Trong khi đó, tổng sản lượng hàng hóa rau củ quả các tỉnh phía Nam trong tháng 8 dự báo đạt 1,11 triệu tấn và tháng 9 là 958.000 tấn.

Với sản lượng nông sản được dự báo có nguồn cung khá lớn trong 2 tháng tới như nêu trên đồng nghĩa nhu cầu cho thu hoạch, tiêu thụ cũng sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, ngoài khâu vận chuyển cơ bản đã được tháo gỡ khó khăn khi Chính phủ có chỉ đạo yêu cầu không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch với các xe có mã QR Code còn thời hạn của Bộ Giao thông Vận tải, thì việc thu hoạch, mua bán hàng hóa cũng như tái đầu tư sản xuất vụ mới đang gặp rất nhiều khó khăn bởi những quy định phòng chống dịch Covid-19.

"Nghẽn" từ khâu thu hoạch, mua bán trên đồng

Ông Đoàn Trường Duy, ngụ ấp Kênh Văn Phòng, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An - nông dân trồng mướp - cho biết ông vừa có phản ánh đến các cơ quan đơn vị liên quan của huyện Tân Thạnh để nhờ can thiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của ông và bà con nông dân trong khu vực.

Theo ông Duy, bình thường mướp được thương lái ở tỉnh Tiền Giang đến thu mua ngay tại ruộng với số lượng không hạn chế, giá bán tùy thời điểm theo giá thị trường. Tuy nhiên, sau khi các địa phương áp dụng biện pháp phòng chống dịch Covid-19, việc tiêu thụ rất khó khăn do thương lái không thể đi qua các chốt kiểm soát dịch.

Để tiêu thụ sản phẩm, ông Duy phải trung chuyển bằng xuồng ra đến xã Thạnh Lộc, huyện huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - nơi tiếp giáp với xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh để giao cho thương lái, tuy nhiên, số lượng thương lái mua mỗi ngày cũng chỉ được trên dưới 100 kí lô gam. “Tiêu thụ khó khăn, trong khi sản phẩm không thể “neo” lại nên giá mướp đã giảm xuống chỉ còn 3.000 đồng/kg”, ông Duy nói.

Còn tại diễn đàn trực tuyến nêu trên, ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết đến thời điểm hiện tại địa phương đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích lúa hè thu, còn lại khoảng 140.000 héc ta với sản lượng khoảng 800.000 tấn sẽ thu hoạch trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Thọ, các kho thu mua ngoài tỉnh như của Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) giảm nhập vào nên tình hình tiêu thụ bị chậm lại. “Khó khăn này xuất phát từ yêu cầu phòng chống dịch nên công nhân không muốn làm vì đi lại không được”, ông nói.

Ông Thọ cho rằng hoạt động sản xuất nên được xem là thiết yếu để tạo thuận lợi trong di chuyển cho thu hoạch và tái đầu tư sản xuất. “Bởi, nếu chậm trễ sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nông dân, thậm chí làm đứt gãy hoạt động xuống giống vụ thu đông, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa”, ông giải thích.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết có một số địa phương khi nông dân chuẩn bị ra đồng thì phòng nông nghiệp lập danh sách để các trạm kiểm soát dịch bệnh cho phép di chuyển. Ông Nam gợi ý, An Giang có thể nghiên cứu lập danh sách, nhất các hợp tác xã để duyệt tổng thể, đề xuất tạo điều kiện thuận lợi.

Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, 2 tháng tới, nếu dịch vẫn kéo dài sẽ rất nguy hiểm, bởi địa phương sẽ vào vụ thu hoạch dừa, trong khi người làm nghề mang tính truyền thống cần di chuyển nên chúng tôi đang rất lo ngại.

Tại tỉnh Hậu Giang, địa phương này quy định chủ máy gặt đập liên hợp, tài xế, nhân công thu gom nông sản khi đi vào vùng thu hoạch của địa phương phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong 72 giờ, kể cả trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.

Theo phản ánh của người dân, đây là quy định gây nhiều khó khăn bởi việc thu hoạch nông sản, nhất là thu hoạch lúa, thường kéo dài, có khi cả nửa tháng mới xong một cách đồng, trong khi thời gian hiệu lực giấy xét nghiệm quá ngắn (72 giờ), dẫn đến người dân phải tốn kém làm xét nghiệm nhiều lần, cho nên họ rất ngại vào những vùng có quy định như vậy để thu hoạch nông sản.

