Để cộng tác viên dân số gắn bó với công việc

Nhiều năm gắn bó với các bản làng vùng cao, những cộng tác viên dân số luôn cần mẫn trong vai trò là tuyên truyền viên, tích cực đưa chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đến gần người dân hơn.

Bước sang năm thứ 23 làm cộng tác viên dân số ở thôn Sàng Chải, xã Tung Chung Phố (huyện Mường Khương), ông Giàng Seo Hồ vẫn một lòng với công việc. Ông nói về các chương trình y tế, dân số một cách am tường khiến chúng tôi cảm nhận rất rõ tâm huyết của ông với nghề. “Thôn Sàng Chải có 100% đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, việc vận động bà con trong thôn thực hiện kế hoạch hóa gia đình rất khó, cha mẹ chưa quan tâm nhiều đến sức khỏe của trẻ nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn cao... Gia đình tôi luôn làm gương và vận động chính anh em, hàng xóm mình thực hiện trước. Tôi còn phối hợp với trưởng thôn, chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên trong thôn cùng vận động, tuyên truyền cho bà con về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần, mọi người trong thôn hiểu và chung tay thực hiện” - ông Hồ cho biết.

Cộng tác viên dân số đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền.

Cộng tác viên dân số đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền.

Năm 2017, sau khi tham gia lớp đào tạo y tế thôn, bản trong 6 tháng, chị Vũ Thị Liên, thôn Páo Tủng, xã Tung Chung Phố trở về làm việc và kiêm thêm nhiệm vụ cộng tác viên dân số. Ban ngày, chị làm đồng áng, làm thuê, tối đến, khi có công việc cần triển khai, chị đến từng hộ tuyên truyền. Chị Liên cho biết: Ngày 28 hằng tháng, tôi tham gia cuộc họp giao ban tại xã để báo cáo công việc, nhận nhiệm vụ mới. Ngoài ra, cán bộ Trạm Y tế xã cũng thường xuyên phân công công việc qua điện thoại. Ở Páo Tủng chủ yếu là dân tộc Bố Y, những năm trước, các bà mẹ còn chưa biết cách chăm sóc con nhỏ, tôi thường tổ chức những buổi hướng dẫn tô màu bát bột, vận động bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, phụ nữ mang thai đi khám, tiêm phòng... Tham gia công việc này cũng giúp tôi gần gũi với bà con, được mọi người yêu mến nên khi triển khai công việc, bà con đều thực hiện theo.

Công tác y tế - dân số ở Tung Chung Phố trong những năm gần đây có nhiều đổi thay, đặc biệt là tình trạng tảo hôn, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từng năm, nhiều năm trên địa bàn xã không có trường hợp ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh lớn xảy ra... Thành quả này có đóng góp không nhỏ của đội ngũ cộng tác viên dân số.

Tuy nhiên, điều mà Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tung Chung Phố Vàng Thị Hoa trăn trở là đội ngũ y tế thôn, bản kiêm nhiệm công tác cộng tác viên dân số có phụ cấp rất thấp, nên họ không mấy mặn mà với nghề, cán bộ Trạm Y tế xã phải thường xuyên động viên, khuyến khích họ.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.553/1.561 thôn, bản, tổ dân phố có cộng tác viên dân số hoạt động. Họ là người địa phương, am hiểu phong tục, tập quán, có kiến thức, kỹ năng tuyên truyền... bởi vậy, đã hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn rất nhiều trong việc triển khai công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là những địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Có thể kể đến những công việc mà đội ngũ cộng tác viên dân số đảm nhiệm như tuyên truyền, vận động về công tác dân số, vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân trong địa bàn quản lý; cung cấp một số biện pháp tránh thai đến từng gia đình. Họ cũng có trách nhiệm thực hiện chế độ ghi chép ban đầu, thu thập số liệu, lập báo cáo định kỳ và đột xuất về dân số theo quy định hiện hành; cung cấp số liệu cho trạm y tế cấp xã, lập các sơ đồ và biểu đồ, quản lý số hộ tại địa bàn quản lý...

Trên địa bàn tỉnh còn 8 thôn chưa có cộng tác viên dân số hoạt động, trong đó, tại xã Trì Quang (huyện Bảo Thắng), 2 thôn xa, khó khăn nhất là Cầu Nhò và Làng Đào chưa có nhân lực này. Trong nhiều năm qua, các trưởng thôn, bí thư chi bộ ở 2 thôn trên đã hỗ trợ trạm y tế triển khai các chương trình y tế, dân số. Trạm Y tế xã Trì Quang cũng khắc phục bằng cách cử cán bộ y tế phụ trách thôn thường xuyên xuống cơ sở.

Ông Đỗ Sỹ Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: Phụ cấp của cộng tác viên dân số rất thấp, chỉ 100.000 đồng/người/tháng; y tá thôn, bản kiêm cộng tác viên dân số chỉ được hưởng phụ cấp theo quy định là 1/2 mức lương cơ bản, tương đương 745.000 đồng/người/tháng, không được hỗ trợ thêm. Chế độ đãi ngộ thấp, đầu việc tăng, dẫn đến cộng tác viên không yên tâm làm việc. “Thiếu cộng tác viên, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, như thu thập thông tin bị gián đoạn, công tác tuyên truyền không được triển khai. Chúng tôi đề xuất tăng phụ cấp và có chính sách khuyến khích, động viên kịp thời cho đội ngũ cộng tác viên dân số để họ yên tâm, gắn bó với công việc” - ông Hùng nói.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360045-de-cong-tac-vien-dan-so-gan-bo-voi-cong-viec