Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Ý nghĩa và giá trị lịch sử (Bài cuối): Văn hóa soi đường cho quốc dân đi!
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất. Đồng thời, khi đánh giá những cống hiến xuất sắc mang tầm vóc thời đại của Người, UNESCO nhấn mạnh: 'Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu hiện kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của - các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội; sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của Nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau'!
Khách du lịch tham quan Nhà sàn Bác Hồ. Ảnh: Hoàng Xuân
Nhiều nhận định cho rằng, bằng những nỗ lực phi thường, thông qua cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa đặt nền móng, vừa lãnh đạo quá trình xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Vấn đề vô cùng rộng lớn này được Người đúc kết lại thành một lý luận riêng. Trong đó, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc kết hợp với tiếp thu các giá trị văn hóa nhân loại là quan điểm chỉ đạo, nhất quán, có ý nghĩa xuyên suốt trong di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh. Dưới dạng tổng quát, Người cho rằng: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn... Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát sinh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học - nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”!
Đặc biệt, Người ý thức một cách sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của truyền thống văn hóa dân tộc. Do đó, Người đặt ra yêu cầu: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con rồng cháu tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời". Chính truyền thống lịch sử đó đã tạo nên “vốn quý” văn hóa Việt Nam, cốt cách và tâm hồn dân tộc. Đặc biệt, truyền thống ấy cùng “khí thiêng sông núi” đã hun đúc nên bản sắc văn hóa dân tộc - những giá trị tinh túy, tạo nên nội lực và sức mạnh của dân tộc. Lịch sử đã chứng minh, dân tộc nào đánh mất cội rễ của mình, đánh mất văn hóa của mình, thì cũng đánh mất chính mình và sự suy vong cũng là lẽ tất yếu.
Xác định rõ vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24-11-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những lời diễn giải thấm thía về vai trò của văn hóa và trọng trách của người làm công tác quản lý văn hóa: Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân... Đối với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng”. Từ đó, Người đã đúc rút thành một “mệnh đề” ngắn gọn, cô đọng và hàm súc: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Tiết mục sân khấu hóa cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248.
Từ “mệnh đề” có tính định hướng, dẫn dắt này, Người nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh. Đặc biệt, phải “Xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng".
Có ý kiến cho rằng, nét đặc sắc trong di sản Tư tưởng Hồ Chí Minh là Người rất chú ý bảo lưu văn hóa của một quốc gia dân tộc Việt Nam, ở đó các dân tộc anh em đều có một bản sắc văn hóa đặc sắc, đa dạng. Và nền văn hóa mới phải là một nền văn hóa thống nhất trong tính đa dạng, tập trung tinh túy của các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam. Vì thế, theo tinh thần Hồ Chí Minh, khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc là hàm chứa những giá trị văn hóa của các dân tộc anh em. Mỗi dân tộc là “một loài hoa trong vườn hoa văn hóa Việt Nam ngát hương sắc”.
Đặc biệt, trong xây dựng nền văn hóa mới, bên cạnh việc đề cao vai trò, giá trị của các di sản vật thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt coi trọng các di sản văn hóa tinh thần, mà nổi bật hơn cả là chủ nghĩa yêu nước - một hạt nhân trung tâm, bệ đỡ vững chãi của tâm thức Việt Nam. Người đã đúc kết khái quát giá trị này thành một “mệnh đề” bất hủ, rằng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Do đó, nền văn hóa mới Việt Nam phải thâu hái được tinh thần yêu nước quật cường của dân tộc, sử dụng nó như một thứ vũ khí sắc bén không chỉ chống giặc ngoại xâm, mà cả trong cuộc đấu tranh chống lại điều ác, những tiêu cực, bất công trong đời sống. Đây cũng chính là một phương diện cho thấy vai trò “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa.
Một nền văn hóa mới trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ra đời từ con số không, mà ngược lại nó được hậu thuẫn một cách vững chắc từ các tiền đề văn hóa quá khứ, những tinh túy được chắt lọc qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Do đó, trong suốt hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, để vừa phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vừa không ngừng sáng tạo những giá trị văn hóa mới. Đó là nền văn hóa vừa “đậm đà bản sắc” - thấm đẫm tinh thần yêu nước, hồn cốt dân tộc; vừa “tiên tiến” khi chủ động “gạn đục khơi trong” để tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Từ đó, tạo nền tảng tinh thần vững chắc, đưa đất nước vững bước song hành cùng xu thế phát triển của nhân loại tiến bộ. Đó cũng chính là sức mạnh của văn hóa Việt Nam.
Bài và ảnh: Hoàng Xuân
Bài có sử dụng một số thông tin trong cuốn "Hồ Chí Minh: Văn hóa và phát triển" (NXB Chính trị - Hành chính, 2009).