Để con biết tôn trọng sự 'lẩm cẩm' của cha mẹ
Những cảm xúc của trẻ được tôn trọng, cha mẹ sẽ dễ dàng nắm bắt được tâm tư, tình cảm của con. Điều này giúp trẻ trưởng thành, biết tôn trọng sự 'lẩm cẩm' của cha mẹ lúc về già.
“Không, con phải buồn chứ!”
Chị Linh Phan, tác giả cuốn sách “Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu” chia sẻ câu chuyện: “Một tối, trước khi ngủ, mình nói với con “Ốc này, đợt tới nếu mình chuyển nhà đi, con không còn học ở trường hiện tại nữa, con đừng buồn nhé!”. Bạn ấy trả lời: “Không, con phải buồn chứ!”.
Khi đó, chị Linh Phan mới giật mình, sao lại nói con đừng buồn. Buồn đâu phải là một cảm xúc xấu. Một đứa trẻ cũng như người lớn, hoàn toàn có thể vui, có thể buồn, có thể khóc lóc hoặc vô cùng nhạy cảm. Và làm cha mẹ đâu phải là chỉ ở bên con hay chấp nhận khi con là đứa trẻ vui vẻ.
Stanley Greenspan, Giáo sư tâm lý lâm sàng và nhi khoa ở Đại học Y khoa George Washington, là một trong những chuyên gia hàng đầu trong việc triển khai các phương tiện chẩn đoán bao gồm danh mục các “cột mốc” tăng trưởng tâm lý ở tuổi từ 3 tháng đến 18 tháng. Nó giúp các thầy thuốc nhận diện những đứa bé có nguy cơ bị tự kỷ, gặp khó khăn về ngôn ngữ, về học tập và cả một loạt những vấn đề khác.
GS Stanley Greenspan nhận thấy, nhiều loại cảm xúc của con người, trong đó có sự sợ hãi và vui vẻ đã có được từ khi lọt lòng mẹ. Tuy nhiên, từng thời kỳ chúng thay đổi khác nhau.
Khi được 3 tháng tuổi, trẻ sơ sinh bắt đầu phát triển những phản ứng dè dặt và tỏ ra thân thiện, cười vui vẻ với nhiều người xung quanh. Khi được 5 - 6 tháng tuổi, lúc này trẻ được tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài và bày tỏ những cảm xúc như ngạc nhiên, vui sướng và thất vọng lẫn lộn.
Đến 10 tháng tuổi là thời điểm trẻ bắt đầu dõi theo những ánh mắt của cha mẹ để xem xem họ cũng đang nhìn gì ở chúng. Khi được 18 tháng tuổi, trẻ bắt đầu biết tự nhận thức, và có thể thu nhận những cảm xúc phức tạp như tự hào và cứng đầu…
Như vậy, trẻ nhỏ có cảm xúc từ giai đoạn sơ sinh đến khi trưởng thành. Những cảm xúc đầu tiên được nhận thấy ở trẻ gồm có vui thích, giận dữ, buồn phiền và sợ hãi. Dần dần, những cảm xúc bắt đầu phát triển phức tạp hơn như chán nản, ngạc nhiên, tự tin, khinh thường, hứng thú, ngượng ngùng, xấu hổ, tội lỗi, tự hào và thông cảm.
Đối với trẻ tiểu học vẫn đang trong giai đoạn học cách nhận dạng các cảm xúc, học cách hiểu vì sao chúng diễn ra và cách nào để quản lý chúng một cách phù hợp. Khi trẻ lớn lên, những yếu tố có thể kích thích các phản hồi về mặt cảm xúc sẽ thay đổi, do vậy những cách mà trẻ dùng để quản lý cảm xúc cũng thay đổi theo.
Theo các chuyên gia, cảm xúc của trẻ nhỏ phần lớn bao gồm những phản ứng về thể chất và hành vi. Sau trẻ sẽ phát triển khả năng nhận biết cảm nhận của mình.
Cảm xúc của trẻ cũng dần bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của chúng. Trẻ hiểu rõ hơn cảm nhận của bản thân, cũng như có thể nhận biết và hiểu được cảm xúc của người khác. Do đó, phản ứng cảm xúc của một trẻ 10 tuổi có thể sẽ phức tạp hơn nhiều so với trẻ 3 tuổi.
Cảm xúc của trẻ cần được tôn trọng
Sống nhiều năm ở Na Uy, chị Linh Phan luôn quan sát cách phản ứng của các ông bố, bà mẹ nước này trước những cảm xúc của trẻ nhỏ. Chị thấy không có gì lạ khi họ ngồi xuống ngang hàng với con mình để nói chuyện, khi họ ôm và vỗ về những đứa trẻ và nhìn vào mắt chúng khi nói.
Tất cả chỉ để một đứa trẻ có cảm giác rằng, cảm xúc của chúng là quan trọng, chúng đang được lắng nghe và an toàn.
Từ chính những trải nghiệm làm mẹ của mình, chị Linh Phan cho rằng, làm cha mẹ phải chấp nhận mọi cảm xúc của con mình. Vì vậy, chị rất tôn trọng những cảm xúc cũng như suy nghĩ của con mình.
“Đôi khi chúng ta không để tâm vào những gì mình nói hay mình làm. Đơm giản vì nghĩ rằng việc đó không quan trọng, không gây ảnh hưởng gì, hoặc là vì chúng ta cũng đã từng được đối xử như vậy trong quá khứ và chúng ta làm nó như một thói quen”, chị Linh Phan nói.
“Hãy hiểu rằng, làm cha mẹ có nghĩa là ở bên con, với tư cách một người đồng hành, hỗ trợ, đồng cảm, hướng dẫn. Kể cả trong những tình huống khó khăn nhất, và khi con trải qua những cảm xúc lớn lao nhất. Không phải với tư cách một người ra lệnh, áp đặt, trách móc và khiến đứa trẻ ngầm hiểu rằng chúng sẽ chỉ được yêu nếu chúng ngoan ngoãn, vâng lời răm rắp hay vui vẻ”, chị Linh Phan chia sẻ.
“Con trai kêu buồn nhưng không hiểu sao mình lại thấy vui vui. Bởi lẽ, đây là điều vợ chồng mình đã dạy cho Tee từ khi con còn là một đứa trẻ: Bố mẹ hoàn toàn tôn trọng cảm xúc của con và mong muốn con nói ra cảm xúc đó”, đó là chia sẻ của mẹ Tee - chị Trương Thùy Chi, tác giả cuốn sách “Xắn tay áo lên làm cha mẹ”.
“Nếu bạn không tôn trọng cảm xúc của con khi con còn là một đứa trẻ, đừng hỏi tại sao khi chúng ở tuổi vị thành niên lại “lì lợm, khó bảo, hay không biết vâng lời”. Đó chỉ là hệ quả của việc ngày xưa, chính bố mẹ cũng phản ứng như vậy với cảm xúc của bọn trẻ.
Cha mẹ hãy khuyến khích con, dù là con gái hay con trai, con vui thì hãy cười, con buồn có thể khóc, cảm thấy không thoải mái thì hãy nói ra… Dẫu thế nào, bố mẹ cũng sẽ luôn ở đây, ngay bên cạnh con.
Vì vậy, các cha mẹ hãy để trẻ được thoải mái bộc lộc cảm xúc của mình. Khi cảm xúc của chúng được tôn trọng, cha mẹ sẽ dễ dàng nắm bắt được tâm tư con, thuận lợi nuôi dạy và giúp chúng trưởng thành biết tôn trọng sự “lẩm cẩm” của cha mẹ lúc về già, biết tiết chế và ứng xử đúng mực để thành công”, ThS Đinh Thị Thu Hoài - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Kĩ năng sống Insight nhận định.