Để 'đầu tàu' TP.HCM không chững lại, phải làm gì?
Đúng là 'đầu tàu' đang chững lại. Dân số TP.HCM đã tăng thêm 3%, đáng ra ngân sách phải tăng, song quy mô thu ngân sách đã giảm xuống...
Thẳng thắn nhìn vào những vấn đề đang tồn tại của TP.HCM hiện nay, ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam, Học giả nghiên cứu Đại học Indiana Hoa Kỳ cho rằng, “đầu tàu” kinh tế TP HCM đang có dấu hiệu chững lại.
Truyền cảm hứng cho nhiều nơi khác
TP.HCM từng có nhiều chính sách “phá rào” để phát triển trước thời kỳ Đổi mới. Đến nay nhìn lại, ông có thể đánh giá gì về những chính sách đó?
Trong lời mở đầu Nghị quyết 01-NQ/TW ngày 14/9/1982, Bộ Chính trị đã khẳng định TP.HCM rất năng động và giàu sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh. Ngôn ngữ trong văn bản phê bình thành phố đang chệch hướng XHCN chỉ viết vậy, nhưng đã nói lên một cách chân phương về tài sản quý giá của TP.HCM: Khả năng đi tiên phong để tạo ra những cái mới.
Hơn thế, một trong những lý do thành phố bị phê bình gay gắt là do nhiều nơi khác đã bắt chước thành phố “xé rào”. Nói theo ngôn ngữ đời thường thì tội của thành phố dám “đầu têu” đi chệch hướng. Tuy nhiên, điều thú vị là việc “xé rào” đã giúp TP.HCM giảm được một số khó khăn và trở thành người tiên phong dẫn đến Đổi mới năm 1986.
Những cố gắng của những lãnh đạo của thành phố và cũng là lãnh đạo miền Nam để đưa các nhân tố kinh tế thị trường vào Nghị quyết Trung ương 24 năm 1975 và cách thức triển khai cải tạo công - thương nghiệp năm 1977 - 1978 cho thấy rất rõ điều này.
Trong hơn chục điển hình được cố GS. Đặng Phong nêu trong “Phá rào trong kinh tế vào đêm trước đổi mới” thì có đến 7 là của TP.HCM. Gần như tất cả những “xé rào” trong phân phối lưu thông, thương mại, công nghiệp đều diễn ra ở TP.HCM.
Những gì Thành phố đã làm được góp phần cho công cuộc ĐỔI MỚI được phân tích rất rõ trong “Mười năm Thành phố Hồ Chí Minh” của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh xuất bản năm 1985. Điều thú vị là cho dù bị ngăn sông cấm chợ, nhưng những chuyển động ở TP HCM đã tạo ra sự gắn kết hay cách làm mới cho cả vùng.
Sau khi đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Vùng TP.HCM trở thành tâm điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy ngoại thương, truyền cảm hứng cho nhiều nơi khác.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò “người mở đường” của thành phố trong hơn một thập niên trở lại đây, khi có ý kiến cho rằng “đầu tàu” TP.HCM đang chững lại?
Đúng là “đầu tàu” đang chững lại. Dân số thành phố đã tăng thêm 3%, đáng ra ngân sách phải tăng, song quy mô thu ngân sách đã giảm từ khoảng 30% xuống còn chưa đến 27%.
Theo tôi, “vòng kim cô cơ chế” đang trói buộc Thành phố với hai nhóm nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất, ngân sách được giữ lại quá thấp, không đủ cho các nhu cầu thiết yếu. Thứ hai, cơ chế khuyến khích ngược, người vì cái chung thường “bị phạt”, trong khi tìm cách trục lợi riêng thì lại được rất nhiều.
Những gì xảy ra ở thành phố trong một thời gian rất dài với những vụ việc đang bị phanh phui cho thấy rất rõ. Thành phố thiếu vắng những người dám nghĩ dám làm như trước đó.
Về tổng thể, nguồn lực của thành phố được giữ lại rất ít, không đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, trục trặc xảy ra ở ngay những dự án được dành đủ nguồn lực.
Tuyến metro số 1 và bán đảo Thủ Thiêm là những điển hình. Hai dự án này, rõ ràng là đã có sẵn nguồn lực cần thiết. Tuy nhiên, tuyến metro số 1 vẫn chưa biết lúc nào xong và Thủ Thiêm thì liên quan đến tiêu cực, tham nhũng rất trầm trọng.
Do hai vấn đề nêu trên dẫn đến tình trạng thành phố phải tập trung chủ yếu vào những vấn đề ngắn hạn, sự vụ. Ngay cả lãnh đạo cao cấp vẫn phải dành phần rất lớn thời gian cho các vấn đề trước mắt nên không còn đủ thời gian cần thiết cho việc định hình ra những đường hướng phát triển dài hạn.
“Vòng kim cô” cơ chế vẫn còn lớn
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54 cho phép TP.HCM thí điểm một số cơ chế đặc thù, phải chăng thành phố chưa tận dụng hết để đột phá?
Về mặt cơ chế, Nghị quyết 54 của Quốc hội là bước tiến đáng kể nhất cho TP HCM trong hơn hai thập kỷ qua. Đây là nỗ lực rất lớn của Thành phố. Tuy nhiên, nhìn vào cụ thể sẽ thấy rằng “cái vòng kim cô cơ chế” vẫn còn rất lớn đối với Thành phố.
