Để dệt may thống lĩnh trên 'sân nhà': Cần thêm những cơ chế phù hợp
Yếu tố tiên quyết để dệt may Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước lúc này là đó chính là sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp và các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy thị trường nội địa.
Khẳng định thị trường nội địa rất có tiềm năng, nhất là khi cuộc sống của người dân trong nước ngày càng được nâng cao, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhấn mạnh, để giúp hàng dệt may Việt Nam ngày càng cạnh tranh tốt hơn trên “sân nhà”, ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, rất cần đẩy mạnh hơn nữa các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy thị trường nội địa.
Phóng viên: Từ trước tới nay, dệt may Việt Nam được nhắc đến chủ yếu với ấn tượng là một trong những ngành hàng có trị giá xuất khẩu khá lớn, đem về vài chục tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh xuất khẩu, ông đánh giá như thế nào về cơ hội tại thị trường nội địa, đặc biệt đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay, gây khó khăn không nhỏ cho xuất khẩu dệt may?
Ông Trương Văn Cẩm: Dệt may là ngành xuất khẩu rất lớn. Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra không ít cơ hội nên toàn ngành cũng tập trung vào tận dụng cơ hội từ các FTA để sản xuất, xuất khẩu. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 39 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh tập trung thị trường XK, thời gian qua các doanh nghiệp dệt may cũng tập trung khai thác thị trường nội địa.
Dệt may là ngành phục vụ nhu cầu thiết yếu sau ăn uống. Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân, dung lượng thị trường dệt may nội địa ước tính khoảng 5-6 tỷ USD.
Có thể khẳng định, các doanh nghiệp dệt may đánh giá đây là thị trường rất tiềm năng. Đặc biệt về lâu dài, thị trường nội địa ngày càng phát triển khi cuộc sống của người dân ngày được nâng cao.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ rõ hơn, ngành dệt may đã và đang làm gì để việc khai thác thị trường nội địa hiệu quả hơn sau cả thời gian dài mải miết tập trung cho xuất khẩu?
Ông Trương Văn Cẩm: Bên cạnh Việt Nam, nhiều quốc gia cũng sản xuất hàng dệt may. Có thời gian hàng tiểu ngạch, hàng giả hàng nhái được bày bán nhiều trên thị trường, hợp túi tiền của người dân dẫn tới cạnh tranh với hàng dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi có Chương trình phát triển thị trường nội địa gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhận thức hành vi tiêu dùng của người dân được thay đổi, đồng thời nhận thức trách nhiệm của doanh nghiệp dệt may phục vụ thị trường trong nước cũng được nâng cao. Theo đó, doanh nghiệp trong nước cố gắng sản xuất, thay đổi công nghệ, xây dựng hệ thống phân phối đến tận vùng sâu vùng xa, đưa hàng phục vụ người dân.
Thị trường nội địa hiện chỉ chiếm 15% năng lực sản xuất của doanh nghiệp dệt may. Doanh nghiệp dệt may đang đi bằng cả “2 chân”, nội địa và xuất khẩu. Ngành đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy việc tăng cường chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Ví dụ như tập trung nâng cao chất lượng; xây dựng thương hiệu mẫu mã phong phú với giá cả phù hợp túi tiền người dân; hàng năm tổ chức hội chợ quảng cáo để làm thay đổi hành vi nhận thức người dân…
Thậm chí, ngành dệt may còn có cả phong trào thi đua đưa doanh thu thị trường nội địa vào chỉ tiêu thi đua của ngành; phát triển thị trường nội bộ cho ngành, ví dụ sản xuất vải bán cho doanh nghiệp dệt may; gắn kết doanh nghiệp sợi, dệt, may, khâu phân phối…
Phóng viên: Đâu là những khó khăn, thách thức nổi cộm các doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt khi muốn ngày càng chiếm lĩnh tốt hơn thị trường “sân nhà”, thưa ông?
Ông Trương Văn Cẩm: Doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có khá nhiều lợi thế khi không cần lo lắng về mẫu mã thiết kế, nguồn nguyên liệu, địa điểm bán hàng...
Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh tại thị trường nội địa phải tự lo tất cả mọi thứ. Rõ ràng, xuất khẩu dệt may có lợi thế nhất định so với tiêu thụ nội địa.
Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay, vẫn còn nhiều tình trạng hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả làm cho các doanh nghiệp có thương hiệu bị lợi dụng nhãn mác. Người tiêu dùng cũng bị lẫn lộn giữa hàng tốt và hàng xấu. Nhà nước phải có các giải pháp tập trung để doanh nghiệp có thể kinh doanh bình đẳng. Góc độ về quản lý thị trường cần sự hỗ trợ nhiều mặt của cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, những cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy thị trường nội địa, có nhiều việc Nhà nước cần làm.
Ví dụ, sản phẩm may mặc trải qua nhiều khâu từ sợi, dệt, may mặc… mỗi khâu đều phải nộp thuế Giá trị gia tăng (VAT). Liệu có thể giảm hoặc miễn thuế cho doanh nghiệp khi dùng vải may để phục vụ thị trường nội địa hay không? Nhiều doanh nghiệp yếu về tài chính, để cạnh tranh tốt trên thị trường nội địa cần sự hỗ trợ đồng bộ từ phía Nhà nước, sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp cũng như thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông đã chia sẻ.