Để di sản thành… tài sản
PTĐT - Hiệu quả cao nhất của hoạt động giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống là phát huy giá trị, tạo dựng vị trí, sức sống mới trong cộng đồng, 'biến di sản thành tài sản'.
PTĐT - Hiệu quả cao nhất của hoạt động giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống là phát huy giá trị, tạo dựng vị trí, sức sống mới trong cộng đồng, “biến di sản thành tài sản”. Đất phát tích cội nguồn dân tộc, Phú Thọ có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo mà không địa phương nào có được. Cùng với việc gìn giữ, bảo tồn “kho báu” ông cha trao truyền từ nghìn năm trước, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đồng thuận triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp phát huy, nhân lên giá trị, hiệu quả các di sản văn hóa truyền thống, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, phát triển du lịch được xác định là hướng mở triển vọng, bền vững…
Tiềm năng lớn
Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, toàn tỉnh hiện có 1.841 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được lưu giữ. Trong số đó, Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt; 3 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại là: Di sản văn hóa phi vật thể hát Ca Trù của người Việt (Phú Thọ là 1 trong 14 tỉnh được ghi danh); Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.Trong gần 8.000 lễ hội dân gian đang tồn tại và được tổ chức hàng năm trên cả nước, tỉnh ta có 223 lễ hội dân gian (trong đó có 97 lễ hội được tổ chức và phục dựng tổ chức hàng năm). Lễ hội Đền Hùng là lễ hội duy nhất được tổ chức quy mô cấp Quốc gia. Cùng với Đền Hùng là Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt, trung tâm bảo tồn và thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; hệ thống di tích lịch sử văn hóa, lễ hội dân gian được cộng đồng bảo lưu tổ chức đã và đang là nguồn lực mạnh mẽ để Phú Thọ ổn định về chính trị; phát triển về kinh tế, văn minh trong xã hội; có đời sống văn hóa phát triển; vững mạnh về quốc phòng an ninh; giàu lên từ hoạt động du lịch dịch vụ…Xác định bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa nói riêng và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói chung, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách, quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, đã có nhiều di sản của Phú Thọ được vinh danh, được bạn bè trong và ngoài nước biết đến. Cùng với việc xây dựng, bảo vệ hồ sơ khoa học và được UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh cũng tiến hành kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn, xây dựng và bảo vệ thành công 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Lễ hội Trò Trám, Lễ hội Đào Xá, Lễ hội Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, Lễ hội Đền Lăng Sương, Nghi lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt và Lễ hội Đền Tam Giang, lễ hội Đền Chu Hưng, Lễ cấp sắc của người Dao Tiền, nghề làm nón lá Sai Nga, Tết nhảy của người Dao... Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm, chú trọng. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tỉnh cũng tích cực thực hiện xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ di sản văn hóa nhằm khơi dậy những tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước.
Hiệu quả caoHệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đặc trưng cho vùng Đất Tổ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định phát triển du lịch là 1 trong 4 khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả, sau 5 năm “Hoạt động du lịch có bước phát triển. Kết cấu hạ tầng du lịch được tăng cường đầu tư; tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch tăng 8,8% so với mục tiêu; đã hình thành và đưa vào khai thác một số dự án hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch tại các trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh. Mục tiêu xây dựng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trở thành Khu du lịch Quốc gia; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy trở thành Khu du lịch địa phương, Khu Di tích đền Mẫu Âu Cơ - Hạ Hòa trở thành Điểm du lịch địa phương và mục tiêu xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả khá tích cực. Sản phẩm du lịch bước đầu được đầu tư phát triển theo chiều sâu, đổi mới và nâng cao chất lượng, góp phần thu hút ngày càng tăng khách trong nước và quốc tế đến thăm quan du lịch tỉnh Phú Thọ. Trong 4 năm (2016 - 2019), Phú Thọ đã thu hút bình quân hàng năm 6,5- 7,5 triệu lượt khách đến thăm quan du lịch và thực hành tín ngưỡng; doanh thu du lịch, dịch vụ tăng bình quân 12%, tăng 1,82 lần so với giai đoạn 2011 – 2015”. Sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh ngày càng được hoàn thiện đồng bộ, hạ tầng giao thông được nâng cấp, các di tích được cải tạo tu bổ, các hoạt động văn hóa lễ hội được chỉ đạo tổ chức hiệu quả, an toàn, đổi mới, hấp dẫn, các hoạt động dịch vụ thương mại được định hướng nâng cao chất lượng và quản lý chặt chẽ, an ninh trật tự được đảm bảo tạo sự hài lòng cho du khách khi đến tham quan và thực hành tín ngưỡng; qua đó, thu hút lượng lớn khách hành hương, tham quan du lịch đạt 6,5 - 7,5 triệu lượt khách mỗi năm, góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh của du lịch Đất Tổ. Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Tự hào được thừa hưởng kho tàng di sản phong phú, độc đáo, chúng ta càng phải nêu cao trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại. Những kết quả đạt được về công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của tỉnh thời gian qua đã khẳng định sự đóng góp to lớn của các di sản trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư nơi có di sản. Di sản được coi là tài nguyên hấp dẫn của du lịch, phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa còn góp phần quảng bá hình ảnh quê hương đất nước với bạn bè quốc tế”.