Để đạt điểm cao môn Ngữ văn trong kỳ vào lớp 10 có khó?
Thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 không còn nhiều nhưng đây lại là giai đoạn lí tưởng nhất để các thí sinh hệ thống kiến thức được hiệu quả nhất.
Chỉ còn trên dưới 2 tháng nữa, các địa phương sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo kế hoạch tuyển sinh 10, năm học 2025-2026 của các tỉnh, đa phần các địa phương chọn thi 3 môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Điều khác biệt với các kỳ thi tuyển sinh 10 trước đây, từ kỳ thi tuyển sinh 10 cho năm học 2025-2026 sẽ tính điểm hệ số 1 đối với tất cả các môn thi, trừ môn chuyên đối với những thí sinh thi vào trường trung học phổ thông chuyên.
Chính vì tất cả các môn thi tính điểm hệ số 1 (đối với những thí sinh thi vào các trường không chuyên) nên việc tận dụng để có điểm cao nhất có thể ở từng môn là điều mà các thí sinh cần phải hướng tới.
Trong 3 môn này, những thí sinh không thực sự có năng lực nổi trội thì môn Ngữ văn có phần dễ lấy điểm hơn- dù môn thi này ít có thí sinh đạt được tuyệt đối nhưng nếu biết cách học, chịu đầu tư thì việc hướng đến 6- 8 điểm không phải là điều quá khó.
Ảnh minh họa
Thí sinh nắm chắc phần tri thức Ngữ văn sẽ làm tốt phần đọc hiểu
Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông như sau: “Đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.
Điều này đồng nghĩa đề thi tuyển sinh 10 sẽ lấy ngữ liệu hoàn toàn ngoài sách giáo khoa (ngoài 3 bộ sách) nên học sinh không còn có thể “tủ sẵn” một số bài văn mẫu như trước đây. Nhưng, nếu biết cách học và chuẩn bị thì đây cũng là lợi thế cho thí sinh tham dự kỳ thi này.
Các thí sinh đừng sợ ngữ liệu ngoài sách giáo khoa bởi cho dù người ra đề không lấy ngữ liệu trong các bộ sách giáo khoa nhưng các câu hỏi thì chắc chắn phải bám vào kiến thức chương trình môn Ngữ văn mà Bộ đã ban hành và thầy cô đã dạy và ôn ở trường- chủ yếu là chương trình lớp 9.
Đối với phần đọc hiểu, thí sinh cần nắm chắc kiến thức phần tri thức Ngữ văn ở mỗi chủ đề (10 chủ đề/ năm) ở lớp 9 thì chắc chắn sẽ làm tốt ở phần đọc hiểu. Phần tri thức Ngữ văn ở mỗi chủ đề khá ngắn gọn, trọng tâm nên học sinh không phải đầu tư quá nhiều công sức.
Hơn nữa, dù 10 chủ đề nhưng chốt lại cũng có 3 loại văn bản chủ yếu, đó là: văn bản văn học; văn bản nghị luận; văn bản thông tin. Thí sinh nắm chắc từng đặc điểm thể loại sẽ dễ dàng vượt qua phần đọc hiểu để có thể đạt điểm tối đa ở phần này.
Thông thường, đối với phần đọc hiểu, người ra đề sẽ hỏi về thể loại, cách gieo vần, ngắt nhịp, từ ngữ, hình ảnh, chủ đề, thông điệp…(đối với thơ); ngôi kể, nhân vật, cốt truyện, tình huống…(truyện); sapo, phương tiện phi ngôn ngữ…(văn bản thông tin).
Ngoài ra, phần đọc hiểu sẽ có thêm một câu hỏi vận dụng thấp nhằm liên hệ, gợi mở vấn đề, nêu bài học cho bản thân…và có thể sẽ có 1 câu hỏi tiếng Việt. Các thí sinh cần tận dụng lấy điểm phần đọc hiểu vì phần này dễ lấy điểm hơn ở phần viết.
