Để Đề án 06 đi vào cuộc sống
Vượt qua khó khăn, thách thức 'chưa từng có tiền lệ', đến nay, Đề án 06 triển khai trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật, được ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc đòi hỏi các cấp, ngành phải quyết tâm vào cuộc để đưa những tiện ích của Đề án 06 đi vào cuộc sống.
Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh về thực hiện Đề án 06 ban hành ngày 18/12/2024 cho thấy, đến nay các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đạt trên 98%. Điện Biên cũng là một trong 29 đơn vị đầu tiên hoàn thành 100% chỉ tiêu thu nhận và kích hoạt tài khoản định danh điện tử (vượt kế hoạch 89 ngày); hoàn thành 100% việc cập nhật dữ liệu các hội vào hệ thống; hoàn thành 100% việc số hóa dữ liệu hộ tịch, dữ liệu bảo hiểm xã hội... được Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá cao.
Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, để Đề án 06 đi vào đời sống vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như đối với vướng mắc về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Toàn tỉnh hiện mới xây dựng được cơ sở dữ liệu địa chính của 20/129 đơn vị cấp xã, còn 80 xã chưa hoàn thiện đo đạc thành lập bản đồ địa chính chính quy và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và 19 xã đã đo đạc thành lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu nhưng chưa được xây dựng cơ sở đất đai. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu địa chính chỉ cung cấp cho người cần tra suất thông tin về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn muốn tham chiếu thêm thông tin về vị trí lô đất đó thuộc vào quy hoạch gì, giá đất bao nhiêu thì buộc phải nâng cấp từ cơ sở dữ liệu địa chính lên thành cơ sở dữ liệu đất đai.
Tại huyện Điện Biên, với 9 xã nội địa và 12 xã biên giới đến thời điểm này huyện đang tiến hành đo đạc địa chính đối với 3 xã nội địa là: Thanh Xương, Thanh An và Noong Hẹt. Dẫu biết, từ cơ sở dữ liệu đất đai mới có thể số hóa được toàn bộ thông tin về thửa đất, đó chính là thông tin đầu vào để phục vụ tốt cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, việc thực hiện đo đạc địa chính, cập nhật trên phần mềm quản lý đất đai vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Đặng Văn Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến công tác đo đạc địa chính trên địa bàn huyện chậm là do thiếu nguồn kinh phí. Để tiến hành công tác đo đạc địa chính đối với 3 xã nội địa, huyện đã bố trí kinh phí từ nguồn tiền tiết kiệm từ đấu giá đất. Dự kiến đến hết năm 2025 việc đo đạc địa chính đối với 3 xã trên mới thực hiện xong. Với 18 xã còn lại, công tác đo đạc địa chính sẽ phải bố trí triển khai dần vào các năm tiếp theo. Việc thực hiện nhiệm vụ cần phải có sự hỗ trợ kinh phí từ tỉnh, Trung ương và địa phương đối ứng một phần để đo đạc, xây dựng dữ liệu đầu vào phục vụ tốt công tác chuyển đổi số về đất đai của huyện Điện Biên nói riêng và của tỉnh nói chung.
Hạ tầng chuyển đổi số chưa đồng bộ cũng là một trong những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Đề án 06. Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay toàn tỉnh còn 118/1.446 bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; 30% người dân chưa có điện thoại thông minh; 86 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng di động 3G, 4G; 262 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng cố định; 87/261 thôn, bản chưa có điện lưới; nhiều trạm BTS tại các vùng chưa có điện lưới phải hoạt động bằng điện máy nổ (trong đó, 9 vị trí trạm BTS phải sử dụng điện máy tổ toàn thời gian)…
Xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ hiện còn 4 bản: Hô Tâu, Huổi Văng, Huổi Loỏng và Nậm Pang chưa có điện lưới quốc gia, cùng với đó giao thông cách trở, cuộc sống của nhiều hộ dân còn nhiều khó khăn… là những nguyên nhân khiến dòng chảy chuyển đổi số dường như chưa thể chạm đến nhịp sống của nhiều người dân nơi đây. Không riêng xã Nậm Khăn, theo ông Chu Văn Sử, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nậm Pồ, đến thời điểm này huyện Nậm Pồ vẫn còn 20 bản và 23 nhóm bản chưa có điện lưới quốc gia. Điều này gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận thông tin cũng như vướng mắc của chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các nội dung chuyển đổi số.
Báo cáo của UBND tỉnh đã chỉ ra còn nhiều tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Đề án 06. Không chỉ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hay hạ tầng chuyển đổi số chưa đồng bộ, còn nhiều vướng mắc, khó khăn khác, như: Ngân sách hạn chế, chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tiễn; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa của tỉnh thấp ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các giao dịch hành chính của người dân, doanh nghiệp; nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; trình độ dân trí không đồng đều nên việc tiếp cận với công nghệ gặp nhiều khó khăn.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu với phương châm 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm); quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành tháo gỡ những khó khăn, “điểm nghẽn”; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nòng cốt là thế hệ trẻ am hiểu công nghệ thông tin… sẽ là những giải pháp được tỉnh tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Để từ đó, những lợi ích của Đề án 06 phát huy hiệu quả, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp và xã hội.