Để di sản trở lại với mạch nguồn văn hóa hiện đại

Trong văn hóa Việt Nam, linh vật là những con vật linh thiêng, có thể là sinh vật huyền thoại hoặc con vật có thật nhưng được linh hóa, nhằm biểu trưng cho một niềm tin tâm linh nào đó. Vào dịp cuối tuần này, những người yêu và muốn tìm hiểu về linh thú Việt có thể đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tham quan và tìm hiểu về những biểu tượng linh thú Việt Nam qua những tác phẩm điêu khắc gốm 'Linh thú thời nay' của Nghệ sĩ Ưu tú Trần Nam Tước.

Triển lãm "Linh thú thời nay” được khai mạc vào ngày 10/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày những tác phẩm gốm nghệ thuật về đề tài linh thú. Với các tác phẩm như "Ngựa chầu", "Lân sư", "Cá rồng", nghệ nhân Trần Nam Tước đã thành công trong việc "níu" lại những giá trị văn hóa cổ mang đậm hồn cốt Việt trên từng tác phẩm của mình.

Triển lãm thể hiện sự kết hợp các yếu tố tạo hình của hội họa, ngôn ngữ của điêu khắc trong sáng tạo kiểu dáng, sự kế thừa tinh hoa của gốm Bát Tràng truyền thống với những tìm tòi, sáng tạo mới trong màu men, hình khối của tác giả, qua đó chuyển tải thông điệp ý nghĩa về truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam bằng hình tượng các linh thú trong huyền sử như: Ngựa chầu, Cá rồng, Ngược dòng, Lân sư - đồng bản, Long ngư - đồng bản…

Với những tác phẩm đã được cộng đồng đón nhận, nghệ nhân Trần Nam Tước hy vọng sẽ lan tỏa được những giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam đến gần hơn nữa với người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước.

Bằng bàn tay tài hoa của mình, nghệ nhân đã tạo nên nhiều tác phẩm điêu khắc gốm có giá trị và có những đóng góp mới cho sự nghiệp phát triển đa dạng của giới nghệ thuật đương đại Việt Nam. Năng lực sáng tạo của các nghệ sĩ, nỗ lực kế thừa, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cổ xưa đã giúp các nghệ nhân, nghệ sĩ làm nên câu chuyện mới, câu chuyện khác cho nghệ thuật gốm Việt Nam.

Chúc Linh -

Linh Chi -

Sỹ Cường

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/de-di-san-tro-lai-voi-mach-nguon-van-hoa-hien-dai-185930.htm