Để con an toàn trên không gian mạng

Trẻ cần được hướng dẫn kiến thức, kỹ năng để khai thác thông tin mạng an toàn. Ảnh minh họa: Internet

Ngày 16/3, Thanh tra Sở TT-TT tỉnh Bình Dương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với bà N.T.H.T (SN 1992, trú tỉnh Bình Dương) là chủ nhân của các kênh TikTok, YouTube Thơ Nguyễn. Trước đó, YouTuber Thơ Nguyễn đã đăng trên mạng video dạy trẻ em “xin vía học giỏi búp bê ma kumanthong” có nội dung cổ xúy mê tín dị đoan khiến nhiều phụ huynh và người xem phản ứng, lên án kịch liệt.

Video nói trên của Thơ Nguyễn chỉ là một trong rất nhiều video có nội dung độc hại xuất hiện trên mạng lâu nay. Nội dung chủ yếu của các video này là những thông tin nhảm nhí, phản khoa học, sai sự thật, không phù hợp thuần phong mỹ tục. Thậm chí, còn “dạy” trẻ làm theo trò chơi nguy hiểm đến tính mạng. Đó là trường hợp bé V.T.D (5 tuổi, ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh).

Vào lúc 14 giờ 10 ngày 12/10/2020, D ở nhà với ông bà ngoại trong khi ba mẹ đi làm. Học theo trò chơi trên YouTube, bé đã lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ rồi tự treo cổ mình!... Dù cơ quan chức năng và cộng đồng mạng tiến bộ đã phát hiện, ngăn chặn, tháo gỡ, xóa bỏ nhưng tình hình lan tràn các video xấu vẫn chưa được cải thiện triệt để.

Vì thế mới đây, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) Hoàng Minh Tiến cho biết trong tháng 4 tới, cục sẽ thiết lập mạng lưới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Ông kêu gọi sự tham gia rộng rãi, mạnh mẽ của cộng đồng nhằm cùng kịp thời nhận diện, lên tiếng, phanh phui để đẩy lùi, tiến tới giảm thiểu những nội dung xấu độc trên không gian mạng.

Thẳng thắn mà nói, hiện nay vẫn còn rất nhiều phụ huynh giao điện thoại thông minh, tivi, iPad cho con trẻ, mặc cho chúng muốn xem gì thì tùy thích. Vì vậy lâu dần, trẻ đâm ra “nghiện” các video, clip chứa đựng các nội dung, thông tin hấp dẫn nhưng nguy hại và hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển thể chất, tinh thần, đó là chưa kể nguy cơ mắc các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị.

Anh Nguyễn Văn Hà (khu phố Lê Thành Phương, phường 8, TP Tuy Hòa) cho biết: Chính thói quen “vô tư” này của phụ huynh đã tạo điều kiện cho trẻ ngày càng “đắm đuối” với màn hình điện thoại. Cái cảnh em bé mầm non, vừa xem clip vừa há miệng chờ mẹ đút từng muỗng cơm đâu phải là hiếm gặp hôm nay!

Để con trẻ có thể an toàn khi tiếp cận không gian mạng, bên cạnh các giải pháp quyết liệt của cơ quan nhà nước phòng, chống video, clip xấu độc trong thời gian tới, rõ ràng, các bậc phụ huynh cần tích cực tham gia cùng chính quyền theo cách của mình. Theo các chuyên gia an ninh mạng, muốn vậy, mỗi phụ huynh phải quán triệt và thực hiện tốt phương châm: “Kiểm soát - Đồng hành - Chia sẻ”. Kiểm soát không phải là cấm tiệt mà phụ huynh cần hạn chế, quy định cụ thể thời gian sử dụng điện thoại của con sao cho phù hợp với việc học và vui chơi hàng ngày.

Đồng hành là cha mẹ cần tạo thói quen cùng con vào mạng, xem, phân tích, bình luận các video thích hợp với lứa tuổi, qua đó định hướng những nội dung lành mạnh, bổ ích cho sự phát triển kiến thức và nhân cách của trẻ. Bên cạnh đó cần khuyến khích và tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động ngoài trời như tập thể dục, dạo chơi nơi công viên, trồng cây, làm vườn, tham gia các buổi ngoại khóa… Qua đó giúp con trẻ trải nghiệm cuộc sống, rèn luyện sức khỏe tốt hơn, cũng là nâng cao khả năng tự phòng vệ, tự miễn dịch trước cái xấu tồn tại trên mạng cũng như ngoài xã hội.

Một khi phụ huynh còn thờ ơ, phó mặc cho con trẻ tự do lang thang trên mạng thì trẻ ắt sẽ gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm. Khi ấy có muốn cứu vãn tình hình e rằng cũng đã quá muộn màng, đau xót!

TRƯƠNG LƯƠNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/253722/de-con-an-toan-tren-khong-gian-mang.html