Ông Trần Tấn Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết giữa tháng 8 và tháng 9 tới, địa phương sẽ vào đợt cao điểm thu hoạch lúa hè thu với diện tích 141.000 héc ta, sản lượng dự kiến khoảng 800.000 tấn.

Tuy nhiên, theo ông Phương, các ghe thu mua của thương lái hiện rất khó vào địa phương do các tỉnh phía ngoài không cho qua. “Do đó, nên áp dụng, nếu có giấy giới thiệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho ghe đi qua các tỉnh để thông thương hàng hóa”, ông đề nghị. Ông Phương cho biết địa phương cũng đã có văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) để giới thiệu thành viên hỗ trợ Sóc Trăng thu mua lúa gạo.

Các đại biểu tham dự diễn đàn trực tuyến đồng tình cần tháo gỡ nút thắt trong di chuyển để tạo thuận lợi nhất cho việc thu hoạch, tiêu thụ nông sản ngay trên đồng ruộng cho người dân. Bởi, nếu tắc nghẽn ở khâu này, thì dù các khâu khác được tháo gỡ vẫn có nguy cơ gây “đứt gãy” chuỗi cung ứng hàng hóa.

Đến quy định hàng thiết yếu và chuỗi bán lẻ

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nếu trường hợp siêu thị có F0 thì phải buộc tạm dừng một tuần để phun khử trùng, trong khi thực tế chỉ cần 24 giờ là xong. “Hệ thống các siêu thị mong muốn là trường hợp khi có F0 đóng cửa, thì trong vòng 24 giờ hoặc chậm nhất là 72 giờ phải cho mở cửa lại”, bà Hậu đề xuất. Ngoài ra, việc yêu cầu 3 ngày "test" nhân viên 1 lần cũng khiến chi phí đội lên rất nhiều nên cần có giải pháp để tháo gỡ.

 Trường hợp siêu thị có F0 phải một tuần sau mới được phép mở bán trở lại cũng gây khó cho các nhà bán lẻ. Ảnh: Huỳnh Kim

Trường hợp siêu thị có F0 phải một tuần sau mới được phép mở bán trở lại cũng gây khó cho các nhà bán lẻ. Ảnh: Huỳnh Kim

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho rằng cần có chính sách thông thoáng đối với danh mục hàng hóa thiết yếu để tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cả trong nước lẫn xuất khẩu. “Chẳng hạn, nếu thùng giấy carton đứng một mình thì không được xem là hàng hóa thiết yếu. Thế nhưng, khi nhìn trong chuỗi cung ứng hàng hóa, nó là hàng hóa thiết yếu phục vụ đóng gói các sản phẩm”, ông giải thích.

Ông Huy cũng đề xuất lực lượng lưu thông ra ngoài đồng, tổ chức sản xuất, thu mua nông sản bên cạnh áp dụng mô hình 3 tại chỗ và 1 cung đường 2 điểm đến (áp dụng cho cả xe 2 bánh) thì cần được ưu tiên tiêm vaccine. “Nếu chúng ta đưa ra những quy định bó buộc, người dân không được đi làm, chẳng những gây đứt gãy chuỗi cung ứng mà nhiều khi còn phải cứu trợ, gây tốn kém cho xã hội”, ông nhận xét. Theo ông Huy, nếu sản xuất bị quên lãng, chỉ lo cung ứng, thì dự báo chỉ 2-3 tháng tới sẽ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

Bà Phạm Thị Lan, đại diện Saigon Coop miền Bắc, cho rằng tuyến bán lẻ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao nhưng chưa được tiêm vaccine đồng bộ, vì vậy, cần được quan tâm cho tuyến này. Đối với một số mặt bằng do trong quá trình phòng chống dịch bị ngưng kinh doanh như quán cà phê, có thể liên kết chuyển đổi thành các điểm bán hàng thiết yếu nhằm giảm áp lực cho các điểm bán hiện nay.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/318964/de-chuoi-cung-ung-hang-hoa-nong-san-khong-bi-dut-gay.html