Cơ chế hiện tại vẫn là tuân thủ, vẫn theo quan điểm thành phố ngày càng phải san sẻ nguồn lực cho cả nước nhiều hơn. Trong khi điều quan trọng là TP HCM nói riêng, các địa phương có nhiều lợi thế và dư địa phát triển nói chung cần phải được dành đủ nguồn lực để làm cho cái bánh của cả nước to hơn và mọi người cùng được miếng bánh lớn hơn.
Đã hơn hai năm trôi qua, những kết quả đạt được trên thực tế từ Nghị quyết 54 là khá khiêm tốn. Do độ mở của các chính sách chưa thể tạo ra các đột phá chiến lược. Thêm vào đó, những vụ việc đang xảy ra tại Thành phố liên quan đến tiêu cực tham nhũng từ các nhiệm kỳ trước đang ảnh hưởng rất lớn đế tâm lý làm việc và hiệu quả của cả hệ thống.
Vậy theo ông, làm gì để TP.HCM tiếp tục giữ vai trò “đầu tàu” của cả nước?
Cơ chế và nguồn lực từ Trung ương gắn với nỗ lực trở lại vai trò tiên phong của Thành phố. Thứ nhất, Trung ương nên cho thí điểm cơ chế đặc khu trong dự án thành lập khu đô thị phía Đông mà TP.HCM đang đệ trình. Khi chưa thể tạo cơ chế cho cả Thành phố thì nên tạo cơ chế cho một vùng nhằm phát huy được những điểm mạnh và lợi thế của đầu tàu kinh tế của cả nước
Thứ hai, cần có một cơ chế phân bổ ngân sách linh hoạt và hợp lý hơn để các địa phương có lợi thế phát huy nhằm tạo ra kết quả chung cho cả nước. Tỷ lệ điều tiết ngân sách cần được xem xét lại. 18% tính cho phần phân chia hay khoảng 5% ngân sách chung của cả nước đang quá thấp.
Thứ ba, ở thời điểm hiện tại, Trung ương nên ưu tiên nguồn lực triển khai các dự án hạ tầng trọng yếu của thành phố như các tuyến tàu điện ngầm, sân bay Long Thành…
Cuối cùng và là điều quan trọng nhất, Thành phố cần phải khơi lại tính tiên phong và khả năng dẫn dắt của mình như điều đã có được trong quá khứ. Nếu không có được điều này thì mọi chuyện sẽ rất khó.
Cảm ơn ông!
PGS. TS. Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Không thể bứt phá nếu thiếu nguồn lực
Bình quân GDP của TP.HCM luôn chiếm từ 23% -25% của cả nước. Trong năm 2019, tổng thu ngân sách Nhà nước trên toàn địa bàn thành phố là 409.923 tỷ đồng, đây là mức thu kỷ lục. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt khoảng 6.500 USD và năm 2020 ước đạt 7.500 USD. Tất cả những điều này cho thấy thành phố vẫn đang là “đầu tàu” kinh tế quan trọng nhất của cả nước.
Mặc dù vẫn là địa phương đóng góp lớn nhất vào ngân sách cả nước, nhưng tốc độ phát triển Thành phố bị chững lại. Nếu như giai đoạn 2001 - 2005 tốc độ tăng trưởng thường đạt 11% thì đến năm 2018 chỉ đạt 8,3%, năm 2019 đạt 8,32%.
Nếu không có các giải pháp “tiếp sức”, thành phố khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng bởi phải gồng gánh với nhiều áp lực nặng nề khác. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố giảm, sẽ kéo theo suy giảm của cả nước. Bởi, một khi “đầu tàu” mệt mỏi thì khó có thể kéo cả đoàn tàu đi nhanh được.
Hiện nay, tỷ lệ điều tiết của ngân sách để lại cho TP.HCM theo xu hướng giảm dần qua các năm. Vào giai đoạn 2000 - 2010, ngân sách Trung ương để lại cho thành phố là 33%. Đến năm 2011 còn 29% và từ giai đoạn 2017 - 2020 chỉ 18%.
Trong khi đó, mỗi năm dân số cơ học tại thành phố không ngừng tăng lên, trung bình có thêm 200.000 dân từ các tỉnh đến sinh sống và làm việc. Tức là cứ 5 năm, dân số Thành phố tăng thêm 1 triệu người, đi kèm đó là hàng loạt vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông, môi trường...
Để Thành phố có thể tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho cả nước đòi hỏi phải có cơ chế chính sách đặc thù. Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép thành phố áp dụng một số cơ chế đặc thù trong quá trình phát triển. Chúng ta đã có 2 năm triển khai cơ chế đặc thù, nhưng muốn đánh giá toàn diện phải cần ít nhất 3 năm.
Cá nhân tôi cho rằng cơ chế là một chuyện, vấn đề là cần phải có nguồn lực, thiếu nguồn lực thì khó có được những bứt phá mạnh mẽ, tạo tính lan tỏa cho cả vùng. Hiện nay nếu chi 1 đồng, thành phố sẽ làm ra được 5 đồng, cao hơn các khu vực khác. Vậy, tại sao không tăng chi ngân sách cho TP.HCM nhiều hơn để tạo động lực phát triển kinh tế cho cả nước?
Yên Trang (Ghi)