Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 8%, kinh tế tư nhân phải tăng trưởng 10,3%

Đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố Báo cáo nghiên cứu 'Tháo gỡ nút thắt trong phát triển kinh tế tư nhân nhằm mục tiêu tăng trưởng hai con số'. Phóng viên Báo Nhân Dân đã trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thắng Lợi, Trưởng nhóm nghiên cứu về những nội dung chính của Báo cáo nghiên cứu này.

Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thắng Lợi.

Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thắng Lợi.

Mắt xích mang tính đột phá

Phóng viên: Nghị quyết 68-NQ/TW đã chỉ rõ, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên theo Giáo sư, hiện đang có những nút thắt kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế quan trọng này?

Giáo sư Ngô Thắng Lợi: Trước hết phải nhắc đến những nỗ lực đã tạo nên sự phát triển vượt bậc của kinh tế tư nhân thời gian qua. Thể hiện ở sự phát triển vượt trội về các yếu tố nguồn lực và tăng trưởng doanh thu cũng như vai trò là động lực tăng trưởng và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, hệ thống các tập đoàn và doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn cũng đang đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển ở một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân cũng đang bộc lộ những hạn chế kìm hãm khả năng tăng trưởng nhanh, khiến khu vực này đang có biểu hiện chững lại về tốc độ, hiện tượng “mi-ni hóa” có xu hướng gia tăng, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản cũng tăng lên.

Những nguyên nhân chính (hay còn gọi là những nút thắt) của các hạn chế nói trên xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ và chưa thống nhất, thậm chí chưa đúng khi nhìn nhận, đánh giá kinh tế tư nhân.

Hệ thống chính sách kinh tế còn nhiều khía cạnh thiếu tính bao trùm, không công bằng giữa kinh tế tư nhân với các khu vực kinh tế khác cũng là một trong những nút thắt kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam.

Bên cạnh đó, bản thân lực lượng kinh tế tư nhân chưa có mô hình thích hợp, có hiệu quả để gắn kết các bộ phận cấu thành; doanh nhân Việt Nam hiện đang thiếu những đặc tính cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế hiện đại và tính chất cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.

Phóng viên:Với những đặc điểm như vậy, có thể đánh giá thế nào về khả năng của khu vực kinh tế tư nhân trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng từ hai con số, thưa Giáo sư?

Giáo sư Ngô Thắng Lợi: Để đạt tốc độ tăng trưởng GDP hơn 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, câu hỏi đặt ra là những động lực gì cần tạo dựng, nuôi dưỡng và thúc đẩy để kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng cao, kéo dài trong vài thập kỷ tới.

Theo quan điểm “làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống”, hướng đi quan trọng là tháo gỡ các điểm nghẽn kìm hãm tăng trưởng, xây dựng thể chế bao trùm, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm. Trong đó, tháo gỡ, tạo bứt phá cho khu vực tư nhân, nhất là các doanh nghiệp khu vực tư nhân là một mắt xích mang tính đột phá.

Khu vực kinh tế tư nhân hiện còn nhiều điểm nghẽn, nhiều mục tiêu chưa đạt được, cần phải rà soát lại xem vấn đề ở đâu, yêu cầu giải quyết, thực hiện như thế nào. Như vậy, cải cách để phát triển kinh tế tư nhân chính là một điểm nhấn quan trọng mang tính quyết định đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số của Việt Nam trong thời gian tới.

Xây dựng lực lượng kinh tế tư nhân Việt Nam

Phóng viên:Vậy cần làm gì để tháo gỡ các nút thắt, bảo đảm kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng chính trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng từ 8%, thưa Giáo sư?

Giáo sư Ngô Thắng Lợi: Theo kết quả tính toán của nhóm nghiên cứu, nếu xét trên khía cạnh tăng trưởng GDP, giai đoạn 2011-2023 khu vực kinh tế tư nhân đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 6,3%/năm, cao hơn mức tăng trưởng trung bình 5,48%/năm của toàn nền kinh tế và đóng góp khoảng 50%, vào mức tăng trưởng GDP nền kinh tế (năm 2023 là 57% GDP).

Như vậy, năm 2025, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 8%, kinh tế tư nhân cần đạt được mức tăng trưởng 10,3% và khoảng 11,5%-12% sau năm 2025 để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với hiện tại, cần tích cực tháo gỡ các nút thắt kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế này trong nhiều năm qua. Tương ứng với 4 nút thắt phân tích ở trên, chúng tôi đề xuất 4 nhóm giải pháp.

Đó là hoàn thiện tư duy và cách thức nhìn nhận khu vực kinh tế tư nhân, phải nhìn nhận khu vực kinh tế tư nhân theo quan điểm hệ thống và có tư duy rõ ràng về định vị kinh tế tư nhân trong hệ thống kinh tế cả nước.

Bên cạnh đó, phải đứng trên quan điểm phát triển bao trùm để tháo gỡ nút thắt về thể chế, chính sách trong phát triển kinh tế tư nhân với các bộ phận kinh tế khác.

Các nhóm giải pháp tiếp theo là hoàn thiện các mô hình gắn kết lực lượng kinh tế tư nhân của người Việt Nam và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt đáp ứng được yêu cầu mới của nền kinh tế phù hợp bối cảnh hội nhập.

Phóng viên:Các giải pháp này là cơ sở để chúng ta có một lực lượng doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh, đủ sức đảm đương sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, thưa ông?

Giáo sư Ngô Thắng Lợi: Từ cách tiếp cận theo quan điểm hệ thống và nhìn nhận dưới góc độ “lực lượng kinh tế tư nhân”, chúng tôi nhận thấy, điều quan trọng nhất hiện nay là phải làm sao để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng nhất trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số bắt đầu từ giai đoạn 2026-2030 cũng như trong việc thực hiện mục tiêu về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/12/2024.

Nếu chia hệ thống kinh tế quốc gia làm 3 bộ phận cấu thành là kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân và kinh tế FDI thì kinh tế tư nhân cần xác định đóng vai trò là động lực chính, quan trọng nhất trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số cùng với vai trò định hướng, dẫn dắt của khu vực kinh tế nhà nước và sự hỗ trợ thúc đẩy quan trọng của khu vực kinh tế FDI.

Nếu ví nền kinh tế như một đoàn tàu đang chuyển động về đích đến, thì kinh tế nhà nước đóng vai trò là “đường ray kết nối với đích đến”, xác định hướng và dẫn dắt đoàn tàu đi trên “đường ray” đó. Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò là đầu tầu quyết định tốc độ vận động đến đích của đoàn tầu, còn khu vực FDI là những động lực bổ trợ tiếp thêm lực cho con tầu đi nhanh hơn.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với khát vọng thực hiện được các đích đến của năm 2030 Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao, kinh tế tư nhân phải có khả năng đóng vai trò chủ lực quyết định đến quy mô, tốc độ phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế mang tính thị trường thuần túy, có tính cạnh tranh cao (cả trong nước và quốc tế) và khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong đó các “sếu đầu đàn” là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn phải đóng vai trò dẫn dắt và là động lực chính, chủ động tổ chức liên kết với các khu vực kinh tế khác để thực hiện.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/de-dat-muc-tieu-tang-truong-gdp-hon-8-kinh-te-tu-nhan-phai-tang-truong-103-post896385.html