Phần viết (làm văn) cần có hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng thuyết phục, mạch lạc
Phần viết ở lớp 9 có 2 kiểu bài chính là nghị luận văn học và nghị luận về một vấn đề cần giải quyết. Các kiểu bài khác ít có khả năng ra đề thi.
Đối với nghị luận văn học thì mở bài, thí sinh giới thiệu được tên tác phẩm, tên tác giả và khái quát những nét đặc sắc của tác phẩm (chủ đề, hình thức nghệ thuật nổi bật). Nếu thí sinh giỏi có thể mở bài gián tiếp sẽ tạo dấu ấn cho bài viết và tạo điểm nhấn với người chấm thi.
Phần thân bài thường có 2 luận điểm chính, luận điểm 1 sẽ nêu và phân tích về chủ đề tác phẩm được thể hiện qua nhân vật, hình ảnh, sự việc, cốt truyện, nội dung, hình ảnh…sau đó sẽ phân tích các khía cạnh của chủ đề (lí lẽ và phân tích bằng chứng để làm sáng tỏ vấn đề).
Luận điểm 2 là nêu và phân tích được những nét đặc sắc nghệ thuật như đối với tác phẩm truyện thì chú ý nghệ thuật xây dựng tình huống, nhân vật, ngôi kể, sự việc…; đối với tác phẩm thơ, nghệ thuật được thể hiện qua thể thơ, vần, nhịp, hình ảnh thơ, từ ngữ, biện pháp tu từ…
Kết bài, thí sinh sẽ khẳng định lại ý kiến về chủ đề, những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm; nêu suy nghĩ, cảm xúc hoặc bài học rút ra từ tác phẩm mà mình vừa phân tích.
Thí sinh cần chú ý khi làm bài nghị luận văn học phải đảm bảo bố cục bài viết; phân tích làm rõ chủ đề và đặc sắc nghệ thuật; hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng rõ ràng; sử dụng các phương tiện liên kết phù hợp để tạo tính logic và mạch lạc cho bài văn.
Bài văn hiện nay cũng không cần quá dài như trước đây và thường là đề sẽ giới hạn số chữ cho phần viết (làm văn) nên thí sinh cần chắt lọc từ ngữ và viết những vấn đề trọng tâm, cốt, tránh lan man, dài dòng.
Đối với bài nghị luận về một vấn đề cần giải quyết thì các thí sinh chú ý phần mở bài giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu tầm quan trọng của việc giải quyết, khắc phục mà đề bài yêu cầu.
Phần thân bài cần xoáy sâu vào các ý sau: Giải thích vấn đề; phân tích thực trạng- nguyên nhân- hậu quả/ tác hại- giải pháp khắc phục vấn đề. Phần giải pháp cần nêu và phân tích kĩ những giải pháp khả thi, thuyết phục.
Cả đề nghị luận văn học và nghị về một vấn đề cần giải quyết, thí sinh cần đọc kĩ đề, phân biệt được đề thuộc kiểu (dạng) nào. Thí sinh phải đọc kĩ đề, gạch chân dưới những từ, cụm từ quan trọng để giải thích và lập luận cho đúng. Những từ, cụm từ này phải thường xuyên được nhắc lại trong các luận điểm.
Nội dung bài văn cần trọng tâm, lời văn, câu văn, đoạn văn viết phải cô đọng, ngắn gọn. Lập luận phải chặt chẽ, cảm xúc phải trong sáng, lành mạnh. Khi lấy dẫn chứng (bằng chứng) không lấy dẫn chứng chung chung mà phải có tính thực tế và thuyết phục.
Ngoài ra, thí sinh cũng cần mạnh dạn đề xuất quan điểm, cách nghĩ của bản thân, lập luận sao cho thuyết phục được người đọc. Biết lật ngược vấn đề, soi chiếu vấn đề ở nhiều khía cạnh để luận bàn một cách thấu đáo.
Thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 không còn nhiều nhưng đây lại là giai đoạn lí tưởng nhất để các thí sinh dự thi tuyển sinh 10 học tập, hệ thống kiến thức được hiệu quả nhất để tham dự kỳ thi quan trọng này.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
.