Để dạy học trực tuyến là việc chủ động

Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD&ĐT và 34 trường ĐH về đánh giá chất lượng dạy học từ xa, qua internet, trên truyền hình. Nhìn lại hơn 4 tháng triển khai dạy học từ xa, các ý kiến đều cho rằng: Dạy học từ trực tuyến cần sớm được luật hóa và được công nhận kết quả.

Không chỉ là giải pháp tạm thời

Trong thời điểm cả nước phòng chống dịch bệnh Covid-19, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, học sinh các cấp học đã được tiếp cận với kiến thức, với thầy cô qua môi trường mạng.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, với quyết tâm rất cao của toàn ngành, sự quan tâm, đồng hành của các Cty công nghệ, nhà mạng, sự vào cuộc tích cực của các địa phương, cơ sở giáo dục, phương thức dạy và học từ xa, học trực tuyến, qua truyền hình đã được tổ chức tốt và bước đầu đạt kết quả tích cực; được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận.

"Ngành Giáo dục coi đây là cơ hội để quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số. Quá trình triển khai dạy và học trực tuyến vừa qua khẳng định ngành Giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ. Đồng thời, khẳng định phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến ĐH; qua đó giải phóng năng lượng lớn cho giáo viên, giảm tải các thủ tục hành chính, nhiều kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ, nâng lên” - Bộ trưởng nói.

Nhìn lại hơn 4 tháng triển khai dạy học từ xa, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ GD Trung học cho biết, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tốt việc dạy học qua internet, trên truyền hình cho tất cả đối tượng học sinh, đảm bảo mọi học sinh đều được học. Các sở GD&ĐT tích cực đóng góp bài giảng, tham gia xây dựng nội dung dạy học trên truyền hình. Bộ tiến hành thẩm định, lựa chọn nội dung dạy học phát sóng trên các kênh sóng của VTV: VTV7 và K+, thông báo để các Đài truyền hình địa phương tiếp sóng.

Theo ông Lê Ngọc Quang, PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong thời gian học sinh nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở đã tổ chức 3 phương thức dạy học gồm: Học trên truyền hình, học trực tuyến và học trên phần mềm học và thi trực tuyến Hanoi Study, thu hút từ 98% đến 100% học sinh tham gia.

Dạy học trực tuyến đã phát huy được kết quả nhất định, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế chính thức dạy và học trực tuyến ở bậc phổ thông. Ảnh tư liệu

Dạy học trực tuyến đã phát huy được kết quả nhất định, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế chính thức dạy và học trực tuyến ở bậc phổ thông. Ảnh tư liệu

Tạo hành lang pháp lý cho dạy học trực tuyến

Bà Nguyễn Thị Thúy, GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hiện nay, Quảng Ninh là một trong 5 tỉnh đang triển khai thí điểm mô hình dạy học trực tuyến. Để phương thức đào tạo trực tuyến tiếp tục phát huy hiệu quả và duy trì lâu dài, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành quy định về tính pháp lý cho việc dạy học và công nhận kết quả học trực tuyến; hướng dẫn cụ thể về điều kiện triển khai, đồng thời hỗ trợ về đường truyền, thiết bị và hệ thống tài nguyên dạy học bảo đảm thống nhất...

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết, Vụ đang phối hợp với Cục Công nghệ thông tin hoàn thiện quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông. Quy chế này sẽ tạo ra hành lang pháp lý, hình thức dạy học trực tuyến được luật hóa, quy phạm hóa và được công nhận kết quả. Sau đó, Vụ sẽ xây dựng thông tư và có văn bản hướng dẫn về kỹ thuật, điều kiện đảm bảo việc dạy và học.

Dạy học trực tuyến là việc chủ động chứ không phải bị động

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, dạy học trực tuyến là việc chủ động của ngành Giáo dục chứ không phải bị động đến khi đại dịch mới làm. Đại dịch tạo ra áp lực, ngành Giáo dục đã chuyển áp lực thành động lực và thực hiện được.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế chính thức dạy và học trực tuyến ở bậc phổ thông, tiến tới chuẩn hóa để mọi người áp dụng. Trong đó có tổ chức đánh giá, đảm bảo tính minh bạch, nghiêm túc, trung thực. Việc thu học phí đối với phương thức dạy học trực tuyến cũng phải rõ ràng, công khai, minh bạch, căn cứ vào đó người cung cấp dịch vụ giáo dục và người nhận dịch vụ thống nhất.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cần xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu có chuẩn kết nối thông suốt trong hệ thống. Bộ GD&ĐT sẽ sớm xây dựng trung tâm điều hành giáo dục, kết nối thông tin tới từng Sở, phòng, cơ sở giáo dục, đảm bảo thông tin đầy đủ và đưa ra được những quyết định chính xác.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-day-hoc-truc-tuyen-la-viec-chu-dong-196226.html