Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17
Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

Cờ Tổ quốc tung bay trên cầu Hiền Lương - Khát vọng thống nhất non sông
13 năm may cờ dọc giới tuyến
Ông Nguyễn Đức Lãng, trú tại phường 5, TP. Đông Hà, Quảng Trị, là người đã may, vá cờ Tổ quốc bên bờ Hiền Lương trong 13 năm khi đất nước chia hai bờ.
Kể lại những ngày khói lửa, ông Lãng cho biết, năm 1959 khi còn là một thanh niên, ông nhập ngũ và công tác tại Ban Hậu cần thuộc lực lượng Công an vũ trang Vĩnh Linh. “Ở đây, tôi đảm nhiệm việc may những lá cờ dọc giới tuyến từ Cửa Tùng lên vùng núi Hướng Lập, đặc biệt là lá đại kỳ treo ở cột cờ Hiền Lương”.

Ông Nguyễn Đức Lãng kể lại những năm tháng may cờ, vá cờ trong chiến tranh
Gia đình ông Lãng có truyền thống nghề may, nên được hướng dẫn cách may quần áo từ nhỏ. Khi nhập ngũ, lấy thế mạnh làm nhiệm vụ, ông xin phụ trách may cờ và vá cờ hư hỏng do thời tiết khắc nghiệt, bom đạn khói lửa.
Trong 13 năm công tác, ông Lãng không nhớ đã may bao nhiêu lá cờ. Riêng đối với lá đại kỳ treo bên bờ Hiền Lương, khi mới bắt đầu ông may mất 7 ngày, với chiều rộng đến 96m2. Sau dần, người lính trẻ cố gắng hoàn thiện chỉ trong 3 ngày.
Công việc may vá tưởng chừng nhẹ nhàng, nhưng lại nguy hiểm và gian khổ không chừng trong thời điểm chiến tranh khốc liệt. Khi ấy, mọi hàng hóa đều phải thông qua tem phiếu, hoạt động đánh phá ác liệt của địch khiến đường liên lạc với thủ đô không liên tục. Ông Lãng phải đạp xe ra Hà Nội 2 lần mỗi năm để trình kế hoạch xin vải về may cờ, mỗi chuyến đi mất khoảng 5 ngày.

Những người vá cờ nơi đôi bờ cầu Hiền Lương - sông Bến Hải. Ảnh tư liệu tại nhà trưng bày "Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất”
“Có đoạn, tôi và một chiến sĩ khác đang đi thì gặp bom đạn của địch, phải lao ngay xuống ruộng để tránh. Hết bom bò dậy tìm nhau, kiểm tra tình hình ổn không mới xốc hành trang đi tiếp. Chiến tranh mà, cái chết bình thường lắm”, ông Nguyễn Đức Lãng cho hay.
Đến khâu may cờ, có thời gian cả trụ sở Công an vũ trang Vĩnh Linh phải đi sơ tán; tìm đến nhà dân và đào hầm trú ẩn, lựa chỗ gần bụi tre, trải vải may cờ; để màu xanh của tre giấu màu đỏ của cờ từ hầm ánh lên...
“Đấu cờ” bên bờ Hiền Lương
Cũng từ nhiệm vụ may cờ, vá cờ hư hỏng, đồng đội và ông Lãng có thể chiến đấu với quân địch bằng những trận chiến đặc biệt - “đấu cờ”.
Khi Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17 thuộc huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời trong thời gian chờ cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Cầu Hiền Lương (phía bờ Bắc) sau ngày hòa bình lập lại năm 1954. Ảnh tư liệu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Tuy nhiên, tháng 7.1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đã xé bỏ Hiệp định Geneva, tuyên bố “khóa tuyến”, không Hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất. Từ đó, cầu Hiền Lương trở thành biên giới 2 miền Nam - Bắc Việt Nam, kéo dài 20 năm bom đạn khói lửa với khát vọng thống nhất non sông của cả dân tộc Việt Nam. Trong thời gian ấy, những chiến sĩ như ông Nguyễn Đức Lãng, đã chiến đấu để bảo vệ lá cờ trong cuộc “đấu cờ” bên bờ Hiền Lương.
Từ cả ký ức đồng đội đi trước, ông kể, năm 1954, chuẩn bị cho Lễ Quốc khánh đầu tiên, cấp trên yêu cầu một cột cờ để bà con qua lại hai miền "cùng nhìn thấy Tổ quốc". Một tổ công tác đặc biệt được thành lập để lên rừng chặt cây gỗ phi lao cao 12m về dựng cột.
Đúng sáng 2.9, lá cờ đỏ sao vàng kích thước 3,2x4,8m (thời gian này hầu hết đồn trạm dọc bờ Bắc giới tuyến đều treo cờ 0,8-1,2m) đã tung bay hiên ngang, để người dân tin vào ngày đoàn viên, thống nhất hai bờ.
Trước cột cờ cao 12m, quân Pháp tức tối liền cho cắm cờ của chúng lên nóc lô cốt cao 15m tại làng Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Đáp lại, các chiến sĩ của quân ta lại vào rừng tìm được cây gỗ cao hơn, dựng cột cờ 18m về thay theo yêu cầu của bà con.

Trong những năm chia cắt hai miền, lá cờ Tổ quốc tung bay tại bờ bắc Vĩ tuyến 17 như biểu tượng của ý chí, niềm tin và khát vọng thống nhất
Thời gian sau, địch lại cho xây dựng một kỳ đài bằng xi-măng cốt thép kiên cố có chiều cao 30m, trên đỉnh treo cờ Việt Nam Cộng hòa có đèn neon. Lúc này, do bị “khóa tuyến”, bà con bờ Nam tìm cách nhắn sang bờ Bắc yêu cầu chiến sĩ ta tìm mọi cách để cột cờ bờ Bắc cao hơn.
Quân ta lại dựng một cột cờ cao 34,5m. Chính quyền ở bờ Nam khi ấy vội vàng tôn cột cờ cao lên 35m. Với sự điều động của Hà Nội, một cột cờ do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam gia công và vận chuyển vào Hiền Lương đã được dựng lên cao 38,6m vào năm 1962. Và cuộc “đấu cờ” dừng lại ở đây.
Hơn 50 năm đã trôi qua, ông Lãng vẫn bùi ngùi mỗi dịp tháng 4: “Tôi nhìn thấy trong hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên cột cờ giới tuyến Hiền Lương là hình bóng thanh xuân tôi và đồng đội, những người đã không ngại gian nguy, quyết hy sinh cả tính mạng để cờ Tổ quốc không ngừng bay”.