Để có nhiều cán bộ dám nghĩ dám làm
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Lê Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - khẳng định, việc ban hành các quy định, quy chế khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển, tháo gỡ vướng mắc trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội...
PGS.TS Lê Văn Cường nói: "Tôi bắt đầu câu chuyện này từ tấm gương cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người cán bộ lãnh đạo đã có nhiều đóng góp rất lớn cho Đảng, cho cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến, đồng chí là cán bộ tiền khởi nghĩa, lăn lộn với chiến trường miền Nam. Đồng chí Sáu Dân được nhắc đến nhiều nhất ở thời kỳ trước và trong đổi mới.
Trước đổi mới, đồng chí đã thể hiện tinh thần dám nghĩ dám làm của người lãnh đạo. Chúng ta có thể dùng từ “xé rào” khi nói về đồng chí Sáu Dân. Khi đó ở TPHCM nhiều người dân lâm tình cảnh thiếu ăn, trong khi Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa thừa lương thực nhưng lại thiếu hàng tiêu dùng, nhiều nơi “ngăn sông cấm chợ”. Đồng chí Sáu Dân đã cho phép các cơ quan của thành phố mang hàng tiêu dùng xuống Đồng bằng sông Cửu Long đổi lấy lương thực. Đồng chí còn để lại dấu ấn với nhiều công trình lớn như thủy điện Trị An, thủy điện Thác Mơ, đường dây 500kV...".
Tinh thần dám nghĩ dám làm được thể hiện rõ khi đồng chí Sáu Dân làm Thủ tướng. Chúng ta phá được thế bao vây cấm vận của nhiều nước lớn. Năm 1991, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc; năm 1995 bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN. Năm 1996, chúng ta tuyên bố Việt Nam đã bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Có thể nói vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước khi đó đã để lại dấu ấn rất lớn trong phát triển đất nước. Trong đó, tinh thần dám nghĩ dám làm của đồng chí Võ Văn Kiệt có đóng góp quan trọng. Điều chúng ta cần rút ra đó là phải thực hiện thật tốt lời dạy của Bác: Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh! Ngay cả những công việc chưa được quy định, chưa đúng quy định mà thực sự vì lợi ích của nhân dân thì sẽ được ghi nhận.
Gắn với "xé rào"
- Thưa ông, mặc dù đã có nhiều chỉ đạo của Chính phủ nhưng không ít vướng mắc về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý chậm được tháo gỡ, sửa đổi như trong đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, trong đầu tư công... Điều gì khiến không ít cán bộ chưa dám nghĩ dám làm?
Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên là nhận thức. Chúng ta đã đề ra chủ trương sáu dám (dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khó khăn thử thách...), nhưng vấn đề là cần làm rõ thế nào được gọi là dám nghĩ dám làm? Nhận thức này nhiều người dường như vẫn chưa thống nhất. Chúng ta phải thống nhất với nhau một điểm: thường cái mới sẽ đi kèm với cái lạ. Tôi ví dụ như trước đổi mới, có “khoán chui” ở Đồ Sơn-Hải Phòng. “Khoán chui” tức là chưa được phép. Hội nghị tổng kết “khoán chui” trả lời câu hỏi đó là vì sao nông dân không sống được bằng 95% đất của hợp tác xã mà lại sống được bằng đất 5%, cái gì đang cản trở sự phát triển? Cuối cùng chúng ta tìm được giải pháp là phải khoán. Tuy nhiên, đã có những người phải trả giá về việc làm khoán như ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú.
Cái mới liệu có đi cùng cái lạ, đi cùng cái đúng không? Chúng ta phải chấp nhận phép thử vì cũng có cái mới chưa chắc đã đúng. Phương châm của Đảng tại Đại hội XIII vừa qua là đổi mới nhưng phải gắn với kiên định, kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng, với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chúng ta phải thống nhất rằng dám nghĩ dám làm sẽ gắn với “xé rào”, gắn với sự thay đổi.
Tôi lấy ví dụ như việc đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc cho các bệnh viện. Vừa qua hàng loạt vụ việc bị xử lý vì vi phạm quy định đấu thầu do thông thầu, móc ngoặc với nhau, đấu thầu hình thức. Điều đó nói lên thực trạng gì? Chúng ta thấy có không ít quy định của Nhà nước chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ làm cho người cán bộ có muốn làm tốt cũng không dám làm. Có những quy định còn thiếu, chưa đủ cơ chế, quy chế bảo vệ cán bộ dám nói, dám nghĩ dám làm.
Lần đầu tiên tôi thấy Quy định 69 đưa ra xử lý hành vi thờ ơ vô cảm, bàng quan thiếu trách nhiệm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Tôi quan sát thấy có 3 dạng cán bộ: cán bộ thực sự năng động, dám nghĩ dám làm; một bộ phận bị suy thoái đạo đức, lối sống; một bộ phận “trung dung” hay như cách gọi của Lê Nin là “phái giữa”, tức là ngả nghiêng dao động, gió chiều nào che chiều ấy.
Để có nhiều hơn cán bộ dám nghĩ dám làm, theo tôi, cần có giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng tầm cán bộ lên. Liệu cán bộ có nhìn ra những yêu cầu để giải quyết, dám nghiên cứu sáng tạo trong công việc không hay chỉ làm việc kiểu máy móc đơn thuần. Bác Hồ đã nói muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Tức là cán bộ phải có tài, có năng lực, có tầm nhìn. Tôi ví dụ, chúng ta vừa chống dịch vừa mở cửa nền kinh tế với bên ngoài. Điều này biến nguy thành cơ, thể hiện tầm của người lãnh đạo trong phát triển kinh tế. Sơn La vừa qua phát triển cây ăn quả gắn với chế biến sâu đã tạo ra sự thay da đổi thịt, cải thiện cuộc sống của người dân...
Một gương sáng bằng trăm bài phát biểu hay
- Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” được đánh giá cao. Theo ông, làm gì để tạo ra thế hệ cán bộ dám nghĩ dám làm, vì lợi ích chung? Làm sao để Kết luận 14 thực sự đi vào cuộc sống?
Đảng đã ban hành Kết luận 14 về khuyến khích cán bộ năng động, dám nghĩ dám làm, Quy định 205 về kiểm soát quyền lực. Chúng ta cần thấm nhuần lời Bác dạy “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Chúng ta phải nhớ lại thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc và trong thời kỳ đầu đổi mới, chúng ta đã có những thế hệ cán bộ dám nghĩ dám làm, sẵn sàng ra trận không tiếc máu xương. Sinh viên nhiều trường đại học lớn xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận.
“Chúng ta thấy có không ít quy định của Nhà nước chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ làm cho người cán bộ có muốn làm tốt cũng không dám làm. Có những quy định còn thiếu, chưa đủ cơ chế, quy chế bảo vệ cán bộ dám nói, dám nghĩ dám làm...”.
PGS.TS Lê Văn Cường,
Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng
Trong thời kỳ hiện nay, đói nghèo, tụt hậu cũng là một loại giặc và chúng ta phải vượt qua thử thách để phát triển đất nước. Chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra cơ hội rất lớn cho đất nước. Nếu chúng ta coi trọng sự sáng tạo, biết huy động sức mạnh của nhân dân thì nhất định sẽ tạo ra sự phát triển. Đảng ta đã kêu gọi khát vọng về một đất nước hùng cường. Nghị quyết rất đúng nhưng mỗi địa phương, đơn vị phải tổ chức thực hiện ra sao để tạo ra cơm áo gạo tiền, tạo ra sự phát triển thực sự. Lấy hạnh phúc của người dân làm mục tiêu phấn đấu, làm thước đo hiệu quả cho bộ máy công quyền, cho mỗi cán bộ, công chức.
Để có cán bộ dám nghĩ dám làm, chúng ta cũng cần chăm lo tốt hơn cho đội ngũ cán bộ, công chức. Hoạt động kiểm tra giám sát việc thực thi công vụ cũng cần hiệu quả hơn. Ai làm tốt cần được khen thưởng, ai làm sai cần kịp thời xử lý nghiêm. Phát hiện sớm vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, góp ý. Người cán bộ dám nghĩ dám làm được đánh giá ghi nhận, được bổ nhiệm vị trí xứng đáng thì sẽ làm nhiều người khác nhìn vào mà noi theo. Một tấm gương có giá trị bằng hàng trăm bài phát biểu hay. Một vấn đề nữa đó là phải kịp thời có tổng kết thực tế rút kinh nghiệm. Thực tiễn là thước đo chân lý. Do vậy, cần tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, nói phải đi đôi với làm.
- Cảm ơn ông!
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-co-nhieu-can-bo-dam-nghi-dam-lam-post1505963.tpo