Để 'cửa sổ tâm hồn' luôn khỏe đẹp
Cuộc sống hiện đại, công việc học tập nhiều áp lực, môi trường ô nhiễm… khiến các bệnh về mắt ngày càng nghiêm trọng và gia tăng. Để giảm bớt tình trạng này, nhiều yêu cầu đang được đặt ra.
Theo số liệu của Ủy ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù lòa, Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay cho thấy đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ ...
Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc 15-20% ở nông thôn, 30-40% ở thành phố.
Phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt trung ương.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhãn khoa Việt Nam cho biết, thiếu nhân lực đi kèm thiếu trang thiết bị nhãn khoa, hậu quả là các dịch vụ nhãn khoa hiện rất thiếu và yếu, không đáp ứng được các yêu cầu chăm sóc mắt cộng đồng.... Người dân khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt, phải dồn lên các cơ sở tuyến trên, sinh ra quá tải bệnh viện. Đặc biệt, sự chủ quan và tùy tiện tra nhỏ thuốc của người bệnh hay những quan niệm sai về việc trì hoãn đeo kính khi mắc tật khúc xạ, không thăm khám mắt định kỳ, tự chữa mắt theo các phương pháp và quan niệm dân gian... gây ra vô số bệnh nặng, biến chứng, mùa lòa không thể cứu vãn.
Năm 2020 ngành mắt Việt Nam phấn đấu giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,5 người/1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người trên 50 tuổi suống dưới 16 người/1.000 dân; Tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể trên 2,5 người/1.000 dân, tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và chỉnh kính tật khúc xạ đạt trên 70%.
Để đạt được mục tiêu trên, sự nỗ lực của các bệnh viện chuyên khoa sâu là vô cùng quan trọng. Lãnh đạo Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, đã tổ chức nhiều đợt mổ thủy tinh thể nhân đạo tại các huyện bằng ô tô lưu động, vừa giải quyết số lượng bệnh nhân tồn đọng, vừa giúp cho công tác đào tạo bác sỹ địa phương. Số bệnh nhân được mổ đã lên đến 150.000 ca/năm, mổ miễn phí hoặc giảm phí cho khoảng 10.000 ca.
Khám mắt lưu động cho bà con Thái Bình
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phẫu thuật viên có tay nghề giỏi cũng được bệnh viện chú trọng. Hàng năm, bệnh viện mở trên 30 lớp với hàng trăm học viên. Bệnh viện còn liên kết, phối hợp đào tạo với nhiều đơn vị khác như Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học quốc gia, Học viện Y Dược học cổ truyền VN, Học viện Quân y, các Trường Cao đẳng và Trung cấp Y trên địa bàn Hà Nội. Chất lượng đào tạo không ngừng cải thiện nhờ có bộ máy chuyên nghiệp, giảng viên nhiều kinh nghiệm, trang thiết bị hỗ trợ hiện đại như phòng Wetlab, máy mô phỏng Silmulator…
Cần giảm chảy máu ngoại tệ chữa bệnh
“Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” “giàu hai con mắt khó đôi bàn tay” bởi vậy không ít người bệnh sẵn sàng ra nước ngoài, đổ hàng tỷ đồng cho việc chữa trị. Chi phí cho người bệnh đã tốn kém, lại còn người thân đi theo chăm sóc, bất đồng ngôn ngữ… khiến cho nhiều bệnh nhân lao đao. Để giảm thiểu tình trạng này, đồng thời hỗ trợ người bệnh có chi phí hợp lý khi điều trị, việc hiện đại hóa các bệnh viện mắt đang trở thành nhu cầu thiết yếu.
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, lãnh đạo bệnh viện cho biết, đến nay, Bệnh viện đã đưa vào áp dụng nhiều kỹ thuật nhãn khoa tiên tiến trên thế giới như nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị nhãn khoa, ghép giác mạc lớp, tán nhuyễn thủy tinh thể bằng siêu âm (phaco), cắt dịch kính không khâu 23G & 25G, điều trị bong võng mạc, điều trị lỗ hoàng điểm và màng trước võng mạc, laser nội nhãn, điều trị bệnh võng mạc trẻ đẻ non (ROP), laser Excimer điều trị các tật khúc xạ, đặt van dẫn lưu điều trị glôcôm....
Phẫu thuật Femto LASIK sử dụng laser femtosecond để tạo vạt giác mạc, không cần dao mổ là một vài trong số những tiến bộ nhãn khoa mới nhất được áp dụng tại bệnh viện. Cũng bằng Laser Femtosecond, phẫu thuật PHACO kính điển được cải biến thành kỹ thuật Femto Cataract gia tăng thêm tính chính xác, an toàn và hiệu quả cao hơn…
Dù vậy, để đạt được mục tiêu phòng chống mù lòa mà ngành mắt đã đặt ra, vẫn cần nhiều nỗ lực đầu tư trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, cách tổ chức khám chữa bệnh khoa học. Bởi đây là chuyên khoa đặc thù, yêu cầu rất cao về con người và trang thiết bị cũng như các chính sách vĩ mô phù hợp.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/de-cua-so-tam-hon-luon-khoe-dep-d133988.html