Để con trẻ biết quan tâm, chia sẻ với mọi người
Để con trẻ biết quan tâm, chia sẻ với mọi người là 1 điều không đơn giản. Đó là một quá trình rèn giũa lâu dài, bắt đầu từ những định hướng của cha mẹ khi con còn nhỏ.
Mỗi đứa trẻ được sinh ra mang theo bao nhiêu yêu thương và kỳ vọng của cha mẹ. Nhưng chính vì được nhận những yêu thương chăm sóc vô điều kiện ấy nên đôi khi có nhiều trẻ coi đó là đương nhiên và không cần sẻ chia đáp trả. Vì vậy, ngay từ nhỏ việc dạy cho con biết quan tâm chia sẻ là một vấn đề vô cùng quan trọng và cấp thiết. Tuy nhiên, để sự quan tâm và sẻ chia trở thành đức tính tốt đẹp ở trẻ thì không phải phụ hy unh nào cũng có cách.
Thực tế có nhiều trường hợp phụ huynh đau đầu vì hàng ngày vẫn nghe “điệp khúc” tranh giành của trẻ. Càng lớn lên con càng có xu hướng thích giành phần hơn của mọi người từ những người trong gia đình như: người thân, anh chị em bạn bè ở trường.
Bên cạnh đó không ít bậc cha mẹ mang tâm lý rằng sẻ chia, nhường nhịn sẽ chịu thiệt thòi nên đôi khi sẽ lờ đi khi nhìn thấy dấu hiệu tranh giành và nghĩ rằng đó chỉ là chuyện trẻ con.
Thế nhưng trong quá trình trưởng thành khi tranh giành và khao khát sở hữu trở thành thói quen trẻ sẽ mất dần khả năng kiên nhẫn, không biết chờ đợi. Về lâu dài sẽ hình thành cho trẻ tính ích kỷ và sống thiếu kết nối với cộng đồng. Vì vậy nếu trẻ hiểu được ý nghĩa của sự sẻ chia và không sẵn lòng để sẻ chia thì người thiệt thòi không ai khác chính là trẻ.
Tuy nhiên cách dạy con biết thấu hiểu và biết quan tâm chia sẻ yêu thương mọi người xung quanh không hề là chuyện đơn giản đối với các bậc phụ huynh. Sau đây là những gợi ý để các bậc phụ huynh có thể cùng con sống chan hòa và chia sẻ.
Luôn để trẻ cảm thấy được yêu thương và chia sẻ
Cha mẹ hãy quan tâm đến suy nghĩ, tình cảm, lắng nghe ý kiến, tâm sự của chúng, không để trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, hướng dẫn giải pháp hiệu quả cho trẻ khi trẻ gặp phải vấn đề nào đó, để ý đến những sở thích của trẻ,… khi trẻ cảm nhận được tình yêu thương và hạnh phúc với sự yêu thương, quan tâm của người khác thì trẻ sẽ hình thành được tính cách biết yêu thương bố mẹ và những người đã yêu thương chúng.
Dạy, khích lệ trẻ biểu hiện sự yêu thương và chia sẻ bằng hành động
Con trẻ sẽ không hiểu nếu cha mẹ chỉ nói với trẻ rằng cần phải yêu thương và quan tâm đến mọi người.
Vì vậy, cha mẹ hãy hướng dẫn cho con thể hiện nó qua những hành động cụ thể như: Biết nghe lời cha mẹ, chăm ngoan học giỏi, phụ giúp việc nhà chính là yêu thương quan tâm đến cha mẹ, biết kính trọng người lớn tuổi, biết nhường nhịn cho em nhỏ, biết sẻ chia với bạn bè, biết giúp đỡ người gặp khó khăn, biết quan tâm, hỏi han người khác khi ốm đau, mệt nhọc,…
Và có điều kiện thì hãy cùng con tham gia 1 số hoạt động thiện nguyện để con có dịp trải nghiệm.
Dạy con biết làm việc nhà
Tập cho trẻ biết phụ giúp gia đình từ những công việc thường ngày sao cho phù hợp với trẻ như: phụ mẹ quét nhà, dọn dẹp đồ chơi, rửa bát, mua đồ dùng tạp hóa…
Không nên quá nuông chiều con sẽ khiến chúng dựa dẫm vào cha mẹ và những người xung quanh.
Bạn nên giao việc cho trẻ một cách khéo léo và hướng dẫn làm từng chút một, có như vậy bé mới cảm thấy đó là một công việc ý nghĩa và hoàn thành thật tốt. Được tham gia làm cùng bố mẹ những công việc như vậy trẻ mới có thể cảm nhận phần nào tình yêu thương qua sự vất vả hằng ngày của bạn mà có thái độ quan tâm đúng mực.
Khích lệ chứ đừng bắt buộc hay áp đặt
Cần giao việc cho trẻ một cách khéo léo và hướng dẫn làm từng chút một, có như vậy bé mới cảm thấy đó là một công việc ý nghĩa và hoàn thành thật tốt. Có thể những ngày đầu bé sẽ không thích, chớ áp đặt hay ra lệnh, điều đó sẽ khiến cho mọi thiện chí của cha mẹ đều bị bác bỏ. Phương pháp hiệu quả nhất là mềm mỏng và kiên nhẫn.
Quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh
Đầu tiên là với những người gần gũi với bé như ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình, sau đó mở rộng sự quan tâm, chia sẻ đến thầy cô, bạn bè, anh chị họ, bà con xa, hàng xóm… Trong bất kỳ trường hợp nào có thể, như đi trên đường thấy người bán vé số, người nhặt ve chai hay chú công an điều khiển giao thông, tài xế taxi… hãy chia sẻ với trẻ về công việc và sự vất vả của họ.
Tuyên dương đúng lúc, khen thưởng kịp thời khi bé làm điều tốt
Cha mẹ có thể dành lời khen cho trẻ dựa vào hành động hoặc một sự việc nào đó trẻ đã làm một mình hoặc cùng bạn làm. Hành động không cần có kết quả tốt nhất, chỉ cần có sự cố gắng của trẻ. Lúc này, lời khen sẽ có hiệu quả cho khả năng nỗ lực và động lực phát triển.
Đi từ cảm xúc của bé khi làm một việc tốt rồi đưa ra bài học ứng xử cho bé sẽ dễ dàng hơn là bạn chỉ cứng nhắc giảng đạo lý hoặc lý thuyết suông.
Cha mẹ nên làm tấm gương cho trẻ
Hãy thể hiện sự kính trọng, tình yêu thương đối với bố mẹ, hãy chia sẻ khó khăn với những người có hoàn cảnh cơ nhỡ, thiếu thốn, hãy giúp đỡ những người gặp phải tình huống bất trắc, bạn tin không, trẻ sẽ học theo bạn rất nhanh đấy. Sự yêu thương con cái và mở lòng với những người xung quanh của bậc cha mẹ sẽ giúp trẻ cảm nhận và bắt chước những hành động đó.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho trẻ đi cùng những dịp thăm hỏi bạn bè, họ hàng để trẻ thấy sự thân thiết của người lớn với nhau và hướng dẫn trẻ chúc mừng, làm quà đơn giản tặng ông bà vào lễ tết, ngàykỉ niệm nào đó… Nên khuyến khích và khen ngợi trẻ khi trẻ ứng xử đúng và đối xử tốt với bạn bè hay người xung quanh. Điều này tuy đơn giản nhưng lại giúp nuôi dưỡng tình yêu thương của trẻ.