Để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân hàng năm ngày càng thực chất
Thời điểm này, các tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị đang tiến hành kiểm điểm cuối năm nhằm bình xét danh hiệu thi đua sau 1 năm làm việc vất vả. Việc đánh giá, xếp loại cứ 'đến hẹn lại lên' và thực tế, có nơi làm nghiêm túc, cũng có nơi còn tiến hành qua loa nên kết quả đánh giá hàng năm chưa phản ánh đúng thực chất.
Để hạn chế tình trạng này, ngày 4-10-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 124-QĐ/TW thay thế cho Quy định số 132-QĐ/TW được ban hành năm 2018 về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị đặt ra yêu cầu nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, thấy được ưu điểm để phát huy, hạn chế, khuyết điểm để khắc phục; chủ động phát hiện, ngăn chặn biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên; bảo đảm trung thực, công tâm, khách quan, công khai, đạt được kết quả thực chất.
Nội dung kiểm điểm tập trung làm rõ những kết quả đạt được, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, giải pháp và thời gian khắc phục. Trong đó, nội dung kiểm điểm cá nhân được chia thành 2 nhóm: Cá nhân không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Khi kiểm điểm đối với cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cần đặc biệt chú ý về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm nêu gương, việc thực hiện những điều đảng viên không được làm; tác phong, lề lối làm việc; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm; việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được cấp có thẩm quyền kết luận và được chỉ ra ở kỳ kiểm điểm trước (nếu có)…
Đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý khi được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngoài những tiêu chuẩn chung, quy định cũng đặt ra yêu cầu phải thực sự gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong lề lối, phương pháp làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật; địa phương, cơ quan, đơn vị, bộ phận, lĩnh vực mà mình trực tiếp phụ trách hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó có ít nhất 50% chỉ tiêu (nhiệm vụ) cơ bản hoàn thành vượt mức; 100% cơ quan, đơn vị thuộc quyền lãnh đạo, quản lý trực tiếp được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 70% số đơn vị xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Như vậy, Quy định số 124-QĐ/TW đã đặc biệt đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Điều này đòi hỏi người đứng đầu phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá ưu, khuyết điểm của bản thân, đồng thời có thái độ cầu thị, lắng nghe những ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng nghiệp. Làm sao hạn chế được tình trạng nể nang, né tránh hay lợi dụng cơ hội để “bới lông tìm vết” trong công tác đánh giá, xếp loại hàng năm.