Để di sản văn hóa là tài sản quý giá
PTĐT - Phú Thọ là vùng đất cội nguồn của dân tộc - nơi có hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm nét đặc trưng của văn hóa vùng Đất Tổ.
PTĐT - Phú Thọ là vùng đất cội nguồn của dân tộc - nơi có hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm nét đặc trưng của văn hóa vùng Đất Tổ. Trải qua thăng trầm thời gian, nhiều di tích đã xuống cấp, hư hỏng, một số di sản văn hóa phi vật thể đứng trước nguy cơ bị mai một. Để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bên cạnh sự quan tâm đầu tư, tu bổ, tôn tạo, bảo tồn của Nhà nước thì công tác xã hội hóa đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, việc vận động, sử dụng nguồn lực xã hội hóa như thế nào trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản đang còn nhiều vấn đề phải bàn và đặt ra nhiều thách thức.
Kỳ I: Xã hội hóa “tài sản của cộng đồng”
Bảo tồn di sản vật thể...
Luật Di sản văn hóa năm 2001 ghi rõ: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại. Di sản văn hóa gồm di sản văn hóa phi vật thể và vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác”.
Trên thực tế, di sản văn hóa vật thể (VHVT) và di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) luôn có sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Để những di sản VHPVT có sức sống thì cần có không gian thực hành, đó là những di sản VHVT gồm đình, đền, miếu… và sự góp sức của chủ thể thực hành di sản là chính người dân địa phương.“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO vinh danh là Di sản VHPVT đại diện của nhân loại và Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, các đền, đình thờ các tướng lĩnh thời Hùng Vương chính là di sản vật thể, là không gian thực hành tín ngưỡng. Thực hiện chủ trương xã hội hóa, nhiều hạng mục công trình tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã được đầu tư xây dựng, góp phần tạo sự tôn nghiêm, sạch, đẹp cho Khu Di tích.
Nổi bật trong số đó là cầu đi bộ Mai An Tiêm do Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô tài trợ xây dựng với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng được đưa vào sử dụng là một điểm nhấn về cảnh quan trong quần thể Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, nối liền khu vực ngã năm Đền Giếng với cảnh quan dưới chân núi Nón và khu dịch vụ Mai An Tiêm.
Cùng với đó, khu vực ngã năm Đền Giếng được cải tạo với số tiền gần 30 tỷ đồng từ nguồn kinh phí do Công ty cổ phần Asia Slipform công đức, đầu tư xây dựng đã tạo diện mạo mới cho Khu Di tích. Cũng từ nguồn vốn xã hội hóa, nhiều công trình đã được xây dựng, góp phần làm cho diện mạo Khu Di tích ngày càng tôn nghiêm, sạch đẹp như: Công trình tu bổ, tôn tạo chùa Thiên Quang và khu vực Đền Hạ; công trình cổng vào Khu trung tâm Lễ hội Đền Hùng…Ông Lê Trường Giang - Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chia sẻ: Căn cứ vào quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, hàng năm, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng kêu gọi các nhà hảo tâm đầu tư xây dựng các hạng mục công trình. Tính từ năm 2010 đến nay đã có 13 công trình, dự án được đầu tư xây dựng từ nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí gần 170 tỷ đồng. Cùng với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tu bổ di tích, khôi phục hoạt động văn hóa, lễ hội. Tiêu biểu xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông có cụm di tích xếp hạng cấp Quốc gia là di tích Đền Chùa Nam Cường và 3 di tích lịch sử cấp tỉnh là Đền Chẹo, cụm di tích Đền Chiền, Đền Mủi và Đình Gia Áo, trong đó có Đền Nam Cường và Đền Chẹo gắn với làn điệu hát Ghẹo đặc trưng của vùng Đất Tổ.Trước đây, xã có 4 di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, ý thức được giá trị của di tích lịch sử, di sản văn hóa, người dân trong xã đã đồng lòng đóng góp để tu bổ, tôn tạo các di tích. Người dân trong xã, con em Thanh Uyên ở khắp mọi miền đất nước, ở nước ngoài đã đóng góp ngày công lao động, khoảng 18 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong số 318 di tích đã được xếp hạng, trong 10 năm qua, có gần 200 di tích được tu bổ, tôn tạo, phục dựng thu hút sự tham gia đóng góp của nhân dân. Tiêu biểu như: Đình Thét- xã Kim Đức, Đình An Thái- xã Phượng Lâu, Đàn Tịch điền- phường Minh Nông (thành phố Việt Trì); Đền Thượng- xã Ninh Dân (huyện Thanh Ba); Đình Thạch Khoán- xã Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn); Đình Hạ Mạo, Chùa Long Khánh (thị xã Phú Thọ)…Đặc biệt, trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã tu bổ, phục hồi được 20 di tích đình, đền, miếu nơi có tục lệ Hát Xoan thờ thần vào dịp đầu Xuân; 55 di tích thờ Hùng Vương… Ước tính từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn xã hội hóa tu bổ di tích trong toàn tỉnh đạt trên 340 tỷ đồng, chưa kể các đóng góp bằng hiện vật, trong khi đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ tu bổ di tích trong giai đoạn này chỉ đạt trên 112 tỷ đồng.
...tạo không gian thực hành Di sản văn hóa phi vật thể
Các di tích được tu bổ, tôn tạo, phục hồi trở thành nơi diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống, là không gian văn hóa để gìn giữ và thực hành di sản VHPVT. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch- phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì chia sẻ: “Những ngôi đình, đền, miếu được tu bổ, tôn tạo khang trang đã tạo không gian thực hành di sản VHPVT nói chung và di sản Hát Xoan nói riêng, từ đó mỗi nghệ nhân chúng tôi càng thấy được trách nhiệm gìn giữ và trao truyền di sản cho thế hệ mai sau”.
Cùng với việc tiếp tục đầu tư xây dựng các hạng mục công trình tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, các không gian thực hành tín ngưỡng, trình diễn Hát Xoan như đình, miếu tiêu biểu như: Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa; Đền Lăng Sương, huyện Thanh Thủy, Đình Hùng Lô, Miếu Lãi Lèn được tu bổ, tôn tạo, sửa chữa đã trở thành không gian gìn giữ các di sản VHPVT. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền tạo mọi điều kiện, khuyến khích các nghệ nhân phát huy tốt vai trò chủ thể thực hành, trình diễn, truyền dạy Hát Xoan. Đến nay, toàn tỉnh có 6 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, 34 cá nhân được phong tặng, truy tặng Nghệ nhân ưu tú; 14 cá nhân được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan.Với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, 2 di sản VHPVT của nhân loại được UNESCO ghi danh được bảo tồn, phát huy giá trị hiệu quả bằng các biện pháp bảo vệ, phục hồi một cách bài bản. Sau 6 năm bảo vệ, phục hồi, ngày 08/12/2017, “Hát Xoan Phú Thọ, Việt Nam” đã được UNESCO đưa ra khỏi danh sách di sản VHPVT cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại danh sách di sản VHPVT đại diện của nhân loại.
Thực hiện Đề án góp giỗ hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với sự đồng tình, ủng hộ của người dân, tỉnh đã tổ chức tốt Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng với sự tham gia từ 3 đến 5 tỉnh, thành trong cả nước. Lễ Hội Đền Hùng trở thành một trong các lễ hội mẫu mực trong cả nước, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng bào và du khách ghi nhận, đánh giá cao.Có thể thấy, từ việc thực hiện tốt các chủ trương phục hồi, tu bổ, tôn tạo di sản văn hóa vật thể song song với hoạt động khai thác, phát huy giá trị của các di sản đã và đang đạt được những kết quả khả quan. Qua công tác xã hội hóa, nhiều di tích được quy hoạch, tu bổ, tôn tạo, trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đóng góp vào phát triển du lịch và kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo được việc làm cho cộng đồng, nâng cao đời sống của người dân nơi có di tích và lễ hội như: Di tích lịch sử Quốc gia Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa), Đền Lăng Sương (xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy), Đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì), Đền Du Yến (xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba)…Tuy nhiên, huy động và sử dụng nguồn lực xã hội hóa như thế nào để đảm bảo được giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của di sản, phù hợp với quy định của Luật Di sản văn hóa vẫn còn nhiều việc phải bàn.
Kỳ II: Những thách thức trong công tác bảo tồn di sản
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202104/de-di-san-van-hoa-la-tai-san-quy-gia-176556