Để ĐHQG phát triển như kỳ vọng, Chính phủ cần có Nghị định hướng dẫn cụ thể
Trước hết, cần khẳng định Đại học Quốc gia là đại học công lập, thực hiện nhiệm vụ chiến lược cấp quốc gia chứ không phải là cái danh để cạnh tranh tuyển sinh.
Sau gần 10 năm đổi mới đất nước, trước nhu cầu về nguồn lực cũng như thực trạng giáo dục đại học, Nhà nước đã chủ trương hình thành 2 Đại học Quốc gia và 3 Đại học vùng, bằng cách sắp xếp lại một số trường đại học tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế và Thái Nguyên.
Có thể nói, đây là quyết định táo bạo và hợp lí với tình hình đất nước lúc bấy giờ. Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, đến nay với 2 Đại học Quốc gia và 3 Đại học vùng, mặc dù đâu đó vẫn còn có những ý kiến khác nhau về những kì vọng và mong đợi, nhưng đa phần đều công nhận những đóng góp hết sức tích cực của các đại học này.
Trong bối cảnh hiện nay, mô hình Đại học Quốc gia và Đại học vùng cũng còn một số vấn đề căn bản, cần có sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ cũng như các Bộ, Ngành liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc từ cơ chế, chính sách để đảm bảo cho mô hình đại học “2 cấp” phát triển đúng tầm cũng như sự kì vọng của xã hội.
Điều trước tiên cần thống nhất quan điểm rằng: sự hình thành và phát triển mô hình Đại học Quốc gia hay Đại học vùng xuất phát từ chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Vì vậy, chúng ta cần tập trung trí tuệ, thực sự sáng suốt để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới nhằm đảm bảo phát triển bền vững đất nước. Trong lần quy hoạch này, miền Trung cần có đại học quốc gia để cân bằng nguồn lực cũng như tạo động lực phát triển vùng và đất nước.
Trước hết, cần khẳng định rằng Đại học Quốc gia là đại học công lập, thực hiện nhiệm vụ chiến lược cấp quốc gia. Đây hoàn toàn không phải là cái danh để cạnh tranh tuyển sinh. Đại học Quốc gia thực hiện nhiệm vụ tư vấn định hướng các chính sách vĩ mô; nhận nhiệm vụ chiến lược về đào tạo trình độ cao; tập trung đầu tư nghiên cứu các lĩnh vực mũi nhọn, quan trọng, tạo tiền đề định hướng phát triển đất nước, nhất là các lĩnh vực mà khối tư thục ít đầu tư như: khoa học cơ bản, khoa học xã hội – nhân văn, khoa học kinh tế hay các lĩnh vực công nghệ mới…
Thứ hai, về nguyên tắc, quy hoạch là sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực để phát triển đất nước. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học không có nghĩa là chỉ dựa vào năng lực của các trường đại học để sắp xếp, nâng hạng... Đất nước chúng ta có hình chữ S.
Hai đầu có 2 Đại học Quốc gia thực hiện nhiệm vụ chiến lược vĩ mô, nhưng thực tế chưa thể đủ bao quát và toàn diện tất cả các vùng miền trong cả nước. Miền Trung và Tây Nguyên là một vùng rộng lớn, có nhiều tiềm năng và lợi thế để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, nhất là kinh tế biển, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước,...
Tuy nhiên, đây cũng là vùng gặp nhiều khó khăn và cũng lắm thách thức, trong khi nguồn lực bị phân tán, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thường sức hút mạnh bởi các trung tâm lớn ở 2 đầu đất nước. Đại học vùng cũng như các đại học thuộc bộ hay địa phương, dù có tự thân nỗ lực đến mấy cũng khó thực hiện vai trò kết nối và định hướng phát triển vùng.
Mặt khác, với thực tế tuyển sinh hiện nay, các ngành đào tạo có tính chiến lược, nền tảng cho đất nước… rất khó tuyển người giỏi, thậm chí còn không tuyển được sinh viên. Nếu không có cơ chế, chính sách tốt mang tầm quốc gia thì rất khó đầu tư nghiên cứu khoa học, tuyển chọn và đào tạo nguồn lực chất lượng cao, cần thiết cho sự phát triển đất nước.
Thứ ba, về cơ chế và chính sách, Đại học Quốc gia có trách nhiệm tầm vĩ mô, nên được ưu tiên đầu tư phát triển, đặc biệt là những nhiệm vụ cấp bách và lâu dài. Khi được đầu tư đúng tầm, Đại học Quốc gia sẽ xây dựng chiến lược phát triển nguồn lực, tập trung trí tuệ để đào tạo, nghiên cứu, đóng góp cho sự phát triển chung.
Đối với các ngành khoa học cơ bản hay một số ngành mũi nhọn, quan trọng ví dụ như khoa học biển, hạt nhân, nano,… sẽ có chính sách đặc thù để thu hút chuyên gia và người học. Khi có cơ chế, chính sách phù hợp thì thực hiện cơ chế giám sát, quản lí để đảm bảo phát triển đúng mục tiêu chiến lược. Còn khi thiếu các điều kiện căn bản mà đòi hỏi tự thân các đại học phải duy trì và phát triển các ngành khoa học cơ bản hay mũi nhọn như trên là rất khó khả thi.
Thứ tư, với vị trí Đại học Quốc gia và được ưu tiên đầu tư đúng tầm, lúc đó sẽ có vai trò và đủ năng lực để liên kết vùng cũng như kết nối các địa phương nhằm thực hiện các nhiệm vụ chiến lược tầm quốc gia và khu vực. Trong bối cảnh hiện nay, liên kết vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm trung bộ và tây nguyên, nhằm đảm bảo cân bằng nguồn lực trong nước cũng như tạo lợi thế cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Thứ năm, vị trí của Đại học Quốc gia cần gắn chặt với đô thị trung tâm của một vùng. Bởi vì, đô thị trung tâm của một vùng sẽ là nơi kết nối các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đồng thời cũng là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng và cả nước… Khi Đại học Quốc gia cùng với Đô thị trung tâm được gắn kết chặt chẽ, chắc chắn sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an toàn và an ninh nói chung.
Như vậy, xét về không gian, nhu cầu phát triển vùng kinh tế chiến lược cũng như thực trạng phân cấp quản lí nhà nước như hiện nay, miền Trung của Việt Nam rất cần có Đại học Quốc gia như ở 2 đầu của đất nước. Đây không phải là một đặc quyền mà là một nhiệm vụ mang tầm quốc gia mà các bên liên quan cùng chung trách nhiệm để thực hiện.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, để Đại học Quốc gia và Đại học vùng phát triển như kì vọng của xã hội cũng như đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục đại học nói riêng và phát triển bền vững đất nước nói chung, Chính phủ cần có Nghị định hướng dẫn cụ thể và Quốc hội cũng nên có 1 Nghị quyết chuyên đề, để ưu tiên nguồn lực thực sự đảm bảo đủ mạnh và ổn định, mới có thể thúc đẩy sự phát triển các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn, khoa học kinh tế cũng như các lĩnh vực công nghệ hiện đại xứng tầm, vượt trội.
Có như thế, đất nước chúng ta mới đảm bảo nguồn lực chất lượng cao, đủ năng lực dẫn dắt nền kinh tế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập với nhiều biến động khó